Đáng ngạc nhiên là trong 106 mẫu nước mắm được thu thập từ 13 tỉnh thành trong cả nước, có tới 75,5% mẫu chứa thạch tín với hàm lượng cao vượt ngưỡng quy định ATVSTP. Điều đáng lưu ý là chất thạch tín từ xưa đến nay luôn được coi là vua của các chất độc, rất gây hại cho sức khỏe con người.
Trên 90% nước mắm độ đạm cao có hàm lượng thạch tín vượt mức quy định
Theo Thanh Niên, trong 106 sản phẩm, có 75/83 mẫu (các mẫu có độ đạm được ghi trên nhãn >= 25 độ) có hàm lượng thạch tín vượt quá mức an toàn cho sức khỏe so với quy định, chiếm 90,4% chứa hàm lượng thạch tín vượt quá ngưỡng cho phép, nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Điều đáng nói, chính những chủ vựa nước mắm, họ hoàn toàn không biết được lượng lớn nước mắm họ sản xuất ra hàng năm chứa chất dẫn đến ung thư.
Với quan niệm nước mắm phải ‘đậm đà, có độ đạm cao’ mới là ngon và nguyên chất, hàng triệu người tiêu dùng đang đối mặt với nguy cơ bị nhiễm thạch tín từ chính món ăn mà họ vốn quen thuộc hằng ngày.
Hầu hết những chủ vựa đều làm theo cách truyền thống do ông cha để lại. Tức từ giai đoạn trộn muối, chiết nước mắm, đóng chai đều được làm thủ công và chưa có một quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm (nước chấm) được bán ra thị trường thì nồng độ thạch tín không vượt quá 1mg/L. Trên thực tế có nhiều mẫu nước mắm, sau khi xét nghiệm có nồng độ thạch tín lên tới 3- 4 mg/lít.
Một chuyên gia về nước mắm nhận định: “Nhiều thương hiệu nước mắm đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích độ đạm cao nên công bố trên nhãn chỉ số độ đạm rất cao. Thực chất khi kiểm tra thì độ đạm thấp hơn nhiều so với con số công bố. Điều này có thể nói, đây là hình thức gian lận thương mại, dối trá trong làm ăn, đánh lừa khách hàng”.
Chis sẻ về nguyên nhân ấn đề này, ông Đỗ Kim Cương (Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết) trả lời trên báo Thanh Niên ngày 12/10 nêu rõ hiện nay xuất hiện tình trạng đốt cháy giai đoạn trong sản xuất nước mắm.
Cách thứ nhất là có thể tăng nhiệt độ cho lều mắm (phơi nắng) nhằm tăng nhanh quá trình phân giải (cách này chấp nhận được).
Cách thứ hai và cũng là cách tiêu cực là pha chế “enzim” (chất làm phân hủy nhanh). Hơn nữa ông cũng cho rằng hiện nay nguồn nước, nguồn cá sản xuất nước mắm đều chưa đảm bảo chất lượng và nhiều cơ sở chạy theo số lượng mà quên đi điều kiện vệ sinh môi trường xung quanh, nơi sản xuất và nguồn nguyên liệu dùng sản xuất nước mắm.
Điều này gióng lên một nỗi lo là liệu có phải các nhà sản xuất chạy theo thị hiếu người tiêu dùng về độ đạm mà bỏ qua yếu tố VSATTP hay quy trình kiểm soát chất lượng đang có nhiều vướng mắc cần phải được giải quyết tận gốc?
Thạch tín: không chỉ là hiểm họa ung thư
Thạch tín được cho phép trong thực phẩm với hàm lượng theo quy định tùy mỗi loại thực phẩm. Ví dụ: Dư lượng tối đa của chì có trong nước mắm là 1 mg/l. Nếu hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng cho phép thì sẽ gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp hợp chất thạch tín vào nhóm 1- nhóm gây bệnh ung thư (qua thí nghiệm trên chuột bạch đã chứng minh).
Các nhà khoa học đã liệt thạch tín vào danh sách các chất độc hại hàng đầu và xem là “sát thủ vô hình”. Theo nhiều nhà khoa học, thạch tín có thể gây ra tới 19 loại bệnh khác nhau.
Nếu bị nhiễm độc thạch tín với liều lượng dù nhỏ nhưng tích tụ trong thời gian dài, sau 5 – 10 năm, sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân, thay đổi sắc tố da, phát sinh các điểm tối điểm sáng trong lòng bàn tay, chân, gây sừng cứng và hoại tử, rụng tóc, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, bệnh rối loạn nhịp tim, gây mụn loét, bệnh tiểu đường…
Theo các nhà nghiên cứu, con số thương vong của nhân loại do thạch tín chứa trong nước uống có thể vựợt quá tổng số thương vong của tất cả các thảm hoạ môi trường của thế kỷ 20 dồn lại.
Chỉ riêng Bangladesh, sự nhiễm độc nước giếng do thạch tín được Tổ chức Y tế Thế giới mô tả này là “một thảm hoạ ngộ độc tập thể lớn nhất thế giới” với 77 triệu người bị ngộ độc.
Chưa hết hoang mang về thành phần của các loại nước mắm trên thị trường, người dân lại phải đối mặt với việc trong nước mắm lại có nồng độ thạch tín vượt ngưỡng nhiều lần so với mức quy định.
Có thể nói việc trung thực minh bạch thông tin sản phẩm trên nhãn hàng nước mắm là điều cần được làm ngay lập tức để người tiêu dùng cân nhắc và lựa chọn khi mua sản phẩm.
Thêm vào đó cần có sự kiểm soát chặt chẽ về về vấn đề ATVSTP đối với các cơ sở sản xuất nước mắm có độ đạm cao để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, Bộ Y Tế quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm (nước chấm) được bán ra thị trường thì nồng độ thạch tín không vượt quá 1mg/lít.
Theo kết quả khảo sát này thì trên thực tế có nhiều mẫu nước mắm, sau khi xét nghiệm có nồng độ thạch tín lên tới 3- 4 mg/lít.
Bên cạnh đó, hầu hết sản phẩm được xét nghiệm đều có độ đạm thực tế chênh lệch so với độ đạm được ghi trên nhãn.