Hoàn Cầu: "Sát thủ mẫu hạm" của TQ đã sẵn sàng xóa sổ cả tàu sân bay Mỹ lẫn THAAD

Hải Võ |

Bộ quốc phòng Trung Quốc ngày 9/5 xác nhận nước này đã thử nghiệm tên lửa tác chiến ở vùng biển Bột Hải và thu được kết quả như dự kiến.

Người phát ngôn của Lầu Bát Nhất, ông Dương Vũ Quân nói cuộc thử nghiệm diễn ra theo kế hoạch thường niên nhằm "nâng cao khả năng tác chiến của các lực lượng vũ trang và phản ứng hiệu quả trước các mối đe dọa đến an ninh quốc gia".

Cơ quan này không hé lộ ngày tháng cụ thể vụ thử tên lửa được tiến hành.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 10/5 bình luận, Trung Quốc thử thành công loại tên lửa hành trình mới là sự kiện "một mũi tên trúng hai đích", khi chứng minh Quân giải phóng nhân dân (PLA) có thể tấn công cả các tàu sân bay lẫn Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc.

Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự Trung Quốc từng phục vụ trong lực lượng tên lửa của PLA, nói với Hoàn Cầu: "Nhìn vào những phần còn lại của tên lửa được truyền thông hé lộ, có thể thấy loại tên lửa được thử nghiệm là DF-26, hay còn được biết đến là 'sát thủ tàu sân bay'."

"Loại tên lửa và địa điểm thử nghiệm là biển Bột Hải cho thấy chúng ta đã diễn tập theo kịch bản tấn công tàu sân bay. Đầu đạn tên lửa nhiều khả năng đã được trang bị xung điện từ cho phép phá hủy hệ thống chỉ huy của tàu sân bay, cũng như lá chắn THAAD," ông Tống nói.

Ông Tống không cho rằng vụ phóng tên lửa ở Bột Hải là động thái nhằm vào Seoul về việc triển khai THAAD, bởi vùng biển này là địa điểm PLA thường xuyên tổ chức các hoạt động tập trận quân sự và không nhạy cảm như biển Đông hay biển Hoa Đông.

Dù vậy, việc Bắc Kinh công bố tin thử tên lửa thành công trong ngày Hàn Quốc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước hạn được xem là lời cảnh báo đối với chính quyền mới ở Seoul.

Trung Quốc kỳ vọng tân Tổng thống Moon Jea In, với lập trường không ủng hộ triển khai THAAD, muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và nối lại liên hệ với Bình Nhưỡng, sẽ đảo ngược lộ trình bố trí lá chắn tên lửa của Mỹ mà chính quyền tiền nhiệm đã xúc tiến.

Tờ Hoàn Cầu cho rằng, bất chấp Mỹ-Hàn khẳng định THAAD chỉ nhằm chống lại đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên, trên thực tế hệ thống này là "thiên lý nhãn" nhằm vào Nga và Trung Quốc.

PLA nhiều lần cảnh báo lực lượng này "hoàn toàn không nói chơi" về các biện pháp chống lại THAAD.

Giới quan sát quân sự Trung Quốc tin rằng, ngay cả khi khả năng phòng thủ của THAAD rất mạnh thì hệ thống này cũng chỉ có thể đánh chặn đồng thời 1-2 đầu đạn tên lửa, nhưng không thể ngăn chặn 8-10 đầu đạn hoặc số lượng nhiều hơn các loại pháo và vũ khí tấn công của PLA.

"THAAD chỉ là một loại khí tài, hơn nữa nó được đặt rất gần Nga và Trung Quốc. Sự hiện diện của nó có thể đe dọa Nga-Trung, nhưng ngược lại nếu khí tài này bị xóa sổ, không còn tồn tại nữa, thì liệu Mỹ còn đe dọa được Nga-Trung phóng tên lửa hay không?" - Hoàn Cầu viết.

Nếu xung đột xảy ra giữa Nga-Mỹ hoặc Trung-Mỹ, hệ thống THAAD sẽ là mục tiêu bị phá hủy đầu tiên.

"Hiện nay cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc đã kết thúc, tân Tổng thống nên tự biết cách xử lý ra sao, và có thái độ thế nào về việc bố trí THAAD," tờ báo Trung Quốc đe dọa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại