Ukraine đang sử dụng Starlink như thế nào?
Vào đầu tháng, nhiều nguồn tin trên Internet đã cho biết rằng một số đơn vị Nga đang tham gia "chiến dịch quân sự đặc biệt" đã bắt đầu tích cực sử dụng các thiết bị đầu cuối của hệ thống Internet vệ tinh Starlink (thuộc SpaceX của Tỷ phú Elon Musk) trong các hoạt động chiến đấu.
Cho đến nay chúng ta vẫn không thể chắc chắn rằng thông tin này có đúng hay không và nếu đúng thì các lực lượng Nga sẽ làm gì.
Tuy nhiên, thông tin này đã gây tranh cãi gay gắt ở Phương Tây - đến mức chính ông Musk phải phủ nhận sự liên quan của SpaceX trong quá trình Starlink đến tay người Nga.
Và có một lưu ý khác trong tuyên bố liên quan của SpaceX đó là Starlink không hoạt động trong lãnh thổ Nga, nhưng điều này có nghĩa là nó vẫn bao gồm các khu vực chiến sự hiện tại ở Ukraine cũng như Biển Đen và Crimea.
Điều này cho phép cả hai bên tham chiến sử dụng các năng lực của Starlink - đặc biệt là phía Ukraine.
Starlink đã cung cấp cho các lực lượng Ukraine khả năng liên lạc tốc độ cao chống tác chiến điện tử (EW), tích hợp chúng vào các loại vũ khí không người lái như các tàu cao tốc cảm tử đang liên tục gây khó khăn cho Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga.
Họ cũng đưa các thiết bị đầu cuối này lên các các máy bay không người lái (UAV/Drone) nông nghiệp cỡ lớn được chuyển đổi thành phương tiện thả đạn cối gọi là "Baba Yaga" giúp tăng tầm hoạt động, chống EW.
Có thể giả định rằng nếu SpaceX mở rộng khu vực Starlink hoạt động ra toàn bộ lãnh thổ Nga, thì các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine sẽ trở nên nguy hiểm hơn - việc bố trí máy bay quân sự và trực thăng ở các khu vực trống trải sẽ tương đương với việc "tự sát".
Rủi ro và cơ hội nếu Nga có trong tay Starlink?
Có lẽ hiện tại Nga đã có cơ hội sử dụng vũ khí của đối phương. Nhưng việc sử dụng chúng sẽ đem lại rủi ro và cơ hội gì vẫn cần được làm rõ.
Tôi (Andrey Mitrofanov) cho rằng chúng ta nên tính đến những rủi ro trước tiên.
Cần làm rõ rằng ngay cả khi các thiết bị đầu cuối Starlink xuất hiện ở bên chiến tuyến phía Nga, số lượng của chúng cũng sẽ bị hạn chế - sẽ không thể đạt được sự cân bằng với số lượng hàng nghìn mà người Ukraine đang có.
Ngoài ra, các thiết bị này cũng được SpaceX định vị và không ai biết những dữ liệu này sẽ đi đâu. Điều đó có nghĩa là khả năng phía Nga sử dụng chúng để liên lạc là vô cùng thấp.
Sẽ không có sĩ quan cấp trung và cao nào của Nga sử dụng chúng để liên lạc vì điều đó có khả năng sẽ kết thúc bằng một cuộc tấn công chính xác vào đầu não của các đơn vị Nga.
Các thiết bị này cũng sẽ không được đưa đến gần các trung tâm hậu cần vì lý do tương tự.
Tiếp theo chúng ta sẽ tính đến các cơ hội.
Bất chấp những rủi ro nói trên, các thiết bị đầu cuối Starlink có thể đem lại lợi thế khá thú vị cho các lực lượng Nga nếu được sử dụng đúng cách.
Tất nhiên, chúng ta đang nói về việc đưa chúng lên các khí tài không người lái - như cách người Ukraine đang làm.
Giả định về cách các lực lượng Nga sử dụng Starlink này khá thực tế vì nó dựa trên suy luận rằng có rất nhiều thiết bị loại này đang hoạt động ở tuyến đầu, những nơi hai phía "cài răng lược".
Điều đó khiến việc SpaceX kiểm soát tất cả chúng có thể khá khó khăn.
Hãy thử nghĩ tới một kịch bản như thế này, một "Baba Yaga" với thiết bị đầu cuối Starlink (y hệt những gì người Ukraine đang dùng) đi vòng qua chiến tuyến, thâm nhập sâu và tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Cách tiếp cận này thậm chí có thể đảm bảo việc vô hiệu hóa các tài sản quân sự cực kỳ quan trọng như Pháo phản lực phóng loạt (MRLS) M142 HIMARS hay các thành phần của tổ hợp phòng không Patriot.
Hay một kịch bản khác là với Starlink, những UAV cảm tử cỡ lớn, có tầm hoạt động lên tới 1.000 km thực hiện các cuộc tập kích đường không sâu trong lãnh thổ Ukraine hoặc xa hơn nhằm vào những mục tiêu có giá trị biểu tượng hơn nhiều (ví dụ như F-16).
Đó là chưa kể tới kịch bản rằng trong một ngày đẹp trời, truyền thông Phương Tây sẽ đăng tải tin tức về tàu chiến NATO bị đánh chìm ở đâu đó (có thể không phải ở Biển Đen) bởi nhóm "tàu không người lái chưa xác định".
Cuối cùng, ngoài cơ hội tận dụng một cách khôn ngoan để gây thiệt hại đáng kể cho đối phương, cần lưu thêm rằng công nghệ truyền tải dữ liệu theo cách này không có độ trễ và Nga cũng đang ưu tiên phát triển các hệ thống tương tự như Starlink.
Và việc các hệ thống tương tự của Nga xuất hiện sẽ sớm trở nên quan trọng với tư cách là một trong những nền tảng để đảm bảo an ninh quốc gia.