Chuyên gia Ukraine thừa nhận Nga đã có thứ 'chống lật kèo', F-16 có đến cũng 'thất nghiệp'?

Hoài Giang |

Ít giờ trước tờ Unian (Ukraine) đã đăng tải bài viết với tiêu đề "Địa ngục đã được tạo ra từ Avdiivka, chuyên gia hàng không gọi tên thứ vũ khí uy lực nhất của Quân đội Nga".

Chuyên gia Ukraine thừa nhận Nga có thứ 'chống lật kèo'

Ở tiền tuyến, người Nga hiện đang sử dụng bom dẫn đường KAB (chính xác hơn đây là thuật ngữ chung bao gồm KAB được sản xuất hàng loạt và các bom nổ mạnh FAB được bổ sung bộ kit "liệng" UMPK) làm vũ khí tấn công chính.

Chuyên gia hàng không, cựu kỹ sư thử nghiệm Antonov ông Kostiantyn Kryvolap đã đưa ra nhận xét về chúng như sau:.

"Bom được bổ sung bộ phận dẫn đường, có thể lên kế hoạch bay trước khi ném.

Họ (Nga) buộc phải thả những KAB này ở khoảng cách không quá 25-30 km tính từ tiền tuyến để tấn công quân ta (Ukraine).

Ví dụ như ở Avdiivka, mỗi ngày người Nga ném từ 60 đến 70 trái bom loại này và đã tạo ra một nơi giống như địa ngục. Con số trên tương đương số trước đó họ ném trong 1 tuần trên toàn mặt trận. Có thể nói bây giờ họ đã có trong tay vũ khí nguy hiểm nhất".

Cảnh quay chậm bom FAB-500 được bổ sung bộ kit UMPK mở cánh trước khi liệng tới mục tiêu.

Ông Kostiantyn Kryvolap nói thêm rằng các "không phải là vũ khí quá tinh xảo hay quá chính xác" nhưng vấn đề là người Nga sở hữu số lượng "ngoài sức tưởng tượng" bom kiểu này.

Loại bom này thường được triển khai từ các tiêm kích ném bom và tấn công tiền tuyến Su-34 và chúng thường được tiêm kích đa năng Su-35 "che chắn" (bảo vệ) từ trên cao. Việc phá hủy những máy bay này có thể tác động đáng kể đến ưu thế trên không của đối phương.

Vị chuyên gia Ukraine nhấn mạnh:

"Hiện chúng ta có thể sẽ quan sát quá trình (Ukraine) loại bỏ những chiếc máy bay này với mục tiêu số lượng và tốc độ bị loại bỏ cao hơn khả năng Nga chế tạo lại và đào tạo phi công phù hợp với chúng".

Ông Kostiantyn Kryvolap lưu ý thêm rằng vào thời gian đầu "giai đoạn nóng" của cuộc chiến, Nga có khoảng 105 chiếc Su-34 và hiện nay - theo nhiều ước tính (chưa kiểm chứng) - họ còn lại khoảng 70 chiếc:

"Đây vẫn là một con số khá ấn tượng nhưng việc chúng liên tục bị hạ gục và 30% số Su-34 đã bị hạ gục là rất đáng kể".

Nhưng vấn đề chính mà vị chuyên gia Ukraine đề cập là sự thiếu hụt phi công Su-34 sẵn sàng tiến hành các phu vụ ném bom của phía Nga (chưa kiểm chứng).

Một phi vụ ném bom liệng của Su-34 Nga tại mặt trận Kupyansk, Kharkov được Sputnik đăng tải gần đây.

F-16 có đến cũng 'thất nghiệp'?

Theo vị chuyên gia Ukraine, câu hỏi rằng "liệu tiêm kích đa năng F-16 có phải là đòn đáp trả xứng đáng nhằm vào lực lượng không quân Nga ở tiền tuyến hay không" hoàn toàn phụ thuộc vào những nhiệm vụ đặt ra trước mắt chúng:

"Nếu chúng ta (Ukraine) không có tên lửa tầm xa và các vũ khí khác giúp vượt qua và tiêu diệt triệt để các hệ thống phòng không của đối phương dọc chiến tuyến thì chúng (F-16) cũng sẽ không có việc gì để làm ở đó.

Đầu tiên, chúng ta cần phải nỗ lực - với việc sử dụng các tên lửa (đạn đạo chiến thuật) như ATACMS để phá hủy các hệ thống radar và bệ phóng tên lửa phòng không của đối phương.

Sau đó, những chiếc tiêm kích đa năng này mới có thể tới được đó - đây là cách tiếp cận tiêu chuẩn mà NATO thực hành từ lâu".

Chuyên gia Ukraine thừa nhận Nga đã có thứ 'chống lật kèo', F-16 có đến cũng 'thất nghiệp'?- Ảnh 1.

Bức ảnh một chiếc F-16 mang biểu tượng của Không quân Ukraine tại một sân bay Châu Âu được đăng tải lên X/Twitter vào đầu tháng 2/2024. Được biết nó đang trong quá trình huấn luyện phi công Ukraine nên nhiều khả năng là F-16BM.

Ông Kostiantyn Kryvolap nói thêm rằng F-16 sẽ rất khó thực hiện các nhiệm vụ chính là tiêu diệt sinh lực, trang thiết bị, phòng không và chuỗi hậu cần của đối phương nếu không có sự hỗ trợ của tên lửa tầm xa.

Ngoài ra, bản thân máy bay cũng phải được trang bị radar cải tiến như trên các mẫu hiện đại:

"Điều này sẽ giúp phi công cảm thấy rất bình tĩnh khi tiếp xúc với tiêm kích đa năng Su-35. Bởi Su-35 có radar rất mạnh - mà theo người Nga, có thể "nhìn" khá xa và phóng tên lửa ở khoảng cách xa.

F-16 của chúng ta lẽ ra phải có những thứ tương tự, tuy nhiên trên biến thể sẽ được chuyển giao - radar của chúng yếu hơn nhiều - và "16" sẽ không thể làm gì trên chiến tuyến".

Trong bài viết được Topwar.ru đăng tải gần đây, chuyên gia Nga Serge Ketonov ước tính Ukraine "đã được hứa hẹn khoảng 65 đơn vị (F-16) tương đương từ 4 đến 5 phi đội".

Vị chuyên gia cho rằng những chiếc tiêm kích này được nâng cấp lên biến thể F-16 AM/BM có hiệu suất tương đương với F-16C/D (chưa rõ là tương đương Block 25, 30/32, 40/42 hay 50/52).

Về radar, ông Serge Ketonov lưu ý F-16AM/BM có radar điều khiển hỏa lực AN/APG-66(V2), có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 53-90 km trong điều kiện nhiễu điện từ mạnh, cũng như các mục tiêu trên mặt đất ở 45-67 km.

Tuy nhiên căn cứ vào các tuyên bố gần đây của phía Ukraine, vị chuyên gia Nga cho rằng những máy bay có thể được bổ sung radar AN/APG-83 SABR.

Đây là radar tốt nhất cho F-16 với tầm hoạt động lý thuyết là 370 km vượt xa radar N011M Bars (Su-30), đồng thời ngang tầm với radar Irbis-E (Su-35) - tuy nhiên đây là điều không chắc chắn.

Cũng có có thể có một giải pháp khác hợp lý hơn là radar AN/APG-68 với tầm hoạt động lý thuyết gần 300 km - thứ đã được nhiều nước NATO loại bỏ khỏi nhiều chiếc F-16C/D Block 52+ để nâng cấp lên F-16V (Block 70/72).

Ngoài ra, còn có những giải pháp trung gian, chẳng hạn một số ít chiếc F-16 có thể được trang bị AN/APG-83 SABR để truyền thông tin nhận được đến những chiếc F-16 có radar đơn giản hơn.

Với các radar mới, các phi công Ukraine có cơ hội phát hiện trước máy bay Nga và phóng tên lửa AIM-120 AMRAAM B/C với tầm bắn 105 km tới chúng.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận Nga đã có thứ 'chống lật kèo', F-16 có đến cũng 'thất nghiệp'?- Ảnh 2.

AIM-120 AMRAAM B/C trên F-16AM/BM có tầm bắn tối đa (từ 75 km đến 105 km) kém hơn đáng kể so với Vympel R-77 (tối đa 175 km) và R-27 (tối đa 170 km) trên Su-35 Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại