Dù không phải quốc hoa, nhưng hoa anh đào (sakura) từ lâu đã được xem là biểu tượng không thể thay thế của Nhật Bản. Mỗi mùa xuân, những cánh hoa bung nở khắp các thành phố, núi đồi, khiến Nhật Bản chìm trong màu sắc trắng hồng tinh khôi. Thời điểm hoa nở rực rỡ nhất chỉ kéo dài vài ngày, nhưng cũng đủ để biến mọi nơi có hoa trở nên đông đúc người tới vãn cảnh, picnic... như một truyền thống từ lâu đời.
Nhưng năm nay, mùa hoa anh đào đến và đi chỉ trong một cái chớp mắt. Theo Yasuyuki Aono, chuyên gia tại ĐH Osaka, người được tiếp cận với các bản ghi chép hoa anh đào nở suốt từ năm 812 đến nay, mùa hoa anh đào của năm 2021 đã bắt đầu sớm một cách kỷ lục.
Cụ thể giữa cố đô Kyoto, hoa anh đào rực nở vào ngày 26/3 - đạt kỷ lục sớm nhất trong suốt 1200 năm qua. Thủ đô Tokyo thì bắt đầu vào ngày 22/3, đến sớm thứ 2 trong lịch sử khu vực.
Trên thực tế, thời điểm hoa nở đạt đỉnh thay đổi theo từng năm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khí hậu, lượng mưa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, xu hướng mùa hoa đang đến ngày càng sớm hơn. Như tại Kyoto cách đây hàng thế kỷ, mùa hoa diễn ra vào giữa tháng 4, rồi chuyển sang đầu tháng 4 trong thập niên 1800. Còn nay, nó đến vào cuối tháng 3.
Hoa anh đào nở sớm ở Nhật Bản tưởng như chẳng phải chuyện to tát. Nhưng với các nhà khoa học, đây là dấu hiệu của một cơn khủng hoảng lớn hơn, đe dọa đến hệ sinh thái ở khắp mọi nơi.
"Khi nhiệt độ toàn cầu ấm lên, những đợt sương giá vào mùa xuân cũng diễn ra sớm hơn, và mùa hoa cũng vậy" - trích lời Tiến sĩ Lewis Ziska từ ĐH Columbia.
"Hoa anh đào rất nhạy cảm với nhiệt độ" - Aono cho biết. "Hoa nở sớm hay muộn phụ thuộc vào nhiệt độ là chủ yếu. Nhiệt độ hồi thập niên 1820 đến nay đã tăng khoảng 3,5 độ C". Thời tiết năm nay có lẽ là nguyên nhân chính, theo Aono. Mùa đông vừa qua rất lạnh, nhưng mùa xuân lại tới nhanh và ấm bất thường.
Amos Tai, phó giáo sư ĐH Hong Kong, Trung Quốc cho rằng hoa nở sớm chỉ là một phần của "tảng băng khí hậu" trên phạm vi toàn cầu, có khả năng khiến hệ sinh thái mất cân bằng.
Tai cho biết có 2 nguyên nhân chính tạo ra nguồn nhiệt này: đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Đô thị hóa khiến các thành phố trở nên nóng bức hơn so với ngoại ô. Nhưng biến đổi khí hậu có vai trò lớn hơn cả, khi nền nhiệt của toàn cầu đều gia tăng.
Việc hoa nở sớm sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến lượng du khách, mà còn gây ra tác động không nhỏ đến toàn bộ hệ sinh thái, đe dọa sự sinh tồn của nhiều loài vật khác.
Khi tự nhiên phản kháng
Cây cối và côn trùng dựa vào nhau rất nhiều, và cả hai đều phải dựa vào môi trường để "điều chỉnh lại chu kỳ của mình" - theo lời Tai. Ví dụ, thực vật sẽ cảm nhận được nhiệt độ xung quanh, và nếu nó đủ ấm, cây cối sẽ mọc lá, trổ bông. Tương tự là côn trùng, chúng dựa vào nhiệt độ để điều chỉnh chu kỳ sống, nghĩa là nhiệt độ càng cao càng phát triển nhanh.
"Trong các thế kỷ gần đây, biến đổi khí hậu đã khiến mọi thứ đảo lộn, làm xáo trộn mối quan hệ này".
Các loài thực vật và côn trùng khác nhau sẽ có tốc độ phản ứng với nhiệt độ khác biệt, qua đó khiến chu kỳ của chúng không còn đồng điệu. Giờ đây, hoa nở có thể nở trước thời điểm côn trùng sẵn sàng và ngược lại. Nói cách khác, côn trùng không tìm được đủ thức ăn, trong khi cây cối mất đi lực lượng giúp thụ phấn.
Vài thập kỷ gần đây, một số loài sinh vật đã bắt đầu chuyển dịch lên khu vực có độ cao lớn hơn nhằm trốn tránh ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Khả năng thích nghi của hệ sinh thái cũng ngày càng khó khăn hơn, khi khí hậu đang trở nên rất khó đoán. Và với việc hoa nở sớm, có nghĩa những hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ còn rất biến động qua từng năm.
Sẽ không chỉ dừng lại ở hoa anh đào
Hoa nở sớm vào năm nay không chỉ dừng lại ở Nhật Bản. Những cây hoa anh đào tại Mỹ cũng đã nở từ rất sớm - vào ngày 31/3, nghĩa là sớm hơn gần 1 tuần so với mọi năm.
Và hệ quả của biến đổi khí hậu cũng không dừng lại ở hoa anh đào. Hiện tượng tương tự đã đang xảy ra với nhiều loại cây trồng khác, bao gồm cả những loài có giá trị kinh tế lớn. Nguồn cung thực phẩm tại một số khu vực trên thế giới đang bị ảnh hưởng trầm trọng từ hạn hán, mất mùa, và đại dịch châu chấu. Thậm chí ở nhiều nơi, nông dân đang buộc phải chuyển loại cây trồng phù hợp hơn với điều kiện đã thay đổi.
"Nông nghiệp giờ đây giống như đánh bạc vậy, bởi biến đổi khí hậu đã thay đổi hệ sinh thái theo những cách bất ngờ nhất".