Hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, phương Tây rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan

Kiều Anh |

Tình trạng thiếu vũ khí có thể buộc các nước châu Âu đứng trước lựa chọn khó khăn khi phải cân bằng giữa sự ủng hộ cho Ukraine và nhu cầu an ninh của mình.

Binh lính Ukraine ở thành phố Severodonetsk, khu vực Donbass. Ảnh: AFP

Binh lính Ukraine ở thành phố Severodonetsk, khu vực Donbass. Ảnh: AFP

Bài toán khó của phương Tây

Trong những tháng qua, Mỹ và các nước NATO đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước NATO đang cạn kiệt dần kho vũ khí. Một số nước NATO đã cung cấp các hệ thống vũ khí thời Liên Xô trong kho dự trữ của mình và đang chờ các hệ thống thay thế từ Mỹ.

Một số nước châu Âu sẽ gặp khó trong việc nhanh chóng bổ sung kho vũ khí bởi họ không có ngành công nghiệp quốc phòng đủ mạnh để nhanh chóng sản xuất các hệ thống thay thế. Nhiều nước vẫn chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Hiện nay, họ đang đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: Đó là tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine hay giữ lại chúng để đảm bảo an ninh quốc gia. Phương Tây cho rằng nếu cứ cung cấp vũ khí như hiện nay, họ sẽ dễ bị tấn công nếu xung đột với Nga nổ ra nhưng nếu không cung cấp vũ khí, điều này sẽ làm tăng khả năng Nga giành chiến thắng.

Đây là bài toán khó với EU.

Sau 8 tháng giao tranh Nga - Ukraine diễn ra ác liệt, phương Tây nhận định, cuộc xung đột sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, hoặc có lẽ là những năm tới với việc cả hai bên đều nhanh chóng tiêu hao vũ khí. Do đó, chiến thắng sẽ thuộc về bên nào có khả năng cầm cự lâu hơn.

Các quan chức châu Âu, trong các bình luận công khai và những cuộc trả lời phỏng vấn với AP đã nhận định rằng, Nga không được phép giành chiến thắng ở Ukraine và phương Tây sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh đến năng lực phòng thủ quốc gia của mình.

"Theo ước tính của chúng tôi, sớm muộn gì Nga cũng sẽ khôi phục khả năng" bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ ra lệnh cho các tập đoàn vũ khí tăng cường sản xuất liên tục, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur bình luận.

Đức cũng đối mặt với tình trạng cạn kiệt kho vũ khí . Bộ Quốc phòng Đức cho biết kho vũ khí của nước này đã đến giới hạn giống như các nước châu Âu khác.

"Chúng tôi không thể tiết lộ chính xác về tình trạng kho vũ khí do vấn đề an ninh. Tuy nhiên, chúng tôi đang cố gắng thu hẹp khoảng cách này", Bộ Quốc phòng Đức thông báo.

Dù vậy, theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở châu Âu Max Bergmann, một số quốc gia NATO có lẽ không thể cố gắng hơn nữa.

"Họ đã cắt đi những phần mỡ cần thiết. Và giờ thì họ đang cắt đến cả phần xương", ông Bergmann bình luận.

Kho vũ khí của các nước phương Tây đang ở mức thấp bởi nhiều nước châu Âu cắt giảm ngân sách quốc phòng sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Từ lâu, Mỹ đã hối thúc các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP nhưng đây là mục tiêu mà hầu hết các nước chưa thể đáp ứng.

Chuẩn bị cho một thập kỷ khó khăn

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhiều nước châu Âu đã cam kết tăng cường ngân sách quốc phòng để nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quân sự, đồng thời cung cấp vũ khí cho Kiev.

Estonia đã cung cấp cho Ukraine số lượng vũ khí và trang thiết bị quân sự tương đương với 1/3 ngân sách quốc phòng của nước này, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia cho hay. Còn theo Viện Kiel có trụ sở tại Đức, Na Uy đã cung cấp hơn 45% kho lựu pháo của mình, Slovenia cam kết hỗ trợ gần 40% xe tăng trong khi Cộng hòa Séc đã cung cấp 33% hệ thống tên lửa phóng loạt cho Ukraine.

Mỹ đã cam kết hỗ trợ hơn 17,5 tỷ USD vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ukraine kể từ tháng 2/2022, làm dấy lên câu hỏi trong Quốc hội rằng Washington có đang mạo hiểm khi cung cấp số lượng vũ khí lớn như vậy. Lầu Năm Góc vẫn chưa cung cấp thông tin về kho vũ khí của mình.

Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington ước tính, cuộc xung đột ở Ukraine đã làm giảm 1/3 kho tên lửa chống tăng Javelin và 25% số lượng tên lửa Stinger của Mỹ. Cuộc xung đột này cũng gia tăng sức ép với nguồn cung đạn dược bởi hệ thống lựu pháo M777 của Mỹ không còn sản xuất nữa.

Estonia cũng đã chi vượt 42,5% ngân sách quốc phòng trong năm nay để bổ sung kho vũ khí. Đức đang xem xét các hợp đồng dài hạn để cung cấp đạn dược cho tên lửa Stinger và vào tháng 9, Berlin đã ký hợp đồng trị giá 560 triệu euro (tương đương 548 triệu USD) để mua 600 tên lửa dẫn đường mới của Hải quân Mỹ với các đợt vận chuyển sẽ kéo dài tới năm 2029.

Việc bổ sung kho vũ khí và tăng cường năng lực sản xuất vũ khí sẽ là một quá trình dài, nhà nghiên cứu quốc phòng Tom Waldwyn đánh giá. Theo ông, với một số quốc gia, "điều này sẽ yêu cầu sự đầu tư đáng kể vào các cơ sở hạ tầng. Quá trình đó sẽ không đơn giản khi lạm phát và sự không ổn định của chuỗi cung ứng đẩy các chi phí tăng cao".

Ông Dovilė Šakalienė, nghị sĩ Litva đang đề nghị các thành viên trong Quốc hội nước này ủng hộ các hợp đồng quốc phòng dài hạn để xây dựng năng lực phòng thủ quốc gia.

"Nếu không có những quyết định dài hạn về việc mở rộng ngành quân sự quốc phòng, chúng ta sẽ không an toàn. Đây không phải một thập kỷ hòa bình. Thập kỷ này sẽ rất khó khăn".

Mới đây, Thủ tướng Ukraine - Denis Shmygal cảnh báo châu Âu sẽ đối mặt với "sóng thần di cư" nếu các nước phương Tây không cung cấp thêm các hệ thống phòng không tiên tiến cho nước này. Trong khi đó, Moscow nhiều lần chỉ trích phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời cho rằng các nước này can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến và điều đó chỉ khiến căng thẳng ngày càng leo thang. Moscow cũng cảnh báo, bất kỳ đoàn vận chuyển vũ khí nào tới Ukraine đều là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại