Người tị nạn ở biên giới Ukraine - Moldova. Ảnh: New York Times
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Frankfurter Allgemeine Zeitung, ông Shmygal cáo buộc Nga muốn gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu.
"Bởi vì nếu không có điện, khí đốt để sưởi ấm và nước ở Ukraine thì điều này có thể tạo nên một cơn sóng thần di cư mới", Thủ tướng Ukraine nhận định, đồng thời cho biết Ukraine đang chờ đợi đạn dược cho hệ thống phòng không IRIS-T mà Đức cung cấp.
"Trước tiên, chúng tôi cần hệ thống phòng không. Đức đã cung cấp hệ thống IRIS-T. Nó đã hoạt động trong 1 tuần qua và cứu sống nhiều sinh mạng, đặc biệt là quanh Kiev. Thật không may, chúng tôi chỉ có 1 hệ thống như vậy ở thời điểm này. Chúng tôi đang chờ đợi các đợt vận chuyển đạn dược tiếp theo và dĩ nhiên là cả hệ thống này".
Trong tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết , 1 trong 4 hệ thống phòng không IRIS-T đã được cung cấp cho Ukraine và 3 hệ thống còn lại sẽ dược chuyển giao vào năm 2023.
Nga đã bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine vào tháng 10/2022 sau khi cáo buộc Kiev tấn công cầu Crimea. Ukraine cho biết các cuộc không kích trên đã phá hủy ít nhất 30% nhà máy điện của nước này.
Moscow nhiều lần chỉ trích phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời cho rằng các nước này can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến và điều đó chỉ khiến căng thẳng leo thang. Moscow cũng cảnh báo, bất kỳ đoàn vận chuyển vũ khí nào tới Ukraine đều là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga./.