Trong bức ảnh được công bố, một cặp AGM-158C được treo dưới cánh của một biến thể F-35C có khả năng hoạt động trên tàu sân bay, được giao cho nhóm F-35 Lighting II Pax River Integrated Test Force (Pax ITF).
Nỗ lực tích hợp tên lửa chống hạm với phiên bản F-35 dùng trên tàu sân bay phản ánh việc quân đội Mỹ muốn tăng cường khả năng chống hạm trên các nền tảng mới. Quân đội Mỹ thừa nhận sự cần thiết về việc nâng cao khả năng chống hạm, đặc biệt trong bối cảnh các đối thủ như Trung Quốc cũng đang củng cố lực lượng hải quân.
Tiêm kích F-35 hiện không có tên lửa chuyên dụng cho việc chống hạm, khiến cho việc trang bị thêm LRASM trở thành một kết hợp đáng giá. Tên lửa AGM-158C LRASM là một loại tên lửa hành trình tàng hình, có độ chính xác cao và được phóng từ máy bay. Nó đã được đưa vào hoạt động từ năm 2018 và được phát triển để cung cấp cho Không quân và Hải quân Mỹ thêm nhiều lựa chọn tấn công trong môi trường hàng hải.
LRASM là phiên bản chống hạm của tên lửa AGM-158 Joint Air-to-Surface Standoff Missile (JASSM), có khả năng phóng từ các máy bay ném bom B1 của Không quân cũng như các máy bay F/A-18 Super Hornet của Hải quân. Hiện nay, mục tiêu của quân đội Mỹ là sẵn sàng trang bị tên lửa này cho F-35, một trong những tiêm kích thế hệ thứ năm đáng chú trọng.
"Nhóm Pax ITF đã thực hiện 2 buổi bay thử nghiệm để đánh giá độ rung, tải trọng và chất lượng bay khi gắn thêm 2 tên lửa AGM-158 bên ngoài máy bay" chú thích đi kèm bức ảnh được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho biết.
Theo tài liệu từ nhà sản xuất Lockheed Martin, tên lửa LRASM có hệ thống dẫn đường bán tự động và tầm bắn khoảng 200 hải lý. Nó có thể mang theo đầu đạn nặng 1.000 pound và bay ở tốc độ dưới âm.
Do kích thước của tên lửa LRASM nên không thể đặt bên trong khoang F-35, điều này có nghĩa là tên lửa sẽ phải được treo bên ngoài máy bay, ảnh hưởng phần nào đến khả năng tàng hình của tiêm kích. Tuy nhiên, việc trang bị LRASM vẫn là sự nâng cấp đáng kể về hỏa lực cho F-35.
Theo Quân đội Mỹ "LRASM là một giải pháp ngắn hạn đã được xác định để lấp đầy khoảng trống về khả năng chống hạm tấn công (OASuW), cung cấp khả năng chống hạm tiên tiến, tầm xa, linh hoạt chống lại các mục tiêu trên biển có nguy cơ cao".
Mặc dù LRASM là một vũ khí tấn công hàng hải trên không cực kỳ hiệu quả, nhưng nó cũng rất đắt đỏ, mỗi tên lửa có giá hơn 3 triệu USD. Do đó, Mỹ cũng đã tìm kiếm các giải pháp rẻ hơn, phát triển các khả năng chống hạm như vũ khí thử nghiệm QUICKSINK.
Các hình ảnh về F-35 và LRASM được công bố trong tuần này, cùng với các cuộc thử nghiệm vũ khí chống hạm gần đây, nhấn mạnh nỗ lực của quân đội Mỹ trong việc phát triển thêm các lựa chọn tấn công trong môi trường hàng hải.
Khả năng chống hạm có thể sẽ đóng vai trò quan trọng nếu có tình huống bất ngờ trong tương lai xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những vũ khí tầm xa như LRASM cho phép các máy bay của Mỹ tấn công mục tiêu từ khoảng cách xa hơn, hạn chế việc bị phát hiện bởi hệ thống phòng không của đối phương.