Để hiểu rõ hơn mức độ tai hại của sai lầm mà Southgate vừa mắc, cần nhìn lại vài màn "múa mép" gây xôn xao gần đây của làng giải trí Việt Nam, trong đó nóng sốt nhất hiện nay là vụ Đào Bá Lộc.
Ca sĩ khá "lặng lẽ" trong thời gian dài này bỗng dưng "nổi tiếng" rộng khắp trong nháy mắt không phải do giọng hát hay, mà bằng một phát ngôn.
Với chia sẻ "từng yêu một nam MC, danh hài đình đám trong showbiz, người này hiện đã lấy vợ", nhiều người tin rằng biết được Đào Bá Lộc muốn nói đến ai. Vì dù không nêu đích danh, nhưng ca sĩ họ Đào đã "khoanh vùng" rất kỹ phạm vi tìm kiếm.
"Trong bản danh sách mới nhất của ĐT Anh, có một số cầu thủ không xứng đáng được triệu tập", đó là cách Southgate tạo ra một vụ "Đào Bá Lộc" tại xứ sở sương mù. Sau câu nói thiếu suy nghĩ kể trên, hàng loạt nhân vật có vai về trong làng bóng Anh đã lao vào chỉ trích.
Cách nói giống nhau nhưng hệ quả lại khác nhau. Nếu Đào Bá Lộc đã phần nào thoát khỏi tình trạng vô danh (dù theo cách chẳng đáng tự hào), thì Southgate đã phá hỏng nghiêm trọng danh tiếng của mình.
Southgate đã khiến nhiều người hâm mộ Anh giận dữ.
Những lời mà Southgate vừa thốt ra không chỉ gây tổn thương cho một số học trò, mà còn khiến NHM cảm thấy sốc nặng. Xét về sức tác động, Southgate đã vượt qua cả Đào Bá Lộc và bắt kịp Chí Trung.
Cách đây vài tuần, diễn viên gạo cội kiêm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bảo rằng "chằng bao giờ xem phim Việt Nam, kể cả phim mình đóng".
Người Việt Nam nhận thức thế nào về chất lượng phim trong nước, người Anh hẳn cũng nghĩ y chang đối với trình độ của các cầu thủ sinh ra tại làng cầu chưa đạt được danh hiệu nào kể từ World Cup 1966. Vậy nên đâu khiến cả Chí Trung lẫn Southgate, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình, phải công khai mở miệng.
Diễn viên Chí Trung tuyên bố không xem phim Việt Nam.
Nếu sau này các đạo diễn dè dặt khi muốn cộng tác với Chí Trung, đó ắt là chuyện bình thường. Và giả sử sau này các tuyển thủ Anh - bao gồm những nhân tố ít được đoái hoài như Frazier Forster hay Fabian Delph - đá bay ghế Southgate, chắc cũng chẳng có ai thấy lạ.
Năm 1999, Glenn Hoddle đã phải giao lại chiếc ghế HLV trưởng ĐT Anh vì có lời nói xúc phạm người khuyết tật trong một lần trả lời phỏng vấn. "Thần khẩu hại xác phàm", bài học tưởng cũ mà chẳng bao giờ hết mới.