Mới đây, truyền thông Thái Lan bất ngờ đưa ra nhận định ở V-League có 2 cầu thủ đủ khả năng đá Thai League là Hoàng Vũ Samson và Công Phượng. Tuy nhiên, truyền thông nước bạn cũng đánh giá Công Phượng có mức chuyển nhượng chỉ rơi vào khoảng 25.000 euro.
Góc nhìn của HLV Lê Thụy Hải
Đánh giá về việc này, HLV Lê Thụy Hải nói: "Tất nhiên là 2 cầu thủ trên dư sức đá Thai League rồi. Giải đấu của họ có gì ghê gớm đâu, đâu phải hàng đầu châu lục hay gì? Công Phượng đá ở V-League ổn thì dư sức đá tại Thai League.
Còn chuyện nhận định giá 25.000 euro thì sao lại nhận định thế. Đấy có phải một nhận định coi thường bóng đá Việt Nam hay không, trước một kì SEA Games sắp tới? Mình dám nói thế vì U15 của mình đánh bại Thái Lan trên đất họ.
Từ trước đến giờ Thái Lan lúc nào cũng kỵ Việt Nam. Dù họ thắng nhiều nhưng nghĩ đến Việt Nam là phải giật mình rồi. Mình không bênh mình nhưng phải có niềm tự hào".
Khi được hỏi nếu Công Phượng chuyển nhượng trong nước, mức giá bao nhiêu sẽ là hợp lý, ông Lê Thụy Hải nói:
"Hiện các CLB ở Việt Nam đang không quá nặng chuyện chuyển nhượng, vấn đề tiền bạc không như ngày xưa. Còn giá trị Công Phượng chuyển nhượng ở Việt Nam thì tôi nghĩ 25.000 euro là không có.
Chí ít cũng phải 50.000 euro tất nhiên có thể cao hơn, tùy thuộc đội người ta cần không. Nếu rẻ nhất, tính đến cả việc mua Công Phượng để đánh bóng tên tuổi thì phải cỡ đó. Còn như trước đây, cỡ Công Phượng hèn nhất giá mượn cũng phải 3 tỷ/năm!"
Người Thái đã nhiều lần phải cay cú với Công Phượng.
Khi đánh giá các thế mạnh của Công Phượng dưới con mắt một nhà tuyển dụng, ông Hải tiếp:
"Công Phượng được lợi thế có cái tên, để đánh bóng cho CLB ấy. Khi Công Phượng đến đâu đó thì đã được quảng cáo bởi hàng chục tờ báo, đăng vài ngày.
Về mặt chuyên môn, Công Phượng là một trung phong tốt. Ở các đội hiện đại hơn, nhiều cầu thủ hay hơn thì càng tốt. Ngoài binh thường tuyến trên chơi 1 người, chơi 2 thì phía dưới không có ai nên rất cần một người như Công Phượng".
Dù vậy, muốn khép lại vấn đề này, ông Hải "lơ" đưa ra lời khuyên cho Phượng: "Chúng ta không nên bận lòng quá vào việc Thái Lan họ đánh giá. Các bạn còn trẻ, bây giờ số tiền định giá thấp nhưng 1, 2 năm sau sẽ khác đi".
Góc nhìn của một chuyên gia chuyển nhượng gốc Việt hiện sống và làm việc tại Đức Nguyễn Đắc Văn
PV: Thời gian qua Công Phượng sang Nhật Bản thi đấu J-League 2, chúng ta thấy ngoài chuyên môn còn có giá trị cả về hình ảnh, PR khá tốt bởi đang là "hot name" tại Việt Nam.
Vậy theo anh, nếu Công Phượng sang Thái Lan thi đấu, một thị trường mà có lẽ tên tuổi Công Phượng cũng khá tác dụng thì mức giá bao nhiêu là phù hợp cho chân sút này, bao gồm cả "giá cho chuyên môn" và "giá cho các giá trị khác"?
Nguyễn Đắc Văn: Giá trị trên hết của một cầu thủ bóng đá bao giờ cũng là giá trị về chuyên môn, khi chuyên môn được thẩm định thì các giá trị khác cũng sẽ tự được tăng lên.
Thực ra để đánh giá cho 1 cầu thủ như Công Phương ở Thai League thì rất khó. Theo cá nhân tôi, giá trị về chuyên môn thì chưa có hoặc chưa thể đánh giá được là Công Phượng có giúp gì được đội bóng mua mình về hay không.
Còn các giá trị khác thì ai sẽ là người được hưởng các giá trị đó? Mục đích của 1 CLB đưa cầu thủ như Công Phượng sang để làm gì?
Rất khó định giá Công Phượng ở thời điểm hiện tại nhưng về chuyên môn, nếu muốn tới các nền bóng đá phát triển, Công Phượng cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
PV: Là người nghiên cứu nhiều thị trường, anh nghĩ nếu bầu Đức muốn chuyển nhượng Công Phượng với mức giá cao nhất thì nên nhắm tới những nền bóng đá nào và liệu có thể đạt mức chuyển nhượng bao nhiêu?
Theo đánh giá của riêng tôi, hiện tại chưa 1 cầu thủ nào của Việt Nam đủ chuyên môn hay độ "hot" để một CLB của châu Âu bỏ tiền ra mua cả. Nó dính dáng đến nhiều vấn đề:
1. Các cầu thủ Việt Nam còn ràng buộc hợp đồng với các CLB chủ quản của mình mà không có những điều khoản chuyển nhượng rõ ràng, ví dụ có 1 CLB mua với giá XY thì cầu thủ đó sẽ được tự do (như Neymar Jr. có thể tự giải phóng mình với giá 222 triệu euro…).
2. Các cầu thủ VN sẽ khó khẳng định được mình khi không được chuẩn bị tốt nhất về tâm lý khi ra nước ngoài. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn ví dụ như tiếng nói, sự hoà nhập, thói quen ăn uống, sinh hoạt... tuy nhiên những khó khăn này cũng có cách giải quyết.
Vừa rồi tôi có nghe chuyện Văn Thanh được một CLB của Serbia mời sang THỬ chứ chưa nói đến KÝ hợp đồng. Giả sử cháu có được ký hợp đồng thì tiếp theo sẽ sao nữa?
Nếu tôi là bầu Đức tôi sẽ không chờ các CLB tới hỏi mua các cầu thủ của mình mà tôi sẽ đầu tư đưa lứa cầu thủ tốt nhất mà mình đào tạo được ra nước ngoài, cụ thể là thị trường bóng đá châu Âu.
Trước đây một thời gian Nhật Bản, Hàn Quốc họ cũng làm vậy. Để mở đường cho các cầu thủ của mình sang châu Âu, nhà nước và các doanh nghiệp Nhật Bản đã "đầu tư ngược", theo kênh tài trợ cho các CLB của châu Âu, của Đức để đưa lứa cầu thủ của mình trước nhất ra nước ngoài và kết quả bây giờ ra sao chúng ta đều thấy.
Bầu Đức nên đầu tư tiền đưa Công Phượng sang châu Âu?
PV: Anh đã nghiên cứu nhiều về thị trường VN, theo anh nếu chuyển nhượng trong nước, Công Phượng có thể đạt mức giá bao nhiêu?
Định giá cho Công Phượng ở thị trường chuyển nhượng trong nước là không thể.
1. Bầu Đức sẽ không bao giờ chấp nhận để gà của mình sang thi đấu ở một CLB khác tại V-League, mà để được thuộc diện chuyển nhượng tự do thì theo tôi có thể lúc đó đã quá muộn cho một đời cầu thủ chuyên nghiệp.
2. Mục đích của thương vụ chuyển nhượng là gì? Ở nước ngoài, giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ đều do các CLB & các nhà đại diện nhào nặn lên.
Ví dụ Mourinho do Mendes đại diện, khi ông về làm HLV 1 CLB nào đó mà muốn mua một số cầu thủ về cho CLB này, các cầu thủ cũng thuộc quyền đại diện quản lý của Mendes thì chúng ta hiểu là lúc đó giá chuyển nhượng của các cầu thủ này sẽ được đưa lên như thế nào. Điều rất đơn giản vì đây là một miếng bánh lớn mà tất cả các bên liên quan đều có phần.
PV: Tại các nền bóng đá phát triển, ví dụ như Đức, Pháp (hạng dưới) chẳng hạn, nếu họ chiêu mộ Công Phượng, anh nghĩ mức giá sẽ là bao nhiêu?
Ở các nước bóng đá phát triển như châu Âu, để Công Phượng được ký hợp đồng thì theo tôi, Bầu Đức sẽ phải trả cho CLB đó ít nhất là 200.000 – 300.000 euro/năm để trước tiên Công Phượng được sang đào tạo thêm và được đá bóng ở một môi trường hoàn toàn khác.
Ngược lại Bầu Đức sẽ được rất nhiều từ các giá trị truyền thống cũng như sau này khi Công Phượng trở về thì sẽ là một cầu thủ toàn diện... Một khi Công Phượng hoặc một số cầu thủ dưới 20 tuổi được sang một môi trường như Đức tập luyện hoặc thi đấu khoảng 1-2 năm thì giá trị về chuyên môn sẽ khác hẳn.
1. Nếu sau 2 năm không bơi tiếp được ra các biển lớn hơn nữa quay về VN thì chuyên môn sẽ ở một bậc khác hoàn toàn.
2. Nếu thực sự tốt và được các CLB khác mua lại thì tất cả cùng vui, ví dụ như CLB chủ quản ở VN, nhà đầu tư cũng như CLB là cầu nối đưa Công Phượng qua.
Bản thân tôi và các cộng sự luôn tin tưởng, với một quốc gia hơn 90 triệu dân, cùng việc bóng đá là môn thể thao số 1 ở Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có những tài năng nếu được đầu tư đúng hướng và đi đúng lộ trình có thể phát triển và thành danh ở nước ngoài.
Hy vọng một ngày không xa sẽ có các cầu thủ Việt Nam được thi đấu trên các sân cỏ châu Âu. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được việc này nếu được sự giúp đỡ của nhà nước cũng như các doanh nghiệp Việt Nam.