Hitler – 'cha đẻ' ý tưởng về mẫu xe Con bọ Volkswagen Beetle

Thùy Dương |

Thật khó tin nhưng sự thực là mẫu xe Volkswagen Beetle (Con bọ) từng bán chạy nhất mọi thời đại lại được phát triển dựa trên ý tưởng của trùm phát xít Đức Adolf Hitler.

Khi nghĩ về Hitler và Đảng Quốc xã, phần lớn chúng ta thường nghĩ tới sáu triệu người Do Thái bị giết hại và Hitler rất đề cao chủng tộc Aryan, thậm chí nâng lên thành thuyết phản động là người Aryan thượng đẳng, có quyền thống trị thế giới.

Chiếc xe Volkswagen (xe của nhân dân) được Hitler coi là bước đi quan trọng để biến Đức thành xã hội không tưởng cho người Aryan.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội dân tộc ở Đức

Theo trang todayifoundout, với nguồn gốc chủ nghĩa dân tộc phân biệt chủng tộc, Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa (Đảng Quốc xã) trỗi dậy từ bất ổn kinh tế, chính trị đầu những năm 1920.

Tình trạng siêu lạm phát, lương thấp và thất nghiệp tràn lan nước Đức thời bấy giờ phần lớn là do Đức phải bồi thường thiệt hại chiến tranh như yêu cầu của phe chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất theo Hiệp ước Versailles.

Mặc dù kinh tế Đức có một giai đoạn ổn định giữa những năm 1920, nhưng nền kinh tế gặp khó khăn cuối năm 1929 một phần do thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ vào năm đó. Để đối phó với tình trạng này, chính phủ đã thông qua biện pháp thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt để kiểm soát lạm phát, trong đó có giảm phúc lợi cho người thất nghiệp, người ốm và người già.

Năm 1931, chính sách của Chính phủ Đức đã đẩy giá cả hàng hóa xuống, dẫn tới giảm lương và việc làm. Năm 1932, xu hướng đi xuống này đã đẩy người lao động Đức vào vòng tay các đảng xã hội, trong đó có Đảng Quốc xã.

Trong cuộc bầu cử năm đó, Đảng Quốc xã giành được đủ số ghế để giữ vị trí quyền lực trong Quốc hội. Bị gây áp lực, Tổng thống Đức phải bổ nhiệm Hitler (lãnh đạo Đảng Quốc xã) làm Thủ tướng Đức năm 1933.

Đảng Quốc xã sau đó đã truyền bá về những điều xấu xa của chủ nghĩa tư bản và quyền lợi của người lao động. Các thành viên đảng cho rằng nền kinh tế tồi tệ lúc đó là do lỗi của những nhà tư bản tham lam và những nhà tư bản tài chính Do Thái giàu có nắm giữ phần lớn nợ của Đức.

Để giải quyết vấn đề, Đảng Quốc xã đề xuất một loạt biện pháp để cải thiện đời sống người lao động. Đề xuất 25 điểm ra đời, bao gồm các biện pháp như quốc hữu hóa ngành công nghiệp, cung cấp phúc lợi cho người già, cải cách đất đai, cải cách giáo dục công, chấm dứt lao động trẻ em, hình thành và nuôi dưỡng tầng lớp trung lưu, chấm dứt cho vay lãi suất cao…

Tất nhiên, các biện pháp cải cách đều nhằm tước quyền của người Do Thái và những chủng tộc hạ đẳng khác.

Hành trình của xe Volkswagen Beetle

Khi Đảng Quốc xã nắm quyền chính trị, một số trong 25 điểm bắt đầu có hiệu lực thông qua các chương trình. Sản xuất chiếc xe Volkswagen Beetle là một trong số đó.

Hitler – cha đẻ ý tưởng về mẫu xe Con bọ Volkswagen Beetle - Ảnh 1.

Lễ kỷ niệm tại nhà máy Volkswagen khi chiếc xe Beetle thứ 1 triệu được sản xuất năm 1955. Ảnh: DPA

Trong những năm 1920, một số nhà sản xuất ô tô châu Âu đang tìm cách làm ra những ô tô nhỏ hơn, giá rẻ hơn cho các gia đình tầng lớp lao động trung bình. Một trong số đó là Ferdinand Porsche – người thiết kế và xây dựng mẫu xe có tên Volksauto, tiền thân của chiếc Volkswagen. Ông Porsche thiết kế mẫu xe nhỏ như con bọ này theo đề nghị của Hitler.

Đảng Quốc xã nhìn thấy giá trị khi trang bị cho gia đình người Đức trung bình một ô tô 5 chỗ ngồi, tốc độ tương đối và giá phải chăng cho tầng lớp lao động. Sau khi làm Thủ tướng Đức, Hitler đã thông qua thiết kế của của Porsche để xây dựng “ô tô của nhân dân”.

Vì khu vực tư nhân không thể sản xuất ô tô với cái giá thấp mà Hitler muốn, nên Hitler đã cho xây một nhà máy để sản xuất ô tô năm 1938. Nhằm giúp người lao động có thể mua ô tô, một chương trình tiết kiệm do chính phủ bảo trợ đã ra đời.

Tại nhà máy này, ngày 26/5/1938, Hitler đã nói về chiếc ô tô sắp được sản xuất tại đây. Hắn nói: “Tôi tin rằng chỉ có một cái tên có thể đặt cho chiếc ô tô này, một cái tên tôi sẽ đặt ngay trong chiều nay.

Nó sẽ mang tên của tổ chức phấn đấu để mang lại niềm vui và sức mạnh cho quần chúng. Tên nó sẽ là ‘Sức mạnh của ô tô niềm vui (Kraft durch Freude-Wagen)’”.

Không may là chiến tranh đã nổ ra. Nhà máy thuộc sở hữu nhà nước này đã ngừng sản xuất “ô tô của nhân dân” và chuyển sang sản xuất phương tiện quân sự.

Ngay trước chiến tranh, ông Porsche đã gặp rắc rối khi chiếc ô tô mới của ông vi phạm khá nhiều bằng sáng chế của công ty ô tô Tatra tại Czechoslovakia. Tatra cũng đã làm một mẫu ô tô rất giống.

Ông Porsche đã đồng ý trả tiền dàn xếp vụ vi phạm bằng sáng chế, nhưng Hitler can thiệp và nói rằng sẽ giải quyết vấn đề cho Porsche. Tatra tất nhiên không hài lòng vì không được trả tiền.

Không lâu sau đó, Đức chiếm Czechoslovakia và chiếm luôn quyền quản lý Tatra và nhà máy sản xuất. Sau này, Volkswagen dàn xếp với Tatra trước tòa năm 1961 quanh vụ vi phạm bằng sáng chế.

Sau chiến tranh, nhà máy của Hitler trở lại sản xuất ô tô. “Ô tô của nhân dân” Volkswagen Beetle nhanh chóng trở thành ô tô được yêu thích ở Bắc Mỹ.

Tới năm 1972, Volkswagen bán được hơn 15 triệu chiếc. Tại thời điểm chiếc xe Con bọ Volkswagen Beetle cuối cùng được bán năm 2003, hãng này đã sản xuất trên 21 triệu ô tô tương đối rẻ và hiệu quả. Dòng xe Volkswagen Beetle vượt mặt cả mẫu Model-T của ông Henry Ford.

Mặc dù mẫu xe này có nhiều thay đổi từ năm 1945 đến 2003 nhưng những chiếc Beetle đầu tiên và cuối cùng đều giống hệt nhau về cơ khí.

Điều nổi bật của Beetle không chỉ là doanh số ấn tượng mà còn là tính tiện lợi và giá rẻ. Với thiết kế nhỏ gọn, chiếc xe có thể chở 5 người với vận tốc 100km/h. Giá của nó là 990 mark, tương đương 31 tuần lương của một người lao động Đức bình thường năm 1936. Beetle rẻ hơn chiếc Ford sản xuất ở Anh.

Link bài gốc tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại