Doanh số bán vũ khí toàn cầu đang tăng lên, tương ứng với các cuộc xung đột đang ngày càng nhiều hơn, trong đó Mỹ và các đồng minh đang là những người hưởng lợi chính.
Ngược lại, Nga lại chứng kiến sự suy giảm - một dấu hiệu cho thấy ván cược địa chính trị của Tổng thống Vladimir Putin đã không chuyển hóa thành sự ảnh hưởng lâu dài, cây bút Leonid Bershidsky của Bloomberg View nhận định.
Thế giới đã trở nên bình yên hơn kể từ năm 1950, nhưng đã có một sự gia tăng rõ rệt về số lượng các cuộc xung đột vũ trang trong những năm gần đây. Sự xuất hiện của khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, sự đối đầu ở Ukraine chỉ là một số ví dụ.
Số người tử vong vì xung đột thậm chí còn tăng lên nhiều hơn, theo Chương trình Dữ liệu Xung đột Uppsala. Từ năm 2011 đến 2017, số người chết trung bình hàng năm do xung đột là gần 97.000, gấp ba lần so với giai đoạn 7 năm trước.
Điều đó cũng đã giải thích mức tăng trưởng 7,8% doanh số mua bán vũ khí quốc tế từ 2014 đến 2018 so với giai đoạn 5 năm trước được trình bày trong dữ liệu mới nhất từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
Trung Đông đã và đang hấp thụ vũ khí mới với một tốc độ đáng báo động: Dòng chảy vũ khí đến khu vực này đã tăng vọt 87% trong 5 năm qua.
Nga cũng là một nhà sản xuất vũ khí có sự đóng góp tích cực vào cuộc xung đột tại đây, nhưng con số xuất khẩu các năm gần đây vẫn không đủ để tăng doanh số cao hơn Mỹ.
Nga là nước duy nhất trong số 5 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới - chiếm tới 75% doanh số toàn cầu - chịu tổn thất lớn về thị phần. Mặc dù Moscow vẫn là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.
Yury Borisov - Phó Thủ tướng phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng của Nga - hồi tháng trước cho biết, nước này đã liên tục đạt mốc 15 tỷ USD xuất khẩu vũ khí mỗi năm và hy vọng sẽ giữ vững được con số đó. Điều này cho thấy các quan chức tin rằng doanh số bán hàng của đất nước đã tăng đến mức kịch trần.
Ngược lại, Mỹ đã đóng 55,6 tỷ USD giao dịch vũ khí trong năm 2018, tăng 33% so với năm 2017, nhờ quan điểm xuất khẩu vũ khí tự do của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Theo số liệu của SIPRI, xuất khẩu của Mỹ cao hơn 75% so với Nga trong giai đoạn 2014 đến 2018 - một khoảng cách rộng hơn nhiều so với chu kỳ 5 năm trước.
Đối với Mỹ, các quốc gia Trung Đông đặc biệt quan trọng – đáng chú ý nhất là Saudi Arabia, nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, bên cạnh đồng minh Qatar.
Khoảng 52% doanh số bán vũ khí của Mỹ là đến Trung Đông trong 5 năm qua. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, mối quan hệ với Saudi Arabia càng trở nên sinh lợi hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng.
Đối với Nga , Trung Đông chỉ chiếm 16% xuất khẩu vũ khí của nước này trong cùng thời kỳ, trong đó phần lớn sẽ đến Ai Cập và Iraq. Các đối tác lớn của Moscow là Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria - nhưng doanh số bán cho Ấn Độ đang giảm đáng kể khi Chính phủ của nước này tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp và mua thêm vũ khí từ Mỹ, Hàn Quốc. Ngoài ra, mất mát đáng lưu ý nhất đối với Điện Kremlin chính là "khách hàng" Ukraine.
Giao dịch vũ khí của Mỹ trong năm 2018 đã tăng 33% so với năm 2017.
Nga đã mất các cuộc đấu thầu máy bay quan trọng ở Ấn Độ vào tay Mỹ. Một số khách hàng tiềm năng khác đang có những chuyển biến về mặt chính trị như Venezuela và Algeria cũng khiến cho sự phục hồi về doanh số của Nga là điều khó có thể xảy ra.
Cây bút Leonid Bershidsky nhận định, bán vũ khí có lẽ là sự phản ánh tốt nhất về ảnh hưởng quốc tế của một cường quốc quân sự. Thị trường mua bán vũ khí không đơn giản là sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng; nó còn liên quan đến những liên minh dài hạn và nhất thời.
Khoảng cách ngày càng lớn giữa Mỹ và Nga trong xuất khẩu cho thấy kế hoạch chuyển hướng sang Trung Đông của Tổng thống Putin đã không thành công. Những cường quốc lớn trong khu vực đã không chuyển sang ảnh hưởng của Nga.
Mặc dù mối quan hệ nồng ấm của Pu tin với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi và liên minh với Iran - nơi có nhiều ảnh hưởng đối với Iraq - đang được đền đáp ở một mức độ nào đó, nhưng điều này không thể bù đắp cho sự mất mát ở nơi khác.
Các đồng minh của Mỹ như Pháp, Đức và Anh cũng đã nhanh chóng tăng thị phần của họ. Đây được coi là một tín hiệu tích cực hiếm hoi của phương Tây khi nội bộ giữa Washington và châu Âu đang lục đục vì vấn đề chia sẻ an ninh.
Những lời phản đối về việc bán vũ khí cho các quốc gia như Saudi Arabia đã không thể ngừng các hợp đồng giao dịch, khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu cần thị trường cho các ngành công nghiệp quốc phòng của họ, nơi sử dụng khoảng 500.000 lao động.
Dưới sự bảo trợ của Mỹ, các đồng minh đã mở rộng thị trường ra toàn thế giới, tìm đến những khách hàng vốn ít có nhu cầu với vũ khí từ Nga và Trung Quốc.
Đã có những tranh cãi, chỉ trích về việc Mỹ tự làm sụp đổ trật tự toàn cầu do mình lãnh đạo. Nhưng nếu lấy doanh số bán vũ khí làm đại diện cho sự ảnh hưởng thì sự thống trị toàn cầu của Mỹ có vẻ như sẽ được phục hồi.
Trong một thế giới đầy tính cạnh tranh và dễ gặp xung đột hơn, Mỹ đang làm khá tốt trong khi các đối thủ địa chính trị lâu đời của mình vấp ngã, cây bút Bershidsky kết luận.