Theo như một nghiên cứu mới đây của các nhà thiên văn học trên tạp chí Nature Astronomy, họ đã có bằng chứng cho một vụ nổ lớn của khoảng 100.000 ngôi sao thành siêu tân tinh 1 tỉ năm trước. Một tỉ năm, đối với chúng ta có thể là một khoảng thời gian rất dài, nhưng đối với vũ trụ thì vẫn có thể coi là mới gần đây mà thôi.
Vụ nổ lớn này có thể được coi là một trong những hoạt động mãnh liệt nhất của các vì sao trong lịch sử của dải ngân hà. Theo lời trưởng nhóm nghiên cứu Francisco Nogueras-Lara, "nghiên cứu này cho thấy hoạt động bùng nổ của hàng loạt các vì sao giống như quá trình 'starburst' trong một số thiên hà - nơi mà các ngôi sao hình thành với tốc độ nhanh gấp khoảng 100 lần so với bình thường."
Và tuy quá trình này diễn ra từ hàng tỉ năm trước, nó vẫn để lại những vết tích mà ngày nay con người có thể quan sát thấy được, dưới sự trợ giúp của các thiết bị nghiên cứu tại đài quan sát chuyên dụng.
Vũ trụ bao la vẫn còn vô số những điều bí ẩn
Nhờ quan sát mới này, Nogueras-Lara cùng các đồng sự của mình đã có thêm một số phỏng đoán về thời kỳ sơ khai của dải ngân hà. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, khoảng 80% số ngôi sao trong dải ngân hà của chúng ta được hình thành trong vòng 5 tỉ năm đầu tiên.
Kế đó là một khoảng thời gian tương đối bình lặng, kéo dài vài tỉ năm, cho đến khi có một đợt đại bùng nổ vào khoảng hơn 1 tỉ năm trước, tạo ra hàng loạt siêu tân tinh.
Trong khi nghiên cứu mới này cho chúng ta thấy được nhiều chi tiết mới mẻ hơn về lịch sử của dải ngân hà của chúng ta, vẫn còn khá nhiều câu hỏi khác đang bỏ ngỏ.
"Trong tương lai, những quan sát về hình ảnh quang phổ cũng như các hình ảnh góc cao sẽ giúp chúng ta phân biệt rõ hơn về các sự kiện đã từng diễn ra trong lịch sử của dải ngân hà, cũng như ý nghĩa của những sự kiện này đối với sự hình thành và phát triển của dải ngân hà cũng hố đen khổng lồ của nó" - nhóm nghiên cứu kết luận.
Tham khảo Vice