800 triệu người sẽ mất việc làm, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV: Học gì để robot không thể "bắt chước"?

Trang Ly (thực hiện) |

Trước làn sóng công nghệ diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, giới trẻ phải học ngành gì để không bị robot tự động hóa cướp mất việc?

LTS: "Khoảng 800 triệu lực lượng lao động toàn cầu sẽ bị robot "cướp việc" vào năm 2030!" - Đó là dự báo đáng lo ngại của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (Mỹ). Điều đáng nói là, những công việc như quản lý máy móc, sản xuất, trợ lý luật sư, kế toán… đều bị robot tự động hóa thay thế.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, khi mọi thứ đều yêu cầu phải "thông minh - smart" thì những công việc gì sẽ trụ vững trước một thế giới toàn số hóa và tự động? Con người một mai có bị robot sai khiến và dần trở nên cứng nhắc?

Cuộc trò chuyện với GS.TS. Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH QGHN) sẽ phần nào cho chúng ta cái nhìn chi tiết về các vấn đề đáng báo động này.

- Trong chương trình Talk Vietnam tháng 12/2017 với chủ đề "20 năm Internet vào Việt Nam", bàn về tầm quan trọng của Internet sau 20 năm xuất hiện tại Việt Nam và định hướng phát triển cho 20 năm tiếp theo, có thể thấy vai trò tuyệt vời của công nghệ mà Việt Nam chúng ta không thể nằm ngoài.

Nếu có thể so sánh, hãy xem cách mạng công nghiệp 4.0 (xin được gọi tắt là công nghiệp 4.0 hoặc 4.0) bắt đầu vào Việt Nam hiện nay như Internet vào Việt Nam cách đây 20 năm. Vậy, xin GS. TS. hãy phác thảo một bức tranh về 4.0 tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như sau 10, 20 năm nữa.

GS.TS. Phạm Quang Minh: Nếu so sánh vào thời điểm 20 năm trước đến bây giờ thì rõ ràng là có khoảng cách rất lớn rồi. 20 năm trước, Internet mới vào Việt Nam thì lúc đó có thể gọi là giai đoạn sơ khai, Việt Nam lần đầu tiên biết đến Internet, kết nối mạng, bởi (1) là số lượng người biết đến rất ít, hiểu biết về chức năng, tác động, hiệu quả của Internet còn rất là ít, chỉ có một bộ phận nhỏ sử dụng nhưng sau 20 năm, Việt Nam đã có hơn một nửa tổng dân số Việt Nam, tức 50 triệu người, sử dụng Internet. Đây là một con số khổng lồ!

(2) từ chỗ Internet trước đây chỉ là những giao dịch bình thường, hay đơn thuần là trao đổi thư điện tử, thì bây giờ Internet đã chiếm lĩnh tất cả các hoạt động của con người, đặc biệt là kinh tế, văn hóa xã hội, truyền thông, quan hệ quốc tế, chính trị... và trở thành một bộ phận không thể thiếu. 

800 triệu người sẽ mất việc làm, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV: Học gì để robot không thể bắt chước? - Ảnh 2.

Trở lại câu chuyện của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. 4.0 giờ không còn là khái niệm xa lạ với các nước phát triển hay ở trình độ sơ khai nữa, nó đã thay con người làm những công việc mà sức người không làm được. Tôi lấy ví dụ, có nhiều công đoạn sản xuất, lao động, việc làm, khám phá do robot thực hiện. Đó là điểm khác biệt lớn nhất.

Đó cũng là nỗi lo của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Họ lo rằng máy móc sẽ cướp mất công việc của con người.Việt Nam chúng ta cũng không nằm ngoài nỗi lo đó. Chúng ta có lực lượng lao động đơn giản, phổ thông rất là nhiều, chúng ta sẽ sử dụng họ vào việc gì và những người được đào tạo ra có việc làm không khi máy móc đang dần thay thế con người? Do đó, chúng ta cần thay đổi nhận thức, cần tiếp thu và học hỏi công nghệ mới càng sớm càng tốt.

Tôi nghĩ trong 10, 20 năm nữa, có thể các nước tiên tiến, phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Đức… sẽ thay đổi nhanh hơn so với Việt Nam. Việt Nam cũng sẽ phát triển nhưng việc áp dụng và phát triển 4.0 sẽ chậm hơn. Lý do là vì nền tảng cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa được nâng cấp để phù hợp với yêu cầu hiện đại. 

Cho đến nay tình trạng tắc nghẽn, đường truyền không tốt do băng thông chưa đủ rộng, đứt cáp quang liên tục, hay trường hợp mất an ninh mạng cũng xảy ra rất nhiều; đó là chưa kể đến trình độ tiếp nhận công nghệ của chúng ta còn nhiều hạn chế. 

Xét dưới góc độ con người, có nhiều yếu tố do nhận thức, tâm lý, người ta không muốn máy móc thay thế toàn bộ con người, con người vẫn đóng vai trò quan trọng. Lực lượng lao động phổ thông ở Việt Nam rất nhiều, trong khi robot đòi hỏi chi phí cao hơn, do đó, để tiết kiệm chi phí, chủ lao động vẫn muốn thuê nguồn nhân công rẻ. Đó cũng là điểm hạn chế khi sử dụng robot, tất nhiên, trừ những lĩnh vực rất đặc biệt, đòi hỏi công nghệ cao.

Tôi nghĩ ở Việt Nam, tư duy, nhìn nhận, tiếp nhận, thái độ của con người đối với vấn đề sử dụng robot chưa nhiều nhưng cũng không vì thế mà chúng ta không tính đến chuyện cần phải sử dụng công nghệ cho những công đoạn yêu cầu công việc phức tạp hơn.

Tuy nhiên, đây có lẽ là khía cạnh chúng ta cần phát huy, khai thác. Việc chúng ta quản lý bằng công nghệ sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực. Ví dụ trong việc xây dựng chính phủ điện tử (e-Government). Nhờ công nghệ cao, chính phủ có thể gửi một chính sách của mình tới toàn bộ người dân chỉ trong tích tắc, tiết kiệm được thời gian, môi trường, không phải kí, đóng dấu hay in ra, thậm chí tránh trường hợp thất lạc, không đến tận tay người cần nhận văn bản.

Trên thế giới, các nước tiên tiến đều áp dụng mô hình này, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển… 

- Vậy, giải pháp là gì thưa ông?

800 triệu người sẽ mất việc làm, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV: Học gì để robot không thể bắt chước? - Ảnh 3.

GS.TS. Phạm Quang Minh: Có hai cách, thứ nhất (1) là tái đào tạo lao động giản đơn. Đào tạo họ biết sử dụng máy móc, công nghệ hiện đại, Internet; đào tạo họ vào những lĩnh vực người máy chưa làm được.

Đối với những người đang trong quá trình đào tạo, phải cung cấp cho họ những kiến thức để họ làm chủ được công nghệ trong tương lai. Đây là điều rất quan trọng. 

Vì đến bây giờ, máy móc đã trở nên tinh vi hơn rất nhiều. Trong lĩnh vực xã hội, robot đã có thể đo được tâm sinh lý của con người, có thể biết được con người chúng ta suy nghĩ gì chỉ bằng một cái chạm...

Nếu chúng ta không có những người đủ giỏi để làm chủ công nghệ thì mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn rất nhiều. Tôi lấy ví dụ trong lĩnh vực khoa học quân sự. Những máy bay, tên lửa, tàu ngầm hiện đại mà quân đội có được đòi hỏi những người chỉ huy tài giỏi, vì máy móc đều được lập trình hóa, có những mã, lệnh để cho máy móc hoạt động. Nếu người chỉ huy đó không nắm được công nghệ thì những trang thiết bị hiện đại đó không thể phát huy hết sức mạnh!

Thứ hai (2) là sớm xây dựng chương trình đào tạo với công nghệ cao cho các em học sinh ngay từ cấp 1, cấp 2. 

Lợi thế của dân số Việt Nam là đông và trẻ. Hiện nay, 2/3 dân số chúng ta ở độ tuổi "lao động vàng". Lực lượng ấy có khả năng học hỏi, tiếp thu cái mới. Sẽ thật lãng phí nếu chúng ta không sớm phát hiện nhân tài qua các chương trình đào tạo sớm để đưa các em theo học các lớp chuyên sâu.

Đổi lại, điều quan trọng không kém là chúng ta phải có khả năng đào tạo, hướng nghiệp cho các em. Ví dụ như các trường học phải có những đầu tư mạnh về công nghệ, có những phân chia rõ ràng trong giảng dạy để đào tạo ra những người xuất chúng.

Có thể thấy ở các nước như Hàn Quốc, mỗi học sinh có một iPad/máy tính để tra cứu, học tập, trong khi giáo viên sử dụng máy tính để tương tác với học sinh. Giờ học của các em rất nhẹ nhàng. Ở cấp 1, cấp 2, các em đi học không bị áp lực bài vở đè nặng. Học sinh có thể học, tra cứu nhưng dưới dạng trò chơi, trình diễn, điều này làm cho các em thấy hấp dẫn, thú vị, không thô cứng.

Còn ở trường phổ thông, người ta cũng không chia thành các môn học khác nhau mà sớm chia thành các khối, bao gồm, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… để các sớm định hướng nghề nghiệp tương lai.

- Trong Hội thảo khoa học AI4Life do trường Đại học Công nghệ (ĐH QGHN) tổ chức từ ngày 9-11/5/2018, ông Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia HN nhấn mạnh, sẽ xây dựng trường quốc gia phát triển hợp với xu thể của cách mạng công nghiệp 4.0.

Là một trường thành viên của ĐH QGHN, xin ông hãy cho biết trường ĐH KHXH & NV có định hướng phát triển như thế nào với 4.0? Nhà trường có tiếp thu làn sóng này không? Nếu có thì khoa nào sẽ giảng dạy về công nghiệp 4.0 thưa ông?  

GS.TS. Phạm Quang Minh: Đây là một câu hỏi có lẽ phù hợp hơn với các trường công nghệ. Tuy nhiên trường KHXH&NV cũng phải tích cực chuẩn bị cho xu hướng đó. Sự chuẩn bị thể hiện ở các điểm sau:

Thứ nhất, nhà trường nâng cấp hệ thống máy tính trong nhà trường; tăng số lượng máy tính kết nối mạng cho sinh viên sử dụng. Đặc biệt là mạng không dây (Wi-fi) phải có tốc độ nhanh hơn để cho giáo viên và học sinh truy cập, học tập.

Thứ hai, về việc giảng dạy hoặc tiếp cận thông tin về cách mạng 4.0 thì khoa Thông tin – Thư viện của nhà trường đang có chương trình có thể sẽ triển khai trong năm sau, gọi là "Quản trị thông tin". Cung cấp kiến thức cơ bản về thông tin, công nghệ, và cách xử lý thông tin trong từng lĩnh vực sao cho hiệu quả nhất.

Hay khoa khác như Báo chí – Truyền thông sẽ giảng dạy cũng như thực hiện các đề tài nghiên cứu về tác động của mạng xã hội, tác động của truyền thông hiện đại (điện tử), hay thông tin về cách mạng công nghệ 4.0.

Với một chiếc smartphone như hiện nay, một em sinh viên khoa báo chí của trường có thể trở thành phóng viên lưu động tác nghiệp trực tiếp (đưa tin, phỏng vấn, livestream trực tiếp luôn). Như vậy có thể nói tính trực tiếp, tính kết nối và tính tương tác giữa người làm báo và độc giả tăng lên rất nhiều. Đó chính là sự khác biệt giữa truyền thông truyền thống và truyền thông hiện đại.

Truyền thông hiện đại mở ra cho mọi cơ hội trở thành phóng viên di động. Đó cũng là mục tiêu của nhà trường. Vào tháng 4/2018, nhà trường đã có ký kết với Công ty cổ phần LiveTV của Tập đoàn Mỹ Sơn nhằm xây dựng và phát triển mô hình "Không gian khởi nghiệp truyền hình Internet và báo chí di động cho sinh viên". Đối với các em sinh viên đáp ứng đủ yêu cẩu của dự án này, họ có thể vào đây để thực tập và có cơ hội làm việc tại đây.

Về cách mạng 4.0 thì khoa Quốc tế học có thể đưa nó vào các môn học như: Các vấn đề toàn cầu, Lịch sử văn minh, Quan hệ quốc tế hiện đại. Đặc biệt là vấn đề an ninh quốc gia.

Trước đây chúng ta nghĩ rằng, vấn đề an ninh quốc gia hiểu theo nghĩa hẹp thôi, giới hạn trong chủ quyền lãnh thổ, dân số, tiềm lực kinh tế… Với thời đại ngày nay, vấn đề an ninh quốc gia trở thành an ninh quốc gia phi truyền thống, trong đó, mạng thông tin trở thành một "trận địa" mà bất cứ quốc gia nào cũng muốn mở rộng ảnh hưởng của mình.

Nếu như Internet mang đến sự kết nối, hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia… thì mặt trái của nó là gây ra sự mất ổn định và mất an toàn. Chúng ta có thể thấy, vấn đề an ninh con người hiện nay đang trở nên rất nhức nhối. 

Tôi lấy ví dụ như vụ rò rỉ thông tin cá nhân của Facebook vừa qua "tố cáo" hiện trạng về những kẽ hở mà kẻ xấu có thể lợi dụng để trục lợi cá nhân.

Từ thông tin cá nhân của một người bị rò rỉ có thể gây thất thoát về tài sản của chính người đó. Hay những bọn tội phạm xã hội xuyên biên giới có thể sử dụng thông tin cá nhân để lừa gạt, buôn người (phụ nữ và trẻ em)… thông qua mạng xã hội.

800 triệu người sẽ mất việc làm, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV: Học gì để robot không thể bắt chước? - Ảnh 4.

- Hiện nay, một bộ phận người trên thế giới đang sử dụng sexbot (robot tình dục) để lấp đầy khoảng trống cô đơn trong lòng. Họ không còn quá coi trọng mỗi quan hệ với con người và có ý định kết hôn với robot. Ông nhận định thế nào về điều này?

GS.TS. Phạm Quang Minh: Đây là một hiện trạng rất đáng lo ngại. Đầu tiên, công nghệ ngày nay đã rất phát triển khiến người ta có thể sản xuất những robot gần giống như người thật. Vì thế, một số người cảm thấy không cần có quan hệ với người thật nữa.

Họ có thể bỏ ra một số tiền và mua robot đó về mà không phải làm những việc gây mất thời gian như hẹn hò, trò chuyện, đi chơi… hoặc không phải trải qua những nỗi đau mất mát nếu chia tay…

Trong khi đó, robot kia có thể làm thay được một vài việc con người làm. Thậm chí, robot đó còn dễ chịu hơn và lấp được khoảng trống cô đơn của họ.

Thứ hai, cuộc sống của chúng ta quá phát triển đến mức độ họ tự cô lập mình trong thế giới riêng của thực và ảo. Giống như, điện thoại/máy tính có kết nối mạng là họ có tất cả. Họ không cần tương tác, trò chuyện hay giao lưu với những con người thật bên ngoài xã hội nữa.

Đó là điều rất nguy hiểm!

Do đó, mọi người tự điều chỉnh mình bằng cách tham gia các hoạt động chung từ gia đình (ăn uống, vui chơi cùng nhau), đến bạn bè (tăng cường gặp gỡ, đi du lịch), đến cộng đồng (tham gia các hoạt động từ thiện, vì xã hội).

Nếu cá nhân không muốn tham gia thì có lẽ phải tăng cường vận động, tuyền truyền. Thậm chí là cho vào các khu vực "cai nghiện" mạng xã hội hoặc Internet.

Theo chương trình nghiên cứu của tôi, có một con số đáng báo động là, nhất là ở giới trẻ không thể chịu nổi quá 72 giờ đồng hồ không kết nối mạng để chơi game, xem phim, lướt mạng xã hội…

Thực sự là họ đang tự cô lập mình trong ốc đảo của công nghệ. Đây chính là mặt trái của sự phát triển Internet ồ ạt.

800 triệu người sẽ mất việc làm, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV: Học gì để robot không thể bắt chước? - Ảnh 5.

- Đến năm 2030, dự báo có khoảng 800 triệu người trên thế giới bị mất việc bởi robot và phải tìm việc mới, theo dự báo của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (Mỹ).

Điều đáng nói là, những công việc như quản lý máy móc, sản xuất, trợ lý luật sư, kế toán… đều bị robot thay thế. Và chỉ có những việc "thuần tay chân" như làm vườn, chăm sóc người già/trẻ em, thợ sửa ống nước là "đứng vững" trước làn sóng của tự động hóa (robot, AI)!

Theo ông, trình độ của con người đang càng ngày đi xuống hay do công nghệ, khoa học đang quá mạnh, lấn át cả con người? Xin ông cho ý kiến về dự báo này. Dự báo này đáng mừng hay đáng lo, mong ông nêu cụ thể ạ.  

GS.TS. Phạm Quang Minh: Công nghệ càng ngày càng phát triển. Nhưng để công nghệ phát triển phải có sự tài giỏi của con người. Vì chính con người mới là yếu tố tạo ra robot, phát minh tiên tiến…

Nhưng, tất nhiên không phải ai cũng giỏi như thế. Có những bộ phận không đáp ứng được nhu cầu công việc hiện tại.

Để giải quyết vấn đề này thì thứ nhất, đòi hỏi người đó phải tái đào tạo chính mình, như tôi đã nói ở trên, tức là họ phải theo học những ngành đáp ứng được nhu cầu cao của xã hội. Thứ hai, họ phải chọn những ngành học phù hợp với tính chất từng công việc và chấp nhận một mức lương cao/thấp theo công việc (là công việc giản đơn hay phức tạp. Nếu xác định được việc này, họ sẽ tự đưa ra quyết định trau dồi kiến thức hay không).

Đối với các nhà quản lý, họ phải nhìn ra được những phần việc/công việc gì mà robot không làm được, từ đó, đào tạo nhân viên của mình theo học các phần việc đó giỏi nhất có thể.

Hiện tại nhà trường có chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài nhằm tăng trình độ của các em. Cụ thể như chương trình đào tạo  thạc sĩ truyền thông với Scotland, quan hệ quốc tế với trường Nottingham của Anh, ngôn ngữ-văn hóa với các trường đại học của Hàn Quốc, tâm lý học – xã hội học với các trường đại học của Pháp.

Xét ở một khía cạnh nào đó, các ngành khoa học xã hội và nhân văn thiên về những vấn đề trừu tượng, về những kiến thức ít liên quan đến máy móc, công nghệ.

Trước làn sóng liên quan đến công nghệ 4.0, liên quan nhiều tới khoa học có tính chất kỹ thuật, ứng dụng cao, thì sinh viên của trường rất lo lắng.

Vì thế tôi nghĩ các chương trình đào tạo của nhà trường phải được điều chỉnh theo hướng: 1 là tăng thời gian cho sinh viên đi thực tập, gắn với thực tế, giúp cho các em có cái nhìn năng động. 2 là sinh viên phải được đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng ứng xử xã hội, kỹ năng xử lý khủng hoảng (ví dụ như khủng hoảng thông tin thì yêu cầu sinh viên phải có các xử lý đúng đắn).

Đối với sinh viên ngành báo, các em là những người tiếp xúc đầu tiên với thông tin, phải đưa tin đến độc giả thế nào để "nhanh – đúng – trúng – hay". Các em phải là những người làm báo có trách nhiệm: Không được tô đen cũng như không được bôi hồng một sự việc trong xã hội. Để làm sao nhận được sự thông cảm, chia sẻ của xã hội, đồng thời giúp cho người bi nạn có thể đứng dậy. Đó là chính là thế mạnh không thể thay thế của con người đối với robot!

Trong môi trường làm việc giữa con người với con người, tính nhân văn phải luôn được đề cao. Đó là "tài sản" mà robot không bao giờ có được.

- Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Cụ thể, Khoảng 74% lao động trong các ngành chế biến, chế tạo có thể bị mất việc bởi robot và tự động hóa.

Vấn đề đặt ra là: Sinh viên học ngành gì để không bị robot thay thế? Xin ông đưa nhận định về vấn đề đáng lo ngại này.  

GS.TS. Phạm Quang Minh: Tôi nghĩ đó là những ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, liên quan đến lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, triết học… mà robot có thể không thay thế được.

Bởi chúng ta biết là, robot làm nhiều trong các ngành liên quan đến chế tạo, dịch vụ, sản xuất. Mà các ngành xã hội, nhân văn lại không liên quan nhiều đến các lĩnh vực đó. Cho nên, tôi nghĩ đó cũng là một cơ hội cho các ngành khoa học xã hội.

Tuy nhiên, không vì thế mà ỷ lại trong "vòng an toàn" của mình, các ngành khoa học xã hội phải tính đến việc cung cấp cho sinh viên những kiến thức liên quan đến công nghệ, máy móc, và khả năng có thể làm chủ được công nghệ và máy móc đó.

Nếu chỉ dừng ở lao động phổ thông, lao động chân tay thì các em khó có thể đáp ứng được những nhu cầu lao động thời hiện đại.

- Năm 2015, CNN cho biết, hãng thông tấn lớn nhất thế giới AP của Mỹ đã sử dụng những "phóng viên/biên tập viên robot" để viết báo từ tháng 7/2014.

Như vậy có thể thấy, ở một khía cạnh nào đó, ngay cả đến báo chí cũng có thể bị robot thay thế. Ông có nghĩ rằng, những ngành "mềm" như luật sư, báo chí, viết văn… đều có bàn tay của AI và robot?  

GS.TS. Phạm Quang Minh: Tất nhiên, nhận định này chỉ đúng một phần bởi để robot thực hiện được những công việc theo yêu cầu của con người thì tất yếu phải có những người có thể điều khiển và quản lý được những robot ấy (như việc đưa ra các lệnh để xử lý thông tin chẳng hạn). Do đó, có thể thấy, robot không thể hoàn toàn thay con người được. Đó là điều chắc chắn.

Robot không thể thay thế con người trong các lĩnh vực liên quan đến nhân văn, cảm xúc, tình cảm giữa con người với con người.

Hoặc về độ khéo léo yêu cầu có bàn tay của người nghệ nhân. Robot thì chỉ làm việc một cách máy móc, đều đều mà thiếu đi sự tỉ mỉ, chỉn chu, khéo léo vốn chỉ có được qua những kinh nghiệm thu được nhiều năm.

Về công việc chăm sóc bệnh nhân, có thể robot làm được một số công đoạn như nâng bệnh nhân, đưa thuốc… nhưng rõ ràng là sự giao tiếp, tình cảm vẫn phải cần đến con người.

- Ông có nghĩ rằng nếu con người dần phụ thuộc vào robot, vào tự động hóa thì con người có dần trở nên khô cứng đi không? Hoặc tình cảm giữa người – người sẽ giảm đi?

GS.TS. Phạm Quang Minh: Không ở đâu xa, tôi nhận thấy rằng, chỉ riêng công nghệ đã khiến con người dễ xa rời nhau. Việc chỉ cần một chiếc smartphone kết nối Internet đã khiến một người tự xây cho mình một ốc đảo. Người người gặp nhau giờ ít hàn huyên mà thả mình vào thế giới ảo của mạng xã hội, của phim ảnh và Internet.

Người ta trò chuyện, giao lưu, tương tác, thậm chí là làm việc với những người trên mạng nhiều hơn là bên ngoài. Đấy là tình trạng rất nguy hiểm của một bộ phận người hiện này.

Hiện trạng này yêu cầu chính chúng ta phải có những điều chỉnh, bằng cách tăng các hoạt động tập thể, cộng đồng thay vì để mọi người tự vận động giữa thực và ảo.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại