LTS: Vuốt màn hình điện thoại, tap vào ứng dụng gọi xe và ung dung chờ tài xế đến đưa đón chỉ trong vài phút. Đó đang là một trong những dẫn chứng sinh động nhất về nền công nghiệp 4.0. Sẽ còn rất nhiều vấn đề từ vĩ mô đến vi mô khác về 4.0 mà trong cuộc sống ta sẽ được tiếp xúc, được trải nghiệm.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ được hiểu thêm nhiều điều về công nghiệp 4.0 qua góc nhìn của PGS. Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (một cái nôi của khoa học kỹ thuật Việt Nam, nơi đang đào tạo hàng nghìn kỹ sư tương lai).
PV: Hiện nay, khái niệm công nghiệp 4.0 rất phổ biến nhưng nhiều người vẫn còn mơ hồ và không hiểu bản chất của công nghiệp 4.0 là gì. Vậy, PGS có thể giải thích để công chúng dễ hiểu nhất có thể? Và riêng ĐH Bách Khoa HN - một "cái nôi" về khoa học kỹ thuật của cả nước - ứng xử thế nào với công nghiệp 4.0?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Về vấn đề này chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, có cần thiết phải nói tất cả không hay chúng ta cứ đi từ từ, từng bước một thôi.
Chúng tôi cũng đã nói chuyện với sinh viên, ngay từ khi các em mới vào trường, chúng tôi đã giới thiệu cho các em biết về công nghiệp 4.0.
Câu chuyện bản chất của công nghệ 4.0 là gì tôi nghĩ thể hiện tốt nhất thông qua các việc làm của chúng ta. Vì nếu chỉ giải thích, nghe qua xong rồi thì cũng chỉ để đấy thôi. Nhiều khi không nên quan trọng quá việc chúng ta định nghĩa nó là cái gì mà chúng ta nên xem nó mang lại giá trị gì.
Dù công nghiệp 4.0 là gì thì chúng ta cũng nên khái quát nó ở một số đặc điểm, và thành tựu công nghệ của nó mang đến lợi ích cho chúng ta như thế nào, xu thế phát triển của nó ra sao… đó mới là quan trọng.
Từ "công nghiệp 4.0" xuất phát từ Đức, từ Industrie 4.0, với hệ thống sản xuất linh hoạt và vòng đời của một quy trình sản xuất được tích hợp với nhau.
Nói một cách đơn giản để hình dung, trong một nhà máy sẽ có các khâu thiết kế sản phẩm đến đưa vào sản xuất cho đến chính sách phân phối sản phẩm, nếu như trước kia vòng đời quy trình của nhà máy đó là riêng rẽ mặc dù đã được tự động hóa, thì với công nghiệp 4.0, tất cả các quy trình đó sẽ được kết nối với nhau và kết nối với tất cả thiết bị liên quan trong hệ thống. Nghĩa là giữa các quy trình đó "hiểu nhau" thông qua dữ liệu. Khi lượng dữ liệu rất lớn, đặc biệt là dữ liệu thời gian thực sẽ dẫn đến bùng nổ dữ liệu, từ đó sinh ra khái niệm "dữ liệu lớn" (Big Data).
Tất cả các thiết bị từ cảm biến đến điều khiển sẽ được kết nối với nhau thông qua dữ liệu lớn (hay nay ta thường nói tới IoT), khi kết nối với nhau rồi, dữ liệu lớn đó sẽ xử lý và đưa ra các giải pháp phù hợp để thích ứng.
Từ việc cần phải "hiểu nhau" như thế giữa các quy trình thì buộc máy móc phải có khả năng học hỏi, thích ứng với những thay đổi bên ngoài để ra những quyết định thông minh nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo.. Đấy, người ta gọi đó là công nghiệp 4.0.. Từ việc ứng dụng trong công nghiệp, những công nghệ này được ứng dụng và lan tỏa ra nhiều lĩnh vực khác, tạo lên một làn sóng mà ta gọi là công nghiệp 4.0.
Tất cả câu chuyện đó (đột phá về công nghiệp 4.0) đều xoay quanh những công nghệ lõi như truyền thông, điền khiển tự động hóa, kỹ thuật, máy tính, toán học, xác suất thống kê….
Vậy, vì sao bây giờ công nghệ mới phát triển mạnh được vì hiện nay sự phát triển của công nghệ và thiết bị tạo ra khả năng lưu trữ, xử lý và truyền một lượng dữ liệu cực lớn, cũng như khả năng kết nối vạn vật mà trước đây không làm được.
PV: PGS đánh giá thế nào về nguy cơ Việt Nam tụt hậu xa với tốc độ của công nghiệp 4.0 trên thế giới?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Mỗi cuộc cách mạng khoa học, cách mạng công nghiệp không diễn ra trong ngày một ngày hai.
Những thành tựu công nghệ chúng ta thấy ngày hôm nay từ công nghiệp 4.0 có nguồn gốc từ hàng vài chục năm nay rồi.
Việt Nam còn rất nhiều thứ lạc hậu như công nghiệp, nông nghiệp còn lạc hậu. Tuy nhiên, chúng ta có rất nhiều điểm sáng, ví dụ như, người Việt Nam rất giỏi toán học, và công nghiệp phần mềm tại Việt Nam phát triển cũng rất nhanh, mặc dù hiện nay trình độ vẫn còn gia công nhiều.
Lấy ví dụ ở lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông và phần mềm lại phát triển rất nhanh bởi khởi điểm của chúng ta không quá chậm so với các nước.
Nếu chúng ta quay về những ngành công nghiệp truyền thống như cơ khí chế tạo máy thì lại thua nhiều nước tiên tiến. Nhưng có nhiều lĩnh vực chúng ta có thể tiến kịp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa này, chúng ta phải biết lực chọn những lĩnh vực thế mạnh để đi lên.
Trong bối cảnh này, chúng ta chỉ cần đóng góp vào trong chuỗi giá trị một số lĩnh vực nào đó để đi lên. Mỗi nước đều chọn những thế mạnh của mình để đầu tư mạnh. Ta có thể dễ dàng thấy, không phải nước nào cũng sản xuất ô tô, không phải nước nào cũng sản xuất máy cày, máy kéo…
Nếu chúng ta sản xuất những sản phẩm phần mềm chúng ta vẫn có thể đi cùng thế giới. Chúng ta có thể nghiên cứu về toán học để phát triển trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, nông nghiệp. Thông qua việc ứng dụng, chúng ta tiếp tục học hỏi để cho ra đời một số cơ sở chuyên nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ và tạo ra những sản phẩm của riêng chúng ta, áp dụng hợp lý vào một số lĩnh vực mà Việt Nam có nền tảng như nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế…
PV: Cũng có nhận định rằng việc Việt Nam "nhờ" đi sau một vài năm so với các nước phát triển khác lại là cơ hội rất lớn cho chúng ta để bắt kịp với thời đại, PGS có nghĩ như vậy không?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Nói một cách khiêm tốn thì Việt Nam đi sau nhiều nước phát triển hơn rất nhiều năm chứ không phải một vài năm nhưng có những lĩnh vực và thế mạnh mà chúng ta tiếp cận gần hơn với các nước, ví dụ như toán ứng dụng, công nghệ thông tin, phần mềm…
Bằng chứng là hiện nay Việt Nam là nơi cung cấp lực lượng phát triển phần mềm đứng thứ hai trên thế giới, sau Ấn Độ.
Trước thời đại công nghệ bùng nổ như vậy, chúng ta phải biết mình đang đứng ở đâu, thế mạnh là gì để tạo cơ hội phát triển. Đó chính là cơ hội lớn để chúng ta tập trung vào những lĩnh vực chúng ta thực sự có thế mạnh, và ứng dụng vào những thứ mà chúng ta có tiềm năng.
PV: Thưa PGS, chúng ta rất hay nghe đến cụm từ "đi tắt đón đầu", nền giáo dục đào tạo Việt Nam hiện nay rõ ràng đang "đi sau", vậy trong vấn đề 4.0 này liệu ta có thể "đi tắt đón đầu" hay không?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Tôi không bao giờ muốn dùng từ "đi tắt đón đầu". Khoa học công nghệ giống như sự phát triển của một cái cây, chúng ta phải nuôi nấng, chăm sóc nó lớn theo từng ngày. Chúng ta không thể "đi tắt đón đầu" được đâu!
Nhưng chúng ta có cách đi để có thể đi nhanh chứ không phải "đi tắt đón đầu" bằng cách, thứ nhất, chúng ta lựa chọn những lĩnh vực, những hướng đi mà người Việt chúng ta có sở trường, thế mạnh.
Nếu chúng ta đầu tư dàn trải, dàn hàng ngang ra đi thì chúng ta không thể đi được nhanh. Vì thế, nếu chúng ta biết cách lựa chọn những lĩnh vực, những hướng có chọn lọc.
Thứ hai, lựa chọn một số cơ sở nghiên cứu đào tạo để chúng ta tập trung vào thì chúng ta có thể đi nhanh được.
Nếu tất cả các trường cùng "chạy theo", cùng đi thì sẽ rất khó, nên phải phân khúc ra những trường đào tạo nhân lực để phục vụ nhu cầu trước mắt, có những trường như Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng vừa đào tạo nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu lao động trình độ cao đồng thời phải đẩy mạnh nghiên cứu mũi nhọn với định hướng lâu dài..
Đầu tiên là mình cố gắng học hỏi rồi cố gắng bám sát người ta, rồi mới lựa chọn một số lĩnh vực phù hợp hoặc thế mạnh để đi lên. Cũng như có một số người nói là "đứng trên vai người khổng lồ", ai người ta cúi xuống cho mình trèo lên?
Do đó, đầu tiên, mình phải khiêm tốn, học hỏi, tiếp cận để cho gần bằng người ta đã sau đó, khi gần bằng rồi, mình tìm một số cái ưu thế để phát triển.
PV: Theo đánh giá của PGS, tại Việt Nam, những trường đại học nào đã tiếp nhận làn sóng công nghiệp 4.0 (bao gồm việc tiếp nhận kiến thức về 4.0 như khái niệm, thành tựu hiện có của 4.0 cũng như đào tạo về 4.0) cho giảng viên và học sinh?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Vấn đề này tôi không dám khẳng định vì mỗi trường có từng chiến lược riêng. Tôi biết, có rất nhiều trường quan tâm đến công nghiệp 4.0, cụ thể qua những hội thảo, hội nghị được rất nhiều trường đại học quan tâm.
Còn, mức độ quan tâm được thể hiện thế nào và cụ thể hóa đến đâu thì chúng tôi không có thông tin.
PV: Bất cứ thành tựu khoa học công nghệ nào tiên tiến trên thế giới cũng đều có mặt thuận lợi và bất lợi riêng, theo PGS, công nghiệp 4.0 có mang lại lợi ích cũng như khó khăn cho giáo dục Việt Nam không?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Khó khăn và thuận lợi, thách thức và cơ hội luôn đi đôi với nhau. Như tôi vừa nói, những công nghệ mới tạo nên sự dịch chuyển về thị trường lao động, dịch chuyển cơ cấu ngành nghề, dịch chuyển về trình độ, dịch chuyển về yêu cầu kỹ năng… Đó là bản chất của sự thay đổi. Khi thay đổi tạo nên thuận lợi và khó khăn.
Đối với đất nước nào, cơ sở nào hay nhà trường nào mà dự báo được đúng đắn xu hướng đó, tạo được sự chuẩn bị tốt cho xu hướng đó, thì sẽ biết cách tận dụng cơ hội tốt.
Ngược lại, đối với đất nước nào, cơ sở nào hay nhà trường nào, ngay cả doanh nghiệp cũng vậy, nếu không dự báo được xu hướng đó thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Do đó, cơ hội – thách thức, hay khó khăn – thuận lợi luôn đi đôi với nhau.
PV: Công nghiệp 4.0 đặt ra đòi hỏi gì cho kinh tế xã hội Việt Nam nói chung, và cho trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nói riêng? Đại học Bách Khoa Hà Nội đóng vai trò gì trong việc tiếp cận làn sóng này, thưa PGS?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Trước hết, một trường đại học có hai nhiệm vụ quan trọng nhất là đào tạo và nghiên cứu.
Với những công nghệ và xu hướng ứng dụng của công nghiệp 4.0 thì Bách Khoa Hà Nội đã có chiến lược để đưa vào chương trình đào tạo sinh viên và định hướng những lĩnh vực nghiên cứu quan trọng của trường.
Khi CN4.0 phát triển ở nhiều nơi và bắt đầu có ảnh hưởng đến các nước đang phát triển như Việt Nam, thì có rất nhiều vấn đề đặt ra, như: Sự thay đổi về ngành nghề đào tạo, thay đổi về lĩnh vực ứng dụng, sự thay đổi về yêu cầu năng lực, về hướng nghiệp…
Những vấn đề này tạo ra rất nhiều áp lực và yêu cầu mà các trường đại học phải thay đổi, như thay đổi trong việc xác định các ngành đào tạo, trong việc đổi mới chương trình đào tạo, trong việc xác định chuẩn đầu ra, việc hướng nghiệp.
Ví dụ, chúng ta đã nghe tới việc tự động hóa toàn diện, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đến Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)… từ câu chuyện đó, chúng ta sẽ thấy cơ cấu của thị trường lao động sẽ thay đổi rất đáng kể.
Những lao động phổ thông với những công việc thường xuyên, chẳng hạn như kỹ thuật viên với những công việc yêu cầu trình độ không cao thì dần dần thị trường lao động sẽ giảm dần. Thay vào đó, những công việc yêu cầu trình độ cao, yêu cầu tính sáng tạo sẽ tăng lên. Đó là câu chuyện về nhu cầu của thị trường lao động.
Những ngành đòi hỏi tính nghiên cứu, thiết kế và sáng tạo cao sẽ phát triển, ngược lại, những ngành nào mà chỉ yêu cầu trình độ thấp, có thể ngành đó vẫn phát triển, nhưng yêu cầu về lực lượng lao động hay nhu cầu về nhân lực sẽ giảm đi.
Chính vì thế, các trường đại học phải nắm bắt được các xu thế như vậy. Và trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có chiến lược lựa chọn những lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu để phù hợp với cuộc công nghiệp 4.0.
Và cũng rất may mắn, những ngành truyền thống và những ngành có thế mạnh của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng là những ngành nền tảng của công nghiệp 4.0.
Từ trước đến nay, lợi thế của Bách Khoa Hà Nội là luôn lấy kỹ thuật và công nghệ làm nền tảng và những ngành cốt lõi của công nghệ 4.0 như công nghệ thông tin, tự động hóa, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học… Nhà trường chỉ cần đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo, yêu cầu về năng lực, kỹ năng, hướng nghiệp, đó cũng là trọng tâm của một số hướng mới, mũi nhọn của nhà trường.
Cụ thể, ưu tiên đào tạo và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, về IoT, dữ liệu lớn, an toàn và an ninh thông tin… Đây là những lĩnh vực không hoàn toàn mới mà đã phát triển trên nền tảng của nhà trường, tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, sẽ ưu tiên tập trung đào tạo và đặc biệt là nghiên cứu hơn trong các lĩnh vực này.
Thứ hai, về cơ cấu trình độ đào tạo, cũng vì yêu cầu của thị trường lao động nên sẽ nâng trình độ đào tạo cao hơn. Trước đây Bách Khoa Hà Nội tập trung đào tạo kỹ sư nhiều, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu-phát triển để đào tạo ra lực lượng chuyên gia không chỉ có khả năng vận hành các hệ thống mà còn nghiên cứu phát triển và thiết kế các hệ thống và thiết bị thông minh.
Vì xu hướng của cuộc công nghiệp 4.0 là yêu cầu nghiên cứu xây dựng mang tính liên ngành nên nhà trường lựa chọn những lĩnh vực và xây dựng những nhóm nghiên cứu/ứng dụng mang tính liên ngành.
Từ trước đến nay, nhà trường đã có chương trình đào tạo thạc sĩ với quy mô khá tốt, tuy nhiên, tỉ lệ sinh viên theo học trình độ thạc sĩ vẫn còn thấp so với mong muốn. Do đó, nhà trường đang tập trung mở rộng đào tạo trình độ thạc sĩ.
Trước đây, khi học chương trình thạc sĩ các em phải học xong toàn bộ chương trình kỹ sư để định hướng nghề nghiệp trong vòng 5 năm. Cả quá trình này mất khá nhiều thời gian.
Do đó, nhà trường cũng đã cấu trúc lại chương trình phù hợp với cấu trúc chương trình thông dụng trên thế giới, tức là thời gian đào tạo cử nhân là 4 năm, và thời gian đào tạo thạc sĩ là 1,5 - 2 năm. Nhà trường đặt mục tiêu để phần lớn các em sinh viên sẽ học thẳng lên chương trình thạc sĩ. Điều này rất quan trọng, bởi đối với những sinh viên định hướng nghiên cứu phát triển, thì ngay từ năm thứ ba, thứ tư các em sẽ bắt đầu vào các phòng Lab (phòng thí nghiệm) nghiên cứu cùng các thầy. Quá trình học lên thạc sĩ của các em sẽ không bị ngắt quãng.
PV: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nổi tiếng là một trong những ngôi trường đại học hàng đầu của Việt Nam có các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài, trong đó có Pháp, Nhật... Vậy, nhà trường có tận dụng các chương trình liên kết này trong việc đưa công nghệ 4.0 vào nhà trường nói riêng và về đất nước mình nói chung không, thưa PGS?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Có một điều chắc chắn là, từ rất nhiều năm rồi, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có khá nhiều chương trình đào tạo đặc biệt, chương trình tài năng và chất lượng cao. Ví dụ mà bạn nói là về chương trình kỹ sư chất lượng cao liên kết đào tạo với Pháp thì nhà trường đã thực hiện từ năm 1999.
Bên cạnh đó là chương trình đào tạo kỹ sư tài năng thực hiện từ năm 1998; tiếp sau đó là chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học của Mỹ theo các chương trình tiên tiến từ năm 2006; rồi chương trình đào tạo hợp tác với Nhật về công nghệ thông tin và truyền thông cũng từ năm 2006…
Nhà trường nhận thấy, mỗi chương trình đều có những đặc điểm mạnh và yếu riêng. Về điểm mạnh, việc hợp tác với các trường đại học nước ngoài không chỉ nâng cao trình độ và năng lực cho các kỹ sư cũng như tạo thêm điều kiện cho sinh viên nhà trường trao đổi học tập ở nước ngoài mà còn giúp nhà trường cải tổ chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Về điểm yếu, cụ thể như chương trình đào tạo kỹ sư tài năng của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội thì, một mặt, các em rất giỏi về chuyên môn nhưng một số kỹ năng làm việc cũng như khả năng ngoại ngữ lại kém hơn so với các em sinh viên theo học chương trình tiên tiến.
Hoặc những sinh viên theo học chương trình kỹ sư chất lượng cao thì các em rất giỏi chuyên môn, nhưng vì khối lượng chuyên môn quá lớn các em phải theo học, dẫn đến việc các kỹ năng mềm và những khả năng làm việc khác của các em lại yếu.
Do đó, từ năm 2017, nhà trường xây dựng dự án đào tạo tinh hoa Elitech, chương trình này bao gồm tất cả các chương trình đào tạo đặc biệt chất lượng cao vốn có từ trước như tài năng, chất lượng cao, và hợp tác đào tạo chất lượng cao với nước ngoài…
Nhà trường cải tổ lại xây dựng theo khuôn khổ mới với chuẩn mực mới. Sinh viên theo học chương trình này với lợi thế truyền thống và đặc điểm riêng của các chương trình tài năng lại có thêm những đặc điểm mới:
Thứ 1, các em sẽ học theo chương trình tích hợp cử nhân – thạc sĩ để được đào tạo theo định hướng nghiên cứu phát triển.
Thứ 2, các em sinh viên theo chương trình này sẽ được gắn kết nghiên cứu từ sớm, theo các nhóm nghiên cứu liên ngành. Ví dụ, sẽ có một nhóm từ 3 đến 5 em từ công nghệ thông tin, cơ điện tử, điều khiển tự động… kết hợp với nhau để cùng nghiên cứu và sáng tạo robot, một chiếc xe tự hành.
Thứ 3, các chương trình này đều có đối tác quốc tế hợp tác bình đẳng để trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên, hay những dự án hai bên cùng hướng dẫn, đào tạo.
Thứ 4, các chương trình này nâng cao hợp tác doanh nghiệp vừa nhằm hỗ trợ đào tạo vừa "đặt hàng" yêu cầu đầu ra của doanh nghiệp đối với các em cũng như hỗ trợ thực tập tại các trung tâm nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp cho các em năm cuối.
Ví dụ như Samsung, đã hỗ trợ chúng tôi đào tạo một số một học theo yêu cầu của họ. VNPT cũng hợp tác xây dựng một số phòng thí nghiệm dành cho sinh viên theo định hướng mà VNPT cần sau này.
Như vậy sinh viên được học qua nghiên cứu, học qua trải nghiệm và được chuẩn bị những năng lực, kỹ năng để về sau làm việc đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
PV: Hiện tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tận dụng được cơ hội nào từ công nghiệp 4.0 vào giảng dạy chưa, thưa PGS?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Thật ra không phải tận dụng thành tựu của công nghệ 4.0 vào giảng dạy mà ta phải nói nhà trường đã tận dụng thành tựu của công nghệ thông tin, truyền thông của Internet từ nhiều năm nay như thế nào. Tất nhiên nhà trường sẽ tận dụng một cách có lộ trình.
Ví dụ, những thành tựu của Internet như cơ sở dữ liệu về thông tin, khoa học, về tài liệu giáo trình đã được nhà trường áp dụng từ nhiều năm nay rồi. Sinh viên được học và dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập, thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau.
Về sau, khi trí tuệ nhân tạo phát triển đã tạo ra nhiều phần mềm thông minh hơn, có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho người học thì nhà trường cũng dần dần áp dụng.
Tôi nói thêm về Công nghiệp 4.0 và Đại học trực tuyến (e-University). Chúng ta không nên đánh đồng hai khái niệm này với nhau. Không nên hiểu trong giáo dục đại học thời 4.0 là đại học trực tuyến.
Đại học trực tuyến đã có từ lâu và nó là một ứng dụng trong đó ứng dụng về Internet, ứng dụng phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi tin rằng, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì hệ thống giáo dục trực tuyến có thể thông minh hơn, hỗ trợ tốt hơn từng cá thể người học. Đó là xu hướng trong tương lai, và bất cứ trường nào cũng nên quan tâm và tận dụng.
Tuy nhiên, hiện nay phần mềm trực tuyến chưa thông minh đến mức như vậy. Hầu hết phần mềm học trực tuyến mới chỉ dừng lại ở các video, các bài giảng và hệ thống hỗ trợ có con người cụ thể đi kèm theo. Cái này không dính dáng gì đến công nghiệp 4.0 cả.
Tôi hình dung là, trong tương lai sẽ có những phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đóng vai trò vừa là kho tài liệu, vừa là người hướng dẫn cho người học. Trước kia, phần mềm học trực tuyến chỉ đóng vai trò là học liệu thôi, và học liệu đó vẫn phải cần có người hướng dẫn. Nhưng dần dần, phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo vừa là học liệu vừa là người hướng dẫn người học.
Như vậy, từng cá nhân có thể học bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, vừa học được kiến thức đó thông qua học liệu, vừa được phần mềm đó hướng dẫn. Ví dụ, học đến đâu, có những khó khăn gì thì phần mềm đó sẽ trả lời. Và tiến độ học tập sẽ tùy theo từng người. Và phần mềm sẽ đặt câu hỏi cũng như hướng dẫn người học để cá nhân hóa với sở trường, năng lực của người học. Đó là tương lai của việc học.
PV: Xin PGS đánh giá một cách khách quan, sinh viên Bách Khoa hiện nay ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu lao động trong thời đại mới không? Vì sao?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Thật ra, ngay từ đầu câu chuyện chúng ta đều bàn xoay quanh vấn đề đó cả. Tất cả các hoạt động của nhà trường từ việc điều chỉnh các chương trình đào tạo, các phương pháp giảng dạy, đổi mới công nghệ, dự báo lĩnh vực ngành nghề trong tương lai để có chương trình đào tạo phù hợp, rồi cách học gắn với trải nghiệm, cách học gắn với nghiên cứu, đến việc tổ chức cho các em vào các câu lạc bộ sinh viên nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp và những hoạt động hỗ trợ sinh viên khác… tất cả đều được nhà trường thực hiện nhằm một mục tiêu quan trọng nhất là để sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng, năng lực làm việc tốt hơn.
Tất nhiên, một điểm hết sức quan trọng là thành công phụ thuộc rất nhiều vào người học. Bản thân người học phải nhận thức được điều đó. Chúng tôi luôn quan niệm rằng, trong nhà trường, sinh viên vừa là khách hàng đặc biệt vừa là chủ thể của quá trình đào tạo.
Bởi quá trình học tập, người học tích lũy được bao nhiêu và có năng lực làm việc tốt hay không đều phụ thuộc vào quyết định của người học cũng như tính chủ động, sáng tạo của các em.
Nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên làm việc nhóm, làm đồ án hợp lý, làm việc với thực tiễn doanh nghiệp rồi tạo sân chơi cho các em tham gia các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo… tất cả đều nhằm giúp cho sinh viên phát triển con người một cách toàn diện, trong đó có kiến thức về chuyên môn, có năng lực làm việc sau này.
PV: Trong cuộc trò chuyện này, PGS nhấn mạnh rất nhiều về toán học. Vì sao vậy?
PGS. Hoàng Minh Sơn: Tất cả các ngành kỹ thuật và công nghệ đều phải có nền tảng, cốt lõi là toán học. Toán học là phương pháp tư duy, phương pháp luận và công cụ không phải bây giờ mà từ hàng nghìn năm nay, và trong tương lai, toán học vẫn tiếp tục là nền tảng của khoa học, công nghệ, kỹ thuật.
Và chúng ta phải đào tạo, nghiên cứu toán học để toán học mang tính ứng dụng cao hơn trong các ngành khoa học, kỹ thuật và trong cuộc sống. Đừng để toán học trở thành ốc đảo.
Đương nhiên chúng ta vẫn có những đơn vị, viện nghiên cứu chuyên sâu về toán nhưng phải tạo được sự gắn kết để những nghiên cứu, đào tạo về toán đó gắn với lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ để chuyển những kiến thức toán đó thành công cụ giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn, trong kinh tế, kỹ thuật (ví dụ như tài chính số, kinh tế số), và kể cả trong các ngành khoa học xã hội, nhân văn...