Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam; cho rằng, việc ban hành dự thảo luật trong thời điểm này là rất cần thiết, nhằm nâng cao địa vị pháp lý của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Dự thảo luật được thông qua sẽ là cơ sở, điều kiện để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh đến tình hình vùng biển diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các tình huống về an ninh, quốc phòng trên biển diễn biến phức tạp, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống của tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển ngày càng nặng nề hơn.
Do đó, đại biểu cho rằng, để tạo cơ sở pháp lý cho cảnh sát biển hoạt động phù hợp với thực tiễn lập pháp trên thế giới, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 thì việc xây dựng ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách.
Đại biểu Phạm Đình Cúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Bình.
Quan tâm đến khoản 1 điều 9 quy định nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam là "bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của công dân", đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc vì trên biển có nhiều lực lượng tham gia.
Đại biểu đồng tình với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, mỗi lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các lực lượng khác.
Do đó, đại biểu đề nghị cần xác định rõ nhiệm vụ, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng để khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.
Còn đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) tán thành với quy định lực lượng cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Theo đại biểu, quy định này đã kế thừa Pháp lệnh về cảnh sát biển hiện hành.
Thực tiễn quá trình thực hiện pháp lệnh đã chứng minh vị trí của lực lượng cảnh sát biển trong lực lượng vũ trang nhân dân, đã phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, phối hợp tốt với các lực lượng chấp pháp trên biển ở các quốc gia khác.
Dự thảo Luật quy định lực lượng cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là thành viên của Chính phủ, trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động. Khi có xung đột vũ trang trên biển, đây cũng là lực lượng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Bình.
ăn khoăn đến quyền của cảnh sát biển Việt Nam quy định tại dự thảo luật là "có quyền truy đuổi người, phương tiện vi phạm pháp luật trên biển" và "quyền bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển", đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, dự thảo luật không quy định quyền bắt, tạm giữ người vi phạm là chưa đầy đủ, gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực thi pháp luật trên biển.
Do đó, đại biểu đề nghị quy định bổ sung quyền được bắt, tạm giữ người vi phạm pháp luật của cảnh sát biển Việt Nam để phù hợp hơn với thực tế.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) quan tâm đến việc hiện đại hóa vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Nhấn mạnh việc chấp hành pháp luật bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn, đấu tranh chống tội phạm trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ trung tâm của lực lượng cảnh sát biển, do đó, đại biểu cho rằng, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, cảnh sát biển cần có các loại vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật và vật chất hậu cần phù hợp, đáp ứng yêu cầu cơ động và tác chiến.
"Trong những năm gần đây cảnh sát biển đã được trang bị các loại tàu hiện đại và vũ khí, khí tài đồng bộ tiên tiến, tuy vậy công nghệ vũ khí, khí tài cũng thay đổi liên tục theo hướng hiện đại.
Vì vậy, tôi đề nghị cần rà soát lại khoản 1 điều 5 để quy định cụ thể về hiện đại hóa vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật là một trong những ưu tiên hàng đầu trong xây dựng, phát triển lực lượng cảnh sát biển ở nước ta hiện nay", đại biểu đề nghị.