Hiểm họa khủng bố từ "robot bay": "Hung thần" móng vuốt nhọn

Đỗ Quyên |

Đối mặt với hiểm họa khủng bố ngày càng khó lường từ những thiết bị bay không người lái, quân đội Pháp đã tìm tới "chúa tể của bầu trời"

Dưới sự giám sát của quân đội Pháp, 4 con đại bàng vàng đầu tiên được ấp trên những chiếc thiết bị bay không người lái (drone) đã chào đời vào năm 2015 với sứ mệnh tiêu diệt những cỗ máy đang trở thành vũ khí nguy hiểm của khủng bố.

Chiến binh biết bay

Những con đại bàng non - được đặt tên là d’Artagnan, Athos, Porthos và Aramis - do một đơn vị quân đội đặc nhiệm nuôi dưỡng và huấn luyện nghiêm ngặt tại căn cứ không quân ở thị trấn Mont-de-Marsan (phía Tây Nam nước Pháp).

Những chiếc drone gắn liền với cuộc đời của biệt đội đại bàng, từ lúc chào đời cho tới mọi hoạt động trong suốt quá trình trưởng thành.

Theo giải thích của báo Le Parisien, ban đầu các binh sĩ cho những chú đại bàng con ăn thịt đặt trên drone. Khi lớn hơn, chúng bắt đầu làm quen với những chiếc drone bay lượn trên không trung. Một khi đã sẵn sàng bay, chúng được huấn luyện săn drone trên những đồng cỏ trải rộng trong căn cứ.

Vẫn vồ lấy con mồi và giữ chặt bằng móng vuốt sắc nhọn, rồi sà xuống đất và sải rộng đôi cánh giữ mồi như bản năng săn mồi của đại bàng, chỉ khác là con mồi của "bộ tứ" đại bàng này lại là những cỗ máy điện tử được điều khiển từ xa. Mỗi khi thực hiện xong một chiến công, chúng được người huấn luyện thưởng cho một miếng thịt.

"Những con đại bàng này có thể phát hiện drone từ khoảng cách vài ngàn mét và lao tới khống chế chúng" - tướng Jean-Christophe Zimmerman của Không quân Pháp chia sẻ với hãng tin Reuters.

Giới chức chỉ huy đánh giá rất cao về sự tiến bộ nhanh chóng của những chú đại bàng vàng vốn được đặt tên theo các nhân vật trong tác phẩm "Ba chàng lính ngự lâm".

Trong khi đó, phía quân đội cũng tỏ ra rất ấn tượng với kết quả tập luyện và tin rằng biệt đội đại bàng sẽ sớm nhận nhiệm vụ thực sự, chủ yếu tập trung vào các drone phi pháp ở những nơi như sân vận động, các hội nghị thượng đỉnh chính trị và sân bay.

Quân đội Pháp cũng đã ra lệnh cho ấp thêm một lứa đại bàng thứ hai cho nhiệm vụ "săn" drone trong khi các vật dụng hỗ trợ chiến đấu cho 4 chú đại bàng đầu tiên đang được thiết kế, như găng tay hở ngón bằng da và Kevlar - một vật liệu thường thấy trong áo giáp…

Vài tuần trước khi các chiến binh đại bàng nói trên ra đời, tại Iraq, các binh sĩ đã nổ súng loạn xạ lên trời bởi drone thả xuống một quả bom. Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), những kẻ khủng bố đã biến hóa các thiết bị có thể dễ dàng tìm thấy trong các tiệm đồ chơi thành vũ khí và trinh sát điều khiển bằng radio.

Pháp bắt đầu lo ngại về vấn đề này từ đầu năm 2015 khi drone ngang nhiên bay qua dinh tổng thống và một khu vực quân sự hạn chế. Không có ai bị thương trong vụ này. Tuy nhiên, những vụ tấn công khủng bố xảy ra sau đó như vụ thảm sát tháng 11-2015 ở Paris đã thôi thúc giới chức quân sự nghĩ ra một giải pháp ngăn chặn đầy sáng tạo.

Họ muốn một phương thức hạ drone mà không cần nổ súng bởi hoảng loạn có thể xảy ra nếu tấn công bằng drone xảy ra ở khu vực đông đúc. Đại bàng được cho là giải pháp an toàn hơn là bắn hạ drone hay dùng lưới, gây nhiễu điều khiển.

Quá tốn kém

Cảnh sát Hà Lan đã bắt đầu theo đuổi một giải pháp tương tự vào năm 2015. Sau hàng loạt thử nghiệm, cảnh sát nước này năm 2016 đã thông báo sẽ triển khai một đội đại bàng săn các drone gây đe dọa với đám đông, chẳng hạn như ở sân bay.

Thế nhưng, chưa đầy một năm sau, cảnh sát đất nước thuộc hàng yên bình nhất thế giới đã "sa thải" những chiến binh có cánh bị phàn nàn gây phiền phức và quá tốn kém này.

Đại bàng ở Hà Lan cũng được "tuyển mộ" từ khi mới nở và do công ty chuyên trách Guard From Above huấn luyện. Doanh nghiệp này hô hào rằng họ là công ty đầu tiên trên thế giới dùng chim săn mồi để chặn các drone thù địch.

Một số video do cảnh sát Hà Lan công bố cho thấy những con đại bàng lao lên không trung và hạ gục drone rồi giữ chặt bằng móng sắc và kéo xuống mặt đất đã gây nên cơn sốt trên mạng xã hội hồi năm 2016. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, giới chức trách cay đắng nhận ra đại bàng không phải lúc nào cũng hành động theo những gì chúng được huấn luyện.

Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động bảo vệ động vật cũng bày tỏ lo ngại. "Móng vuốt đại bàng rất sắc, tới mức có thể dễ dàng xuyên thủng đầu một đứa trẻ" - Robert Muster, một chuyên gia về đại bàng, cảnh báo.

Ngoài 2 lần được đưa ra trình diễn tại các sự kiện ngoài trời ở Rotterdam (Hà Lan) và Brussels (Bỉ), những chú đại bàng này chưa từng được điều động thực tế.

Ngoài ra, cảnh sát Hà Lan cũng phải từ bỏ ý định sử dụng chuột "thám tử" để đánh hơi pháo hoa phi pháp, thi thể người và thuốc lá lậu. Họ thừa nhận dù có trải qua huấn luyện chuyên biệt nhưng vẫn không thể gò ép những con vật này vào khuôn khổ.

Kẻ thù của đội bay công ty đào vàng

Hoàn toàn không trải qua khóa huấn luyện để tiêu diệt drone nào nhưng những con đại bàng đuôi nhọn - loài chim săn mồi lớn nhất ở Úc - đã khiến đội drone đắt tiền của Công ty khai thác vàng Gold Fields Ltd điêu đứng vì khả năng tấn công tự nhiên của chúng.

Công ty Gold Fields Ltd sử dụng drone để khảo sát một mỏ vàng gần Kambalda ở bang Tây Úc. Mỗi chiếc drone có giá 7.400 USD gắn kèm camera trị giá tương đương. Thế nhưng, ít nhất 9 chiếc đã bị đại bàng đuôi nhọn tóm gọn, gây thiệt hại lên tới hơn 100.000 USD theo truyền thông Úc đưa tin vào năm 2016.

Loài chim có bộ móng vuốt sắc nhọn và sải cánh rộng khoảng 2 m này dễ dàng hạ gục những chiếc drone với đường kính chỉ 1 m. Phía công ty khai thác mỏ đã cố gắng thử nhiều cách để cứu đội bay của mình như ngụy trang cho drone giống đại bàng hoặc sơn chúng màu cầu vồng nhưng cũng không mấy hiệu quả.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-8

Kỳ tới: Cuộc đua drone vũ trang

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại