"Bom dơi"
Từ lâu, quân đội Mỹ đã sử dụng động vật trong chiến tranh. Hệ thống sóng âm phản xạ của loài cá heo mũi chai đã giúp Hải quân Mỹ phát hiện và xử lí được bom dưới nước trong chiến tranh Iraq. Trong khi đó, loài chim bồ câu đóng vai trò then chốt trong việc gửi thông điệp bí mật giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.
Nhưng có một loài động vật mà Lầu Năm Góc chưa thực sự "thuần hóa" được: loài dơi.
Khi trận đánh Trân Châu Cảng nổ ra năm 1941, phía Mỹ đã nghĩ tới phương án dùng hàng trăm con dơi Mexico để tấn công các thành phố của Nhật Bản.
Theo kế hoạch, quân đội sẽ gắn bom cỡ nhỏ lên loài thú này và sau đó thả hàng loạt từ máy bay xuống. Chúng sẽ bay vào các công trình của người Nhật, phát nổ vào buổi đêm khi không ai đề phòng. Nhưng kế hoạch này hoàn toàn thất bại.
Không nản chí, các nhà khoa học tiếp tục cuộc thử nghiệm có tên "Dự án X-ray" vào tháng 6/1943. Mọi chuyện trở nên mất kiểm soát khi hàng loạt "bom dơi" bay không kiểm soát, phát nổ và gây hỏa hoạn lớn tại các doanh trại, tháp điều khiển và một số tòa nhà khác tại Carlsbad, New Mexico.
Vì phải giữ kín bí mật quân sự, quân đội không thể gọi lính cứu hỏa vào xử lí đám cháy. Lửa lan rộng khắp nơi và gần như thiêu hủy hết căn cứ. Chưa dừng ở đó, hai con dơi bay lạc còn hạ cánh bên dưới gầm xe của một vị tướng lĩnh trước khi phát nổ và khiến xe hư hại nặng.
Sau đó, dự án X-ray bị hủy bỏ.
Hệ miễn dịch độc đáo
Ngày nay, quân đội Mỹ lại tiếp tục nghiên cứu ứng dụng trong quân sự của loài dơi, nhưng không phải để tấn công, mà nhằm mục đích tự vệ trước vũ khí sinh học của nước ngoài.
Loài dơi ăn quả sở hữu một khả năng "siêu nhiên" là hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những loại virus nguy hiểm nhất thế giới.
Nếu tiêm virus Marburg vào một con dơi ăn quả Ai Cập - virus gây nên căn bệnh xuất huyết và có họ hàng với virus Ebola - không hề có chuyện gì xảy ra với loài vật này. Nhưng nếu làm điều tương tự lên con người, bệnh nhân sẽ chảy máu đến chết chỉ trong vòng một tuần.
Siêu kháng thể của loài dơi từ lâu đã khiến các nhà nghiên cứu về virus kinh ngạc, và một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra cách dơi sở hữu năng lực tuyệt vời ấy.
Đại diện nhóm các nhà khoa học tại Đại học Boston và Viện Nghiên cứu Quân y về Bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ông Thomas Kepler, giáo sư vi sinh nói: "Chúng tôi cố gắng tìm hiểu về hệ miễn dịch của dơi, nhưng mọi chuyện khó hơn chúng tôi tưởng".
Ảnh: News Ltd.
Sau nhiều thí nghiệm phức tạp, nhóm của ông Kepler nhận ra rằng loài dơi có một cơ chế chống lại virus rất đặc biệt. Khi phát hiện tế bào nhiễm bệnh, các tế bào "tiêu diệt bệnh" thông thường ở người và các loài khác sẽ tìm và tiêu diệt mầm bệnh, gây ra một loạt các phản ứng viêm ở vật chủ.
Trong khi đó, tế bào ở dơi lại làm giảm sự chuyển hóa ở tế bào nhiễm bệnh, khiến virus "đói" và bị vô hiệu hóa.
Cách xử lí độc đáo của tế bào dơi đối với bệnh truyền nhiễm cũng lí giải tại sao virus truyền từ dơi sang người, bao gồm virus Ebola, lại nguy hiểm đến vậy.
Ông Kepler tin rằng việc nghiên cứu về hệ siêu miễn dịch của dơi có thể giúp tạo ra thuốc chữa trị cho virus Marburg. "Phát triển các loại thuốc giúp làm giảm tình trạng viêm tế bào, cô lập virus bằng cách làm suy kiệt hệ thống chuyển hóa của chúng là điều có thể thực hiện."
Dự án vũ khí sinh học của Liên Xô
Đại dịch virus Marburg từng xảy ra tại các nước châu Phi với tỉ lệ tử vong lên tới 90%. Không có thuốc đặc trị cho virus này - và đó là lí do biến Marburg thành "ứng cử viên" hàng đầu cho vũ khí sinh học.
Trong những năm 1980, Liên Xô đã để mắt tới virus Marburg và quyết định phát triển vũ khí sau một tai nạn đáng tiếc tại học viện Vector - trung tâm nghiên cứu vũ khí sinh học tại Siberia. Trong lúc bất cẩn, một nhà khoa học có tên Nikolai Ustinov đã đâm mũi tiêm chứa virus này vào ngón cái của ông thay vì con vật thí nghiệm ông đang giữ.
Ông Ustinov thiệt mạng ít lâu sau đó vì căn bệnh quái ác. Tuy nhiên, các mẫu virus thu được từ nội tạng của nhà khoa học này còn mạnh hơn cả virus phiên bản gốc.
Theo một sĩ quan từng làm việc tại đây, các nhà khoa học Liên Xô đã đặt tên virus mới là "Biến thể U" và gửi lại cho Bộ Quốc phòng hồi đầu những năm 1990.
Virus Marburg được xếp vào loại vũ khí khủng bố sinh học loại A bởi Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh dịch. Nghiên cứu của ông Kepler đã nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Giảm thiểu Hiểm họa Quốc phòng, một cơ quan của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm đối phó với những tai họa từ vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nếu virus Marburg được sử dụng trong chiến tranh sinh học, thì hệ siêu miễn dịch của dơi sẽ nắm chìa khóa then chốt để ngăn chặn thảm cảnh này.