Uber là dịch vụ cung cấp công nghệ hay là công ty vận tải đang làm đau đầu các nhà chức trách. Tuy nhiên, qua cách hoạt động của Uber, có thể thấy các cơ quan quản lý vẫn đang gặp khó khăn trong việc kiểm soát các hoạt động của ứng dụng này.
Bước chân vào Việt Nam từ năm 2014, Uber - phần mềm hoạt động trên điện thoại dưới dạng ứng dụng kết nối người cần di chuyển và tài xế đã làm xáo động thị trường vận tải trong nước.
Những chiếc xe tham gia vận chuyển hành khách sử dụng ứng dụng Uber không có biển hiệu taxi và phương thức tính tiền dựa vào định vị trên ứng dụng.
Cách thanh toán của Uber khiến thị trường nội địa khó kiểm soát. Theo đó, người dùng sẽ trả phí thông qua hệ thống thanh toán bằng thẻ quốc tế như Master Card, Visa...
Toàn bộ số tiền sẽ được chuyển sang Hà Lan. Cách ăn chia được tính như sau: Uber hưởng "hoa hồng" 20%, còn chủ xe hưởng 80% nhưng họ phải kê khai nghĩa vụ thuế, nộp cho cơ quan Nhà nước với VAT 10%.
Như vậy, về bản chất, Uber có thể không tham gia đóng thuế trực tiếp. Bên cạnh đó, số tiền "hoa hồng" 20% mà Uber cho đây là chi phí công nghệ đang dấu hỏi chấm lớn đối với ngành thuế Việt Nam.
Chính sự khác biệt so với taxi hiện tại, nên Uber đang là tâm điểm bàn cãi bởi tính pháp lý.
Câu hỏi lớn đặt ra làm đâu đầu nhà chức trách: Vậy, Uber là gì?
Trong khi các cơ quan như UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM và một vài cơ quan khác coi Uber là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, thì các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin Truyền thông, VCCI... lại cho Uber là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
Nhiều cuộc họp bàn, tranh luận nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết... trong khi đó, Uber vẫn ung dung hưởng lợi.
Mới đây, đại diện Tổng Cục thuế cho biết, nếu Uber vẫn có tình trạng trốn thuế, cơ quan chức năng có thể sẽ kiểm soát qua tài khoản ngân hàng. Hiện một số nước đã cấm Uber vào bằng phương pháp phá sóng, không cho công nghệ của đơn vị này vào địa bàn.