Hết lạnh nhạt, Thủ tướng Abe đi "phá băng" sau 7 năm gián đoạn: 2 sự sắp xếp đặc biệt ở TQ

Thủy Thu |

Ngoài lịch trình đặc biệt ở Trung Quốc, chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Abe cũng diễn ra trong bối cảnh mang nhiều ý nghĩa đối với mối quan hệ song phương.

Ngày 12/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng thông báo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ thăm chính thức Bắc Kinh từ ngày 25-27/10.

Trong bài xã luận được đăng trên tài khoản Wechat chính thức, Báo Thanh niên Bắc Kinh cho biết, do đây là lần đầu tiên sau 7 năm Thủ tướng Nhật tiến hành thăm chính thức Trung Quốc nên sự kiện này được dư luận đặc biệt chú ý.

Thời gian thăm Trung Quốc

Trong cuộc họp báo ngày 12/10, ông Lục Khảng cho biết, chuyến thăm chính thức Trung Quốc sau 7 năm gián đoạn diễn ra trong bối cảnh quan trọng: Tròn 40 năm ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản.

Theo Báo Thanh niên Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Trung Quốc lần gần đây nhất chính là người tiền nhiệm của ông Abe - cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda. Ông Noda từng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 25-27/12/1011.

Đối với ông Abe, lần thăm chính thức Trung Quốc của ông đã cách đây 12 năm. Tức ngày 5/10/2006, sau nửa tháng nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, ông đã có công du tới Trung Quốc, để mở ra "hành trình phá băng" cho mối quan hệ song phương.

Hết lạnh nhạt, Thủ tướng Abe đi phá băng sau 7 năm gián đoạn: 2 sự sắp xếp đặc biệt ở TQ - Ảnh 1.

Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm cuối tháng 10 này của ông Abe có diễn ra trong bối cảnh:

Thứ nhất, tròn 40 năm ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản. (12/8/1978). Trong chuyến thăm Nhật vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã dự lễ kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản tại Tokyo cùng người đồng cấp Abe.

Thứ hai, tháng 9 năm nay, ông Abe đánh bại cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, tái đắc cử lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do cầm quyền qua đó tiếp tục giữ chức Thủ tướng tới năm 2021. Việc thành công sự kiện lớn trong nước đã mở đường cho chuyến thăm tới Trung Quốc lần này của ông Abe.

Ông Cao Hồng - cựu Giám độc viện Nhật Bản, Học viện khoa học xã hội Trung Quốc nhận định, chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này của ông Abe cần đặt trong bối cảnh cục diện toàn cầu leo thang căng thẳng trong khi hai nước có lập trường tương đồng về thương mại như phản đối chủ nghĩa đơn phương, phản đối chủ nghĩ bảo hộ thương mại.

Theo Báo thanh niên Bắc Kinh, ngoài hai bối cảnh về thời gian, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe còn diễn ra trong một bối cảnh quan trọng khác:

Các cuộc gặp gỡ liên tục giữa các lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường với ông Abe lần lượt ở hội nghị Vladivostok, Nga và Nhật Bản. Cùng với đó là cuộc gặp gỡ của các chính khách, doanh nhân khác của hai nước.

"Thư kí Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhấn mạnh tầm quan trọng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Abe: Chuyến thăm là cơ hội lớn thúc đẩy hợp tác vào giao lưu trong mọi lĩnh vực, đưa mối quan hệ Trung-Nhật lên tầm cao mới", Báo Thanh niên Bắc Kinh viết.

Hai sự sắp xếp đặc biệt trong lịch trình

Ông Lục Khảng tiết lộ, trong thời gian thăm Trung Quốc, Thủ tướng Abe sẽ hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, trao đổi ý kiến về cải thiện phát triển quan hệ Trung-Nhật và các vấn đề khu vực quốc tế mà cả hai bên cùng quan tâm.

Ngoài ra, ông Abe sẽ tham dự tiệc chiêu đãi kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản và một diễn đàn hợp tác kinh tế mang tên Hợp tác thị trường cùng bên thứ ba của Trung-Nhật lần đầu tiên được tổ chức ở Bắc Kinh

Ông Cao Hồng cho rằng, xét về bình diện giữa các nhà lãnh đạo, sự trao đổi giữa đội ngũ lãnh đạo cấp cao luôn đóng vai trò chủ đạo trong chính trị, "tin cậy về chính trị giúp mối quan hệ và hợp tác song phương phát triển đúng hướng.

"Các chuyến thăm cấp cao rõ ràng là rất quan trọng, trong rất nhiều trường hợp, nó mang ý nghĩa của "bước đi bản lề", ông nói.

Theo báo Trung Quốc, sự góp mặt của ông Abe tại diễn đàn kinh tế song phương cũng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi hai nước có thể phát triển hợp tác, trao đổi kỹ thuật và đầu tư.

Ông Cao Hồng cho rằng triển vọng hợp tác song phương rất lạc quan.

Ông này phân tích, hiện nay, quan hệ kinh tế Trung-Nhật phát sinh nhiều sự cạnh tranh. Ví dụ, ở thị trường Đông Nam Á, hai nước cạnh tranh nhau về giá cả nên dù bên nào thắng thầu thì cũng không phải là chiến thắng dễ dàng.

Tuy nhiên, nếu hai bên cùng hợp tác đầu tư, hỗ trợ lẫn nhau thì không chỉ có lợi Trung-Nhật mà còn có lợi cho cả bên thứ ba, nhất là khi kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều nhân tố bất ổn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại