Để hướng tới mục tiêu này, quân đội Mỹ gần đây đã thử nghiệm hai cảm biến phòng không mới do công ty Raytheon Missiles & Defense sản xuất tại thao trường White Sands ở New Mexico.
Hệ thống radar "không điểm mù"
Cảm biến phòng thủ tên lửa và phòng không cấp thấp hơn (LTAMDS) mới sẽ là một công nghệ quan trọng mà quân đội Mỹ sẽ hoàn thiện trong hệ thống đánh chặn phòng không trong tương lai. Hệ thống này có thể sẽ thay thế radar đánh chặn theo pha được trang bị trên những tổ hợp Patriot hiện tại.
Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: Eurasian Times
Chương trình phát triển máy bay đánh chặn tương lai sẽ tập trung vào việc ngăn chặn các mối đe dọa trên không và tên lửa siêu thanh. Bên cạnh đó, các khả năng mong muốn của máy bay đánh chặn trong tương lai bao gồm tăng vận tốc và khả năng cơ động.
Trái ngược với khả năng của những hệ thống gần đây chỉ theo dõi một không gian chiến đấu hạn chế, LTAMDS cung cấp phạm vi bao quát 360 độ và khả năng cảm biến nâng cao.
Phạm vi theo dõi lớn sẽ cho phép các mạng lưới phòng không tích hợp phân tán trên một khu vực rộng lớn hơn, tăng phạm vi hoạt động, đồng thời giúp chúng trở nên kiên cường hơn trước hỏa lực của đối phương.
Bên cạnh khả năng đa chức năng, LTAMDS có thể bảo vệ chống lại các mối đe dọa lớn như tên lửa đạn đạo chiến thuật, máy bay và tên lửa hành trình. Chúng có thể phát hiện các mục tiêu cơ động tốc độ cao từ khoảng cách xa và cung cấp dữ liệu cho mạng lưới của hệ thống.
LTAMDS được chế tạo từ công nghệ sử dụng hợp chất bán dẫn năng lượng Gallium Nitride (GaN), giúp nâng cao cường độ tín hiệu và độ nhạy của máy phát trong hệ thống. Ưu điểm đáng kể nhất của công nghệ này là không cần phải sửa chữa trong suốt vòng đời và tiêu tốn ít năng lượng dưới dạng nhiệt khi hoạt động.
Công ty Raytheon đã mất nhiều năm để cải tiến công nghệ GaN nhằm cung cấp cho hệ thống radar khả năng phát hiện mối đe dọa 360 độ trong thiết kế bao gồm một mảng lớn phía trước và hai mảng nhỏ hơn ở phía sau. Các mảng nhỏ hơn có kích thước bằng một nửa so với radar trang bị trên hệ thống Patriot, nhưng có sức mạnh gấp đôi nhờ vào công nghệ GaN.
Bên cạnh khả năng bao quát 360 độ liên tục, radar này còn có thể nhìn xa hơn so với radar Patriot hiện có. Loại radar này đáp ứng các yêu cầu vận chuyển và cơ động của lực lượng quân đội và có thể được trang bị trên máy bay C-17.
Theo Eurasian Times, việc thay thế radar của hệ thống Patriot đã bắt đầu từ lâu. Quân đội Mỹ đã cố gắng thay thế nó bằng hệ thống phòng không mở rộng Trung bình của Lockheed Martin thông qua sự hợp tác quốc tế với Đức và Italy, nhưng kế hoạch này đã bị gác lại.
Ngoài hệ thống radar của Raytheon, Hệ thống Chỉ huy Chiến đấu Tích hợp (IBCS) do công ty Northrop Grumman phát triển sẽ được các đơn vị của quân đội Mỹ triển khai để chiến đấu ở tiền tuyến. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phê duyệt mức sản xuất đầy đủ hệ thống này vào tháng 4/2023. IBCS đã đạt được khả năng hoạt động ban đầu với quân đội Mỹ vào tháng 5/2023.
IBCS sẽ tích hợp nhiều cảm biến và hệ thống vũ khí vào một mạng duy nhất, cho phép đưa ra quyết định nhanh hơn và tham gia hiệu quả hơn vào các mục tiêu trong các hoạt động chiến đấu đa miền.
IBCS có thể cung cấp cho lực lượng quân đội khả năng nhận thức tình huống nâng cao, cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng khả năng sát thương, đồng thời cho phép khả năng tương tác và tích hợp cấp cao giữa các đối tác liên minh.
Radar mới nâng cao sức mạnh cho "lá chắn thép"
Patriot là một trong những hệ thống phòng không phức tạp mà phương Tây cung cấp để giúp Ukraine đẩy lùi các cuộc không kích của Nga.
Gần đây, các lực lượng Ukraine đã sử dụng hệ thống phòng không Patriot để vô hiệu hóa tên lửa siêu thanh Kinzhal, vũ khí được mệnh danh là "không thể đánh chặn" của Nga.
Hiện nay, hệ thống Patriot đang hoạt động đơn độc ở Ukraine trong khi về mặt kỹ thuật, Patriot không thể phát huy hết hiệu quả nếu nó bị tách khỏi học thuyết phòng không. Patriot có khả năng hạn chế trong việc xác định các tài sản quốc phòng quan trọng và được thiết kế để hoạt động trong sự phối hợp các hệ thống phòng không tấn công các mục tiêu ở độ cao lớn và độ cao thấp. Nếu không có các hệ thống bổ trợ này, Patriot phải đối mặt với quá nhiều mối đe dọa và không được bảo vệ khi hệ thống này cạn kiệt tên lửa đánh chặn.
Các hệ thống Patriot đầu tiên được quân đội Mỹ triển khai từ những năm 1980. Chúng lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu hồi Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau đó là trong chiến tranh Iraq năm 2003.
Hệ thống Patriot đã trải qua những thay đổi đáng kể kể từ đó. Bản sửa đổi mới nhất bao gồm radar hiệu suất cao và chính xác hơn, cùng hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tiên tiến PAC-3.
Một khẩu đội Patriot có 6 thành phần chính: bộ phận máy điện (hai máy phát điện 150 kW gắn trên xe), bộ radar, trạm kiểm soát giao chiến, trạm phóng, nhóm cột ăng ten và tên lửa đánh chặn (PAC-2 và PAC- 3). Bộ radar cung cấp khả năng phát hiện và theo dõi các mục tiêu và điều khiển hỏa lực.
Radar mảng pha giúp dẫn đường cho tên lửa đánh chặn nhắm trúng mục tiêu và có khả năng chống gây nhiễu. Trạm kiểm soát tham gia tính toán quỹ đạo tên lửa đánh chặn và kiểm soát trình tự phóng. Nó cũng có thể liên lạc với các trạm phóng và các khẩu đội Patriot khác. Đây là bộ phận có người lái duy nhất trong hệ thống phòng không này.
Trạm phóng vận chuyển và bảo vệ các tên lửa đánh chặn và cung cấp nền tảng cho việc phóng tên lửa vật lý. Mỗi trạm phóng có thể chứa 4 tên lửa PAC-2 hoặc 16 tên lửa PAC-3./.