Hàn Quốc phát triển hệ thống radar mới phát hiện máy bay chiến đấu nhanh nhất Nga tiết lộ “áo choàng” giúp Su-57 và Tu-160 “biến mất” khỏi radar
Mặc dù hiện nay Duga được biết đến rộng rãi, nhưng đó là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ trong suốt nhiều năm hoạt động. Mục đích chính xác của Duga chưa được hiểu đầy đủ, nhưng nó được cho là được sử dụng vào mục đích nghe lén quân đội Mỹ để phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa tầm xa.
Một số người tin rằng vị trí Duga gần lò phản ứng Chernobyl là do mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ của nó. Duga được cho là đã sử dụng sóng vô tuyến ngắn có khả năng phát xa hàng ngàn kilômet bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là “vượt đường chân trời” để phát hiện ngọn lửa khí thải của tên lửa bắt đầu phóng đi.
Trong khi đó, các phương tiện truyền thông phương Tây suy đoán mạng lưới radar được chế tạo như một phần của thí nghiệm “kiểm soát tâm trí” con người hoặc thời tiết. Radar được một số người gọi là “Chim gõ kiến Nga” do những âm thanh đặc trưng xuất hiện trên sóng radio khi nó hoạt động.
Mạng lưới radar bí mật còn được gọi là Chernobyl-2
Khu rừng yên bình ở phía bắc thủ đô Kiev của Ukraine là một nơi hoàn hảo để tận hưởng bầu không khí ngoài trời. Bên trong khu rừng là “Khu vực Loại trừ Chernobyl” bị ô nhiễm phóng xạ, được thành lập vào năm 1986 sau khi thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới phát tán một làn sóng phóng xạ đe dọa chết người lan khắp châu Âu.
Kể từ năm 2011, khu vực trở thành điểm thu hút đặc biệt đối với những du khách thích phiêu lưu mạo hiểm, nhưng ít ai biết rằng những khu rừng ở đây còn che giấu một di sản khác của giai đoạn Chiến tranh Lạnh có tiếng là bí ẩn hơn nhiều.
Đó là mạng lưới khổng lồ radar Duga. Mặc dù từng là một khu vực bí mật được canh gác chặt chẽ, cấu trúc khổng lồ này có thể được nhìn thấy từ hàng kilômet xung quanh, nổi bật xuyên qua màn sương mù trên đường chân trời - một cảnh tượng có thể gọi là siêu thực.
Duga còn được gọi là “Chim gõ kiến Nga”.
Từ xa, mạng lưới radar Duga trông giống như một bức tường khổng lồ. Khi quan sát gần hơn, người ta dễ dàng nhận ra đó là một cấu trúc đổ nát, to lớn ngoài sức tưởng tượng được tạo thành từ hàng trăm ăngten và tuabin khổng lồ.
Mạng lưới radar Duga từng là một trong những cơ sở quân sự mạnh nhất của Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Duga cao đến 150m và kéo dài gần 700m. Nhưng, sau khi trở nên mục nát trong những cơn gió phóng xạ của thảm họa Chernobyl, giờ đây nó đang ở trong tình trạng suy tàn.
Và, bất cứ ai muốn khám phá cảnh quan bên dưới chân Duga sẽ vấp phải những chiếc ôtô bị bỏ quên, thùng thép, thiết bị điện tử bị hỏng và rác kim loại - phần còn lại của cuộc di tản vội vã ngay sau thảm họa hạt nhân. Trong suốt nhiều thập niên, Duga đã đứng lặng lẽ giữa trời đất và cây cỏ mà không ai chứng kiến sự tàn lụi chậm chạp của nó.
Kể từ năm 2013, du khách khám phá “Khu vực loại trừ Chernobyl” bắt đầu được phép tiếp cận tham quan hệ thống radar Duga như một phần trong chuyến du lịch được hướng dẫn. Ngay đến những du khách được mô tả trước về sự hiện diện của Duga vẫn bị choáng ngợp trước quy mô kỳ vĩ tuyệt vời của mạng lưới radar!
Yaroslav Yemelianenko, Giám đốc Chernobyl Tour chuyên thực hiện các chuyến đi đến Duga, cho biết:
“Du khách bị choáng ngợp trước kích thước khổng lồ của cơ sở quân sự một thời cũng như vẻ đẹp công nghệ thẩm mỹ cao của nó. Không ai nghĩ rằng rằng Duga có thể to lớn khủng khiếp đến như vậy. Họ cảm thấy rất tiếc vì Duga đã bị hủy hoại theo thời gian và đang bị đe dọa biến mất hoàn toàn”.
Ngay cả nhiều thập niên sau khi Liên Xô sụp đổ, câu chuyện đằng sau Duga vẫn đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời và vấn đề lớn nhất là mục đích thực sự của nó không được hiểu đầy đủ.
Dự án xây dựng Duga bắt đầu vào năm 1972 khi các nhà khoa học Liên Xô – những người luôn tìm mọi cách giảm thiểu tối đa mọi mối đe dọa tên lửa tầm xa từ Mỹ - nảy ra ý tưởng chế tạo một hệ thống khổng lồ gọi là “Radar tầm soát vượt đường chân trời” (hay OTH), nói cách khác là một loại hệ thống radar với khả năng phát hiện các mục tiêu ở các phạm vi rất dài – cụ thể là hàng trăm đến hàng ngàn kilômet, vượt ra khỏi đường chân trời của radar, là giới hạn khoảng cách cho radar thông thường.
Yemelianenko nói thêm rằng hầu hết du khách đến từ nước Mỹ xa xôi.
Hệ thống khổng lồ của các nhà khoa học Liên Xô sẽ phát tín hiệu ra khỏi tầng điện ly để quan sát ngang qua độ cong của trái đất.
Bất chấp quy mô khổng lồ của dự án, sự thiếu hiểu biết đầy đủ về cách thức tầng điện ly hoạt động của các nhà khoa học Liên Xô vào thời điểm đó đã vô tình khiến cho dự án thất bại trước khi hệ thống được xây dựng. Một số thông tin chúng ta biết ngày nay về Duga - còn được gọi là Chernobyl-2 - đến từ Volodymyr Musiyets, một cựu chỉ huy của tổ hợp radar.
Musiyets nói với tờ Fakty của Ukraine: “Công trình quân sự kỳ vĩ Chernobyl-2, như một phần của hệ thống phòng thủ chống tên lửa và các mối đe dọa từ không gian của quân đội Liên Xô, được tạo ra với mục đích duy nhất là phát hiện sớm nhất có thể cuộc tấn công hạt nhân vào Liên Xô vào 2 hay 3 phút đầu tiên sau khi tên lửa đạn đạo được phóng đi”.
Mạng lưới radar Duga thực ra chỉ là một hệ thống thu tín hiệu còn trung tâm truyền phát được xây dựng cách đó khoảng 60km trong một thị trấn tên là Lubech-1, hiện cũng bị bỏ hoang. Những cơ sở tuyệt mật này được bảo vệ bằng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất.
Để gây nhầm lẫn cho “kẻ thù”, giới lãnh đạo quân sự cấp cao Liên Xô thường thiết kế các cơ sở bí mật như thế với những con số hoặc danh tính giả. Ví dụ như trên bản đồ Liên Xô, mạng lưới radar Duga được đánh dấu là “Trại hè trẻ em”. Thậm chí còn có một trạm xe buýt kỳ quái trên đường đến một cơ sở được trang trí với một linh vật gấu từ Thế vận hội Mùa hè 1980 ở Moscow.
Suy đoán về “Chim gõ kiến Nga” kiểm soát tâm trí
Người ta kể rằng Phil Donahue - một trong những nhà báo đầu tiên của Mỹ được cấp phép tham quan khu vực Chernobyl sau thảm họa – đặt câu hỏi với người hướng dẫn chính thức của ông về cảnh tượng siêu thực của Duga ở đường chân trời và được cho biết… đây chỉ là một khách sạn còn đang xây dang dở.
Khi nó đang hoạt động, theo Musiyets, Duga được cho là đã sử dụng sóng vô tuyến ngắn có khả năng phát xa hàng ngàn kilômet bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là “vượt đường chân trời” để phát hiện những ngọn lửa phóng ra từ tên lửa.
Năm 1976, thế giới lần đầu tiên nghe thấy loạt âm thanh lặp đi lặp lại một cách kỳ lạ giống như của chim gõ kiến đến từ các máy phát sóng. Từ đó, Duga được gọi là “Chim gõ kiến Nga” bởi vì các xung được truyền đi theo tần số 1/10 giây, dẫn đến các máy thu radio phát ra những tiếng gõ đều đều như loài chim gõ kiến mổ vào cây.
Nguồn năng lượng của “Chim gõ kiến Nga” sao chép đầy đủ nhịp hoạt động của bộ não con người, vì vậy người ta cho rằng nếu phát các sóng điện từ này sang Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý người dân.
Nhiều công nghệ của radar Duga được đưa về Nga.
Các thuyết âm mưu ngay lập tức dẫn dắt các phương tiện truyền thông phương Tây loan tin về hệ thống “kiểm soát tâm trí” hay thời tiết của Liên Xô.
Dĩ nhiên trong bối cảnh lo ngại chiến tranh hạt nhân ngày càng tăng trên thế giới, một số người cho rằng “tín hiệu Nga” tần số thấp có thể làm thay đổi hành vi con người và phá hủy các tế bào não. Những suy đoán có tính hoang đường như thế luôn thúc đẩy Liên Xô lên tiếng phủ nhận về chính sự tồn tại của radar Duga.
Mặc dù rất khó có khả năng Duga được sử dụng làm vũ khí kiểm soát tâm trí nhắm vào người Mỹ, nhưng mục đích thực sự của nó và các chi tiết quan trọng về chức năng của nó vẫm nằm im trong bí ẩn. Liệu rằng có mối liên hệ đặc biệt nào với Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gần đó hay không?
Người ta cũng suy đoán rằng Chernobyl được xây dựng trong khu vực cụ thể để cung cấp năng lượng cho mạng lưới radar khổng lồ. Những người ủng hộ ý tưởng này chỉ ra rằng radar Duga tiêu tốn của Liên Xô gấp đôi so với nhà máy điện, bất chấp khả năng quân sự đáng ngờ của nó.
“Chim gõ kiến Nga” - bộ phim tài liệu năm 2015 của đạo diễn Chad Gracia được trao giải tại Liên hoan Phim Sundance tại Mỹ - đi sâu vào lý thuyết này sau cuộc điều tra của nghệ sĩ người Ukraine Fedor Alexandrovich về nguyên nhân của thảm họa Chernobyl, với radar Duga đóng vai trò cốt lõi.
Sự kết thúc của mạng lưới bí mật
Vụ nổ tại Chernobyl vào ngày 26-4-1986 là khởi đầu cho sự kết thúc của mạng lưới radar Duga. Khu phức hợp bị đóng cửa do ô nhiễm phóng xạ và toàn bộ nhân viên của cơ sở quân sự cũng được lệnh sơ tán. Và, sự im lặng đáng sợ trong khu vực chỉ bị phá vỡ bởi âm thanh của các thiết bị đếm Geiger dò tìm và đo cường độ bức xạ.
Do tình trạng tuyệt mật của Duga, tất cả các tài liệu về hoạt động của nó đều bị phá hủy hoặc được lưu trữ kín đáo ở Moscow - một tình trạng vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.
Một số thành phần quan trọng của Duga bị cướp mất hay được vận chuyển đến Moscow. Trong sự hỗn loạn xảy ra sau sự sụp đổ của Liên Xô, mạng lưới radar vẫn nằm im giữa “Khu vực Loại trừ Chernobyl” và bị cách ly khỏi công chúng trong hơn 2 thập niên.
Thảm họa Chernobyl đã tác động đến cuộc sống của hàng ngàn người dân, bao phủ toàn bộ lục địa trong bức xạ dẫn đến cái chết và sự đổ nát. Niềm đam mê tò mò kéo dài về thảm họa hạt nhân và Chiến tranh Lạnh có nghĩa là không thiếu những người muốn khám phá những di tích bị bỏ hoang như thế.
Yaroslav, Giám đốc Chernobyl Tour, nói: “Nhiều người đã nghe về Duga. Chủ yếu là họ thích radar bởi vì câu chuyện cuộc sống cá nhân của họ có thể liên quan đến lịch sử của Chiến tranh Lạnh. Một số người đã tham gia vào các sự kiện...
Họ muốn chiêm ngưỡng Duga bằng chính đôi mắt của mình”. Yemelianenko nói thêm rằng hầu hết du khách - trong độ tuổi từ 30 đến 60 - đến từ nước Mỹ xa xôi.
Yemelianenko nằm trong nhóm các chuyên gia du lịch Ukraine nỗ lực làm việc để “Khu vực Loại trừ” được ghi vào danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Yemelianenko cho biết thêm nhiều du khách đến “Khu vực Loại trừ” nghĩ rằng cơ hội tham quan Duga là điểm nhấn trong chuyến đi của họ. Trong khi âm thanh chim gõ kiến kỳ bí đã rời khỏi sóng radio nhưng Duga vẫn tiếp tục truyền phát đi sự hiện diện kỳ lạ của nó qua cảnh quan bị bỏ hoang.