Viktor Litovkin, đại tá quân đội Nga đã nghỉ hưu và nhà phân tích quân sự, nhận định với Sputnik rằng hệ thống phòng không Gepard do Đức sản xuất cung cấp cho Ukraine không có khả năng chống lại máy bay không người lái cảm tử Lancet của Nga.
Đức vừa chuyển giao thêm 3 hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine như một phần trong gói viện trợ quân sự cho chính quyền Kiev.
Đức đã cung cấp cho Ukraine hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard. Ảnh: AFP
Ông Litovkin cho biết, mặc dù Lực lượng Vũ trang Ukraine đã có tổng cộng 34 hệ thống pháo Gepard, nhưng loại vũ khí này khó có thể thay đổi diễn biến trên chiến trường ở Ukraine.
“Hệ thống phòng không này được trang bị 2 pháo nòng 35mm, có tầm bắn 4,8km. Điều này nghĩa là khả năng nhắm mục tiêu vào máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của Gepard không cao lắm”, ông Litovkin giải thích.
Chuyên gia Litovkin lưu ý, hệ thống này “chắc chắn sẽ không tạo ra bước đột phá” trong việc thay đổi tiến trình hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
“Tôi không biết quân đội Ukraine sẽ đạt được lợi thế gì với sự hỗ trợ của Gepard. Nhìn chung, để bảo vệ quân đội trong cuộc tấn công, cần có một tổ hợp nhiều hệ thống phòng không và trạm radar khác nhau hoạt động ở phạm vi lên tới 150km”, ông Litovkin cho hay.
Gepard được thiết kế để sử dụng chống lại máy bay tầm thấp, trực thăng và các mối đe dọa trên không khác. Các khẩu pháo 35mm của Gepard cũng có thể được sử dụng để phá hủy các mục tiêu trên mặt đất. Nhà sản xuất Gepard – hãng quốc phòng Krauss Maffei-Wegmann, giới thiệu hệ thống phòng không này có hiệu quả không chỉ trước máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, tên lửa mà còn cả UAV.
Bình luận về điểm yếu của hệ thống Gepard trước các máy bay không người lái, ông Litovkin cho rằng hệ thống phòng không do Đức sản xuất có thể sẽ không đạt hiệu quả tối đa trước các máy bay không người lái cảm tử của Nga, chẳng hạn như Lancet.