Về mặt cảm xúc mà nói, não bộ của bạn rất thích đồ ăn nhanh. Bất kể khi nào bạn nhìn thấy một miếng bánh burger, gà rán hay một cốc nước ngọt, nó bắt đầu tiết ra ghrelin, một loại hooc-môn khiến bạn thèm ăn một cách kinh khủng.
Sau khi được thỏa mãn bởi bữa ăn đầy đường và calo rác đó, một hooc-môn khác là dopamin sẽ lại ngập tràn não bộ, đem lại cho bạn cảm giác thỏa mãn và khoan khoái. Nhưng dopamin cũng có thể đưa bạn vào chứng nghiện, khiến bạn ngày càng thích đồ ăn nhanh và ăn chúng nhiều hơn.
Thật đáng tiếc, cơ thể và hệ miễn dịch của bạn không ưa gì những loại thực phẩm chế biến sẵn. Một nghiên cứu trên tạp chí Cell cho biết hệ miễn dịch của chúng ta coi thức ăn nhanh là một "kẻ thù" giống như các mầm bệnh vi khuẩn và virus.
Thức ăn nhanh làm tăng tế bào miễn dịch trong máu chuột, giống với phản ứng viêm của chúng với mầm bệnh
Khi các nhà khoa học thử cho những con chuột ăn theo chế độ ăn Phương Tây (nhiều chất béo bão hòa, đường và muối, hạn chế trái cây tươi, rau và chất xơ), một tháng sau, họ quay lại xét nghiệm máu cho chúng thì thấy số lượng tế bào miễn dịch tăng lên một cách đáng kể, giống với cách cơ thể chuột phản ứng với virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.
Đáng báo động hơn là trạng thái tăng miễn dịch này có thể tồn tại lâu dài, dựa trên các nghiên cứu cho thấy các tế bào bạch cầu của chúng ta có thể nhớ những mầm bệnh và tác nhân gây hại mà nó gặp phải trong cơ thể.
Anette Christ, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Bonn ở Đức cho biết: "Chế độ ăn uống không lành mạnh đã dẫn đến sự gia tăng bất ngờ số lượng tế bào miễn dịch trong máu của chuột, đặc biệt là bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân".
Các tế bào bạch cầu đó hướng các nhà khoa học đến một số gen nhất định được kích hoạt bởi chế độ ăn. Đó là gen chứa các tế bào tiền thân - loại tế bào chịu trách nhiệm nuôi dưỡng một đội quân tế bào miễn dịch trong cơ thể chúng ta.
Cơ chế di truyền này được cho là rất quan trọng, bởi vì những tế bào tiền thân này trước đây đã được phát hiện là có một loại trí nhớ giúp cơ thể đối phó với cuộc tấn công sinh học.
Nói cách khác, một khi cơ thể đã bắt đầu tăng miễn dịch để phản ứng với thức ăn nhanh, việc bạn kiêng chúng để quay trở lại chế độ ăn uống lành mạnh có thể sẽ không đủ để hoàn trả những thay đổi đã xảy ra với hệ miễn dịch trước đó. Và điều này có một số tác động không tốt đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Hiệu ứng này không thể đảo ngược
Thật vậy, sau khi kết thúc thí nghiệm trong vòng 1 tháng, các nhà khoa học đã cho lũ chuột của mình ăn uống lành mạnh trở lại với ngũ cốc và nhiều chất xơ, vitamin hơn. Kết quả cho thấy chứng viêm trong cơ thể chúng đã biến mất, nhưng hậu quả của việc tái lập trình di truyền khiến những con chuột này nhạy cảm hơn với một số mầm bệnh nhất định.
Bình thường chỉ có một căn bệnh truyền nhiễm mới tạo ra được phản ứng như vậy, nhưng bất ngờ là một chế độ ăn kém lành mạnh bây giờ cũng có thể tạo ra những dấu ấn miễn dịch này. Nó có nghĩa là những người từng ăn nhiều thức ăn nhanh, bất kể họ đã kiêng chúng sẽ dễ bị phát chứng viêm - và các vấn đề liên quan đến nó, như bệnh tiểu đường type II - trong tương lai.
Các nhà khoa học cho biết sắp tới, họ sẽ mở rộng thử nghiệm này lên con người, để xem hiệu ứng miễn dịch có được kích hoạt và ghi nhớ sau khi các tình nguyện viên ăn đồ ăn nhanh trong thời gian dài hay không.
Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là bằng chứng cho mối liên hệ giữa chế độ ăn uống không lành mạnh và các vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường type II, béo phì và các vấn đề về tim mạch.
Ngoài ra, dựa trên kết quả xét nghiệm máu của 120 con chuột, các nhà khoa học xác định được một phân tử giống như một chiếc "cảm biến thức ăn nhanh" bên trong các tế bào miễn dịch của chúng. Nó là một hệ thống tín hiệu gây viêm được gọi là NLRP3 và chúng ta hiện chưa biết nó hoạt động như thế nào.
Mọi người đều cần học về dinh dưỡng, đặc biệt là trẻ em
Với những kết quả tạm thời này, nghiên cứu tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo chúng ta về thói quen tiêu thụ thức ăn nhanh và đồ ăn chế biến sẵn hiện nay. Trước khi đại dịch COVID-19 tấn công, thế giới đã phải đối mặt với một đại dịch thừa cân và béo phì, gây ra các căn bệnh chuyển hóa như tiểu đường, bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ…
Bây giờ, chính các bệnh nhân này lại đang là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi COVID-19. Các nhà khoa học cho biết thế giới cần phải được cảnh tỉnh kịp thời trước khi thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến gây ra những hệ lụy khôn lường cho thế hệ tương lai.
"Những gì mà chúng tôi đã phát hiện được từ nghiên cứu này có tính chất cấp thiết đối với xã hội. Nó cho thấy chúng ta cần một nền tảng giáo dục tốt hơn về chế độ ăn uống lành mạnh so với hiện tại", Latz cho biết.
Ông đặc biệt lưu ý đến trẻ em, những đối tượng rất dễ bị thu hút và hấp dẫn bởi đồ ăn nhanh, dựa trên các chiến dịch quảng cáo nhắm mục tiêu của các nhà hàng và nhà sản xuất thực phẩm chế biến.
"Trẻ em có quyền lựa chọn những gì chúng ăn hàng ngày", Latz nói. "Nhưng người lớn chúng ta có trách nhiệm giáo dục chúng về chế độ ăn uống lành mạnh, giúp trẻ có thể tự đưa ra các quyết định có ý thức về thói quen ăn uống của mình".