Theo New York Times, trong khi tất cả sự chú ý dồn vào chương trình phát triển một loại vũ khí hạt nhân có thể vươn tới Mỹ của Triều Tiên, nước này lại đang âm thầm phát triển loại vũ khí với khả năng đánh cắp hàng trăm triệu USD và gây ra sự phá hoại trên toàn cầu là tấn công mạng.
Tờ báo Mỹ cho rằng, khác với các thử nghiệm vũ khí phải đối mặt với biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế, những vụ tấn công mạng của Triều Tiên gần như không phải nhận lại sự trừng phạt dù có những vụ tấn công nhằm vào các đối thủ ở phương Tây.
Theo New York Times, tin tặc Triều Tiên từng cố gắng lấy cắp 1 tỉ USD từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và chỉ thất bại vì một lỗi chính tả. Họ cũng từng đột nhập thành công vào tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh và rút lui êm thấm với 81 triệu USD dù khiến ngân hàng nghi ngờ vì lệnh rút tiền đánh máy sai.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khảo sát một nhà máy ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: KCNA)
Vụ tấn công vào tháng 5/2017 là phi vụ tấn công mạng lớn nhất Triểu Tiên từng thực hiện, khiến hàng trăm nghìn máy tính ở hàng chục quốc gia bị ảnh hưởng và làm hư hại đến cả hệ thống dịch vụ y tế của Anh.
Một phi vụ nổi tiếng khác của tin tặc Triều Tiên diễn ra năm 2014 nhắm đến Sony Pictures Entertainment nhằm ngăn chặn việc phát hành bộ phim đề cập đến lãnh đạo Kim Jong-un.
Các quan chức Mỹ và Anh lần theo dấu vết của những vụ tấn công và cho biết đội quân hơn 6.000 tin tặc của Triều Tiên có một sự vững chắc không thể phủ nhận và đang ngày càng cải thiện.
Theo tờ báo này, các nhà phân tích phương Tây từng xem nhẹ chương trình hạt nhân của Triều Tiên và khả năng tấn công mạng của nước này, nhưng giờ họ đã phải thừa nhận tấn công mạng là một vũ khí gần như hoàn hảo cho Bình Nhưỡng khi bị cô lập.
Các tin tặc Triều Tiên thường hành động ở nước ngoài và cơ sở hạ tầng mạng của Triều Tiên cũng không đủ hiện đại để bị ảnh hưởng nếu có tấn công đáp trả. Các biện pháp trừng phạt trong trường hợp này cũng hoàn toàn không có tác dụng.
Chris Inglis, cựu phó Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ cho biết, chương trình tấn công mạng có chi phí ban đầu thấp, tính chất ẩn danh và khả năng tấn công nhiều cơ sở hạ tầng nhà nước cũng như tư nhân, hơn nữa còn là một nguồn thu.
"Có thể nói Triều Tiên có một trong những chương trình tin tặc thành công nhất hành tinh, không phải bởi vì kĩ thuật tinh vi gì, mà chương trình đó giúp họ đạt được tất cả các mục đích với chi phí cực kì thấp", Inglis nói.
Tháng 10/2017, một quan chức Hàn Quốc tiết lộ Triều Tiên đột nhập thành công vào mạng lưới quân đội và lấy trộm kế hoạch tác chiến bao gồm cả kế hoạch tấn công lãnh đạo Triều Tiên nếu chiến tranh nổ ra.
Cũng có những bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng cài các thiết bị kĩ thuật số vào những cơ sở hạ tầng trọng yếu của Hàn Quốc để khi kích hoạt sẽ làm tê liệt hệ thống điện cũng như khả năng chỉ huy.