Và rõ ràng đây là một thách thức trong xã hội nhiều thập niên thi hành chính sách một con và thanh niên hiện đại thì không mấy hào hứng gia nhập quân đội.
Real Clear Defense dẫn lại một bài báo của tờ tạp chí tiếng Anh ở Trung Quốc là Sixth Tone nói có 17 quân nhân thuộc quân đội Trung Quốc (PLA) bị đưa lên “danh sách đen” trên một hệ thống ở Trung Quốc gọi là “tín nhiệm xã hội” ở thành phố Cát Lâm. Họ bị hạn chế đi lại bằng máy bay, tàu hỏa hoặc nhận việc làm từ các ngành dịch vụ công.
Tên và địa chỉ của họ được đưa lên báo chí và trên tài khoản mạng xã hội WeChat của văn phòng Ban Quân lực thành phố Cát Lâm. Những người này được cho là “thiếu ý chí điều chỉnh bản thân để phù hợp với cuộc sống quân ngũ”. Theo bài báo, họ bị cấm vay vốn ngân hàng và các phúc lợi bảo hiểm, cấm đi học tại các cơ sở giáo dục trong hai năm.
Ở các tỉnh thành khác của Trung Quốc cũng có những trường hợp tương tự. Ví dụ, hai người đàn ông ở tỉnh Phúc Kiến bị phạt bằng hình thức ghi vào lý lịch dòng chữ “từ chối nghĩa vụ quân sự”, và chắc chắn chịu hậu quả.
Gần đây nhất, tháng 3/2019, thành phố Uy Hải ở tỉnh Sơn Đông công bố “kế hoạch thi hành đánh giá điểm tín nhiệm cá nhân trong lĩnh vực huy động quốc phòng”, chỉ ra chuyện bảng đánh giá tín nhiệm cá nhân có thể được sử dụng như “cây gậy và củ cà rốt” trong việc huy động thanh niên vào quân ngũ.
Một loạt hình phạt được liệt kê ra để áp dụng đối với “những kẻ chống đối” việc nhập ngũ, phục vụ quân đội Trung Quốc.
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc và một số văn bản của chính phủ nói rằng “Bảo vệ đất nước Trung Quốc là trách nhiệm của mọi người dân Trung Quốc”, do vậy các hình phạt vì thiếu trung thành với quân đội Trung Quốc không chỉ hướng đến binh lính mà còn nhắm cả đến thường dân.
Các bản ghi nhận tín nhiệm xã hội cá nhân, vừa có tính tự nguyện, vừa mang tính bắt buộc, cũng có thể là một công cụ tuyển mộ khi quân đội Trung Quốc nay phải cạnh tranh với khu vực tư nhân trong việc tìm kiếm các ứng viên có kỹ năng chuyên môn cao, điều mà một đội quân hiện đại cần tới.
Và rõ ràng đây là một thách thức trong xã hội nhiều thập niên thi hành chính sách một con và thanh niên hiện đại thì không mấy hào hứng gia nhập quân đội.
Trong các chủ trương cải cách của chủ tịch Tập Cận Bình, cải tổ quân đội Trung Quốc là một mục tiêu quan trọng. Nhưng PLA ngoài việc phải giải quyết các thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội, còn phải xử lý các lực cản đối với chương trình hiện đại hóa PLA.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã rất nhiều lần nhấn mạnh sự trung thành của quân đội, quân nhân đối với đất nước và đảng cầm quyền.