Ngày 31/8 của 22 năm về trước, Công nương Diana gặp nạn khi đang ngồi trên xe qua đường hầm Pont de l'Alma, gần sông Seine.
Phát biểu trong lễ tưởng niệm ngày mất của bà, người nhân viên cứu hộ năm xưa đã tiết lộ những lời cuối cùng đau xé tâm can của vị Công nương Anh Quốc.
Ông bần thần nhớ lại ngày ấy: “Có một cô gái tóc vàng ngồi bệt trên đường. Sau khi định thần lại, cô ấy nhìn tôi và thì thào 'Ôi chúa ơi, chuyện gì xảy ra thế này?'.
Chúng tôi lập tức đưa cô gái ra khỏi xe và đặt lên cáng cứu thương. Đột nhiên, tim của cô ấy ngừng đập nên bác sĩ phải áp dụng phương pháp hồi sức tim phổi trong 20 giây để giúp cô tỉnh lại”.
Khi được hỏi có trông thấy tay săn ảnh nào lảng vảng gần hiện trường tai nạn hay không, Xavier cho biết ông không hề thấy ai cả.
Ông hết sức đau buồn khi hay tin Công nương không qua khỏi, bởi khi đưa bà lên xe cấp cứu, ông vẫn đinh ninh cô gái này có cơ hội sống sót.
Với kinh nghiệm của một nhân viên cứu hộ, Xavier nghĩ rằng đó là một tai nạn thông thường.
Tuy nhiên, nạn nhân trong sự kiện kinh hoàng này lại là một nhân vật tầm cỡ - bông hồng xứ Anh Diana - người phụ nữ danh tiếng vang xa nhất thuở bấy giờ.
Xavier không ngờ Công nương phải bỏ mạng vì vụ tai nạn ở Paris.
Ngày 31/8/1997, dư luận thế giới chấn động trước cái chết thương tâm của Công nương Diana ở tuổi 36. Khi ấy, bà đang di chuyển trong một chiếc ô tô ở Paris thì bị nhà báo săn ảnh bám đuôi và tông phải cột bê tông.
Lúc xảy ra tai nạn, Công nương ngồi ở ghế sau chiếc Mercedes S280 limo cùng với bạn trai Dodi Al-Fayed, tài xế Henri Paul và anh vệ sĩ Trevor Rees-Jones yên vị ở băng ghế trước.
Tuy bị thương rất nặng song Rees-Jones, hiện đã đổi tên thành Trevor Rees, là người duy nhất sống sót sau thảm kịch kinh hoàng. Công nương và những người còn lại đều đã thiệt mạng dù được nhân viên y tế nỗ lực cứu chữa.
Rees cho biết ông không thể nhớ được chi tiết gì liên quan đến vụ tai nạn. Được biết, chiếc xe đã đâm vào cây cột bê tông thứ 13 trong đường hầm Pont d’Alma khi đang cố né tránh ống kính của phóng viên.
Công nương Diana đang ngồi băng ghế sau cùng bạn trai trước khi xảy ra thảm kịch.
Lễ tưởng niệm Công nương Diana được tổ chức theo nghi lễ Hoàng gia với sự có mặt của Hoàng tử Harry và William.
Vào ngày mẹ mất, hai người vẫn hay gặp gỡ tại Cung điện Kensington và dành thời gian ôn lại những kỷ niệm đẹp của gia đình năm xưa.
Họ nhớ về người mẹ quá cố và những đạo lý mà bà đã dạy, thấm thía sự quan trọng của mẹ trong đời và tình yêu bao la mà bà đã dành cho hai anh em.
Suốt thời gian ở Cung điện Kensington, hai Hoàng tử thường hay nói về chuyện vui thuở ấu thơ còn mẹ, những chuyến đi trượt tuyết và vui chơi ở Công viên Thorpe, điều bất ngờ mà Công nương dày công chuẩn bị cho sinh nhật con trai, cùng nhiều kỷ niệm quý giá khác.
Gia đình nhỏ của hai người cũng sẽ tham gia lễ tưởng nhớ Công nương.
Phát biểu trong buổi lễ, Arthur Edwards, nhiếp ảnh gia được Công nương Diana "chọn mặt gửi vàng", hồi tưởng cảm giác xót xa khi thấy linh cữu của bà xuất hiện trước mắt.
Xung quanh ông, đám đông tập trung bên ngoài nhà thờ Westminster Abbey đều bật khóc nức nở.
Ông chia sẻ: "Khi đứng trông ngoài bệnh viện và thấy di thể của Công nương được nâng ra, tôi gần như quỵ ngã vì đau đớn.
Mọi thứ kết thúc thật rồi. Ngày đưa tiễn Công nương, trong lúc linh cữu của người đi qua Tu viện Westminster, tôi chỉ nghe được gót giày của các cận vệ giẫm trên nền đất lạnh và tiếng nấc nghẹn ngào của những người xung quanh".
Công nương Diana năm 1997.
Lễ tưởng niệm năm nay có ý nghĩa hết sức đặc biệt với Hoàng tử Harry, người vừa chào đón con trai đầu lòng Archie đến với thế giới này.
Gia đình nhỏ của Harry sẽ cùng nhau thăm thú Nam Phi trong chuyến du lịch hoàng gia vào tháng 10 tới.
Nhiều người tin rằng Hoàng tử Harry sẽ bước tiếp con đường hoạt động từ thiện năng nổ của mẹ khi quyết định đến với châu Phi.
Anh sẽ đến thăm Botswana, Angola và Malawi, trong khi Meghan và Archie sẽ ở lại Nam Phi cùng bảo mẫu.
Hoàng tử Harry luôn cố gắng nắm bắt tư duy và con đường làm từ thiện của mẹ để kế tục sự nghiệp giúp đời của bà.
Nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh và san sẻ tình thương cho nhiều số phận kém may mắn chính là lý tưởng luôn rực cháy trong họ.
Năm 1997, Công nương Diana từng đến Angola để vận động cho Hiệp ước quốc tế cấm sử dụng bom mìn.
Với sự hỗ trợ từ các chuyên gia, bà đã tự tay kích nổ một bãi mìn đang hoạt động trước ánh mắt thán phục của phóng viên quốc tế.