Hé lộ loạt oanh tạc cơ Trung Quốc tham gia tập trận ở Biển Đông

Minh Thu |

Quân đội Trung Quốc huy động 10 máy bay ném bom tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông sau dịp Tết Nguyên đán.

Phi công của Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông. (Ảnh: CCTV)

Phi công của Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông. (Ảnh: CCTV)

Ít nhất 10 oanh tạc cơ được Trung Quốc điều động tham gia cuộc tập trận ở Biển Đông, sau khi hải quân Mỹ phái dàn chiến hạm thực thi quyền tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.

Theo các chuyên gia quân sự, cuộc tập trận với sự tham gia của oanh tạc cơ H6-J, máy bay ném bom hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc, là nhằm phô trương sức mạnh của quân đội Trung Quốc trước việc hải quân Mỹ tăng cường hoạt động ở Biển Đông.

Động thái của Trung Quốc diễn ra sau khi hải quân Mỹ điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay là USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tiến hành tập trận ở Biển Đông vào ngày 9/2.

Đây là lần đầu tiên trong năm nay, Mỹ cùng lúc triển khai 2 nhóm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông diễn tập kể từ sự kiện diễn ra vào tháng 7/2020.

Đáng nói, chỉ sau một ngày đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho công bố chi tiết về cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc, khu trục hạm USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan vào ngày 24/2.

Trước đó, hôm 23/2, CCTV đưa tin hơn 10 máy bay ném bom bao gồm 2 loại xuất phát từ Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc lên đường tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông sau khi Tết Nguyên đán kết thúc vào ngày 17/2.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu xác nhận, dàn oanh tạc cơ Trung Quốc tham gia cuộc tập trận có H-6J với khả năng mang theo 6 tên lửa hành trình chống hạm và phiên bản cũ hơn là H-6G trang bị 4 tên lửa.

Cũng theo CCTV, cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc thể hiện khả năng tấn công từ xa, cũng như khả năng phối hợp hành động giữa những phi công dày dặn kinh nghiệm và tân binh.

Ông Yue Gang, đại tá nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc, cho rằng cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông là hành động đáp trả trước việc Mỹ tăng cường hoạt động trên vùng biển nhất là sau khi bộ đôi tàu sân bay Mỹ xuất hiện cùng lúc.

“Đây là cách quân đội Trung Quốc thể hiện khả năng bám sát mọi hoạt động của Mỹ, cùng khả năng kiểm soát tình hình”, ông Yue cho biết.

Thậm chí, theo ông Yue, quân đội Trung Quốc có thể triển khai các nguồn lực khác như lực lượng tên lửa để tăng cường năng lực đối phó với Mỹ nếu cần thiết.

Trong khi đó, hôm 24/2, theo thông báo từ Hạm đội 7, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke là USS Curtis Wilbur của hải quân Mỹ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện “cam kết của Mỹ về việc duy trì khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.

“Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, Hạm đội 7 nhấn mạnh.

Sau đó, phát ngôn viên Chiến khu Đông Bộ của quân đội Trung Quốc là Zhang Chunhui cho hay, các lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đã lên đường theo dõi và bám sát khu trục hạm USS Curtis Wilbur.

Ông Zhang còn cáo buộc hoạt động đi qua eo biển Đài Loan của tàu USS Curtis Wilbur nhằm “cố tình” tạo ra thêm mối đe dọa ở eo biển Đài Loan, cũng như ảnh hưởng tới nền hòa bình và ổn định của khu vực.

Nhà bình luận quân sự ở Hong Kong là ông Song Zhongping cho rằng, cuộc tập trận với sự xuất hiện của dàn oanh tạc cơ tối tân của quân đội Trung Quốc là nhằm phát đi tín hiệu răn đe ở Biển Đông và với Đài Loan.

Cũng theo ông Song, mục tiêu quan trọng trong cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc là khả năng phối hợp hành động giữa các oanh tạc cơ thế hệ mới và cũ để nâng cao năng lực chiến đấu.

“Cuộc huấn luyện không chỉ tập trung vào dàn máy bay ném bom thế hệ mới, mà còn nhằm cải thiện năng lực của các oanh tạc cơ thế hệ cũ hơn.

Hai loại oanh tạc cơ có thể hình thành một lực lượng chung. Trung Quốc không thể chỉ dựa vào các máy bay ném bom thế hệ mới nếu không may xảy ra giao tranh bởi số lượng còn ít”, ông Song nói.

Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”.

Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm.

Ngoài ra, quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc nhiều lần lên tiếng cáo buộc sự xuất hiện của các tàu chiến Mỹ trên Biển Đông là vi phạm chủ quyền mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố trên vùng biển chiến lược. Bắc Kinh còn chỉ trích hành động của Washington cố tình khơi mào căng thẳng trong khu vực.

Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác cũng đang tham gia sứ mệnh trên Biển Đông. Cụ thể, hồi tuần trước, tàu tấn công đổ bộ của Pháp là Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf đã 2 lần đi qua Biển Đông. Đức và Anh cũng cho biết sẽ điều động tàu thuyền hải quân tới làm nhiệm vụ ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại