Hé lộ 'hố sâu' mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump và Lầu Năm góc: Tương lai nào chờ đợi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ?

Minh Đức |

Hãng tin AP đăng tải, người đứng đầu Lầu Năm góc mới đây đã gạt bỏ ý kiến của Tổng thống Donald Trump sử dụng quân đội để dẹp yên biểu tình trên toàn nước Mỹ.

Cả Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Mark Esper và tổng thống Mỹ đều bất ngờ trở thành mục tiêu công kích của bộ trường quốc phòng đầu tiên trong chính quyền Trump, James Mattis.

Những phát biểu của ông Mattis được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump đe dọa sẽ viện tới sức mạnh quân sự nhằm đối phó với làn sóng biểu tình phản đối sau sự kiện George Floyd – một người đàn ông da đen bị một cảnh sát da trắng ghì cổ tới chết tại bang Minnesota.

Tuy nhiên, tới đầu ngày 3/6, Bộ trưởng Esper đã khiến ông Trump tức giận khi tuyên bố phản đối sử dụng quân đội vào các hoạt động hành pháp. Theo ông Esper, Đạo luật Khởi nghĩa (1807) mà ông Trump muốn sử dụng, chỉ có thể được kích hoạt trong những "tình huống khẩn cấp và khốc liệt nhất" của nước Mỹ. "Và chúng ta hiện đang không ở trong tình hình như vậy", ông Esper nhấn mạnh.

Hé lộ hố sâu mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump và Lầu Năm góc: Tương lai nào chờ đợi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Mark Esper (đeo kính) rời Nhà Trắng để tới Nhà thờ St. John tại Washington D.C. hôm 1/6 (ảnh: getty)

Sau chuyến đi tiếp theo tới Nhà Trắng, Lầu Năm góc bất ngờ đảo ngược một quyết định trước đó và để hàng trăm lính nghĩa vụ rời Washington D.C. về địa phương ban đầu. Đây được coi là một dấu hiệu công khai thể hiện mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Nhà Trắng giữa những chỉ trích rằng, Lầu Năm góc đang bị chính trị hóa trong những phản ứng của chính phủ trước làn sóng biểu tình.

Trong một bài viết trên tờ The Atlantic, cựu Bộ trưởng Mattis chỉ trích hai ông Trump và Esper vì đã sử dụng quân lính tại ngũ cho hành pháp, cũng như dùng lực lượng Vệ binh Quốc gia để giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa lớn gần Nhà Trắng vào tối ngày 1/6.

"Chúng ta cần phải từ chối bất kỳ suy nghĩ rằng, các thành phố của chúng ta là một 'không gian chiến trường' mà quân đội chính quy của chúng ta đang được kêu gọi để 'chiếm ưu thế'", ông Mattis nói, đề cập tới những phát ngôn của hai bộ trưởng Esper và Tổng thống Trump. "Quân sự hóa phản ứng của chúng ta, như những gì chúng ta đã chứng kiến ở Washington D.C., đã tạo ra xung đột – một cuộc xung đột sai lầm – giữa quân đội và xã hội dân sự".

Vài ngày trước, ông Esper đã ra lệnh khoảng 1.300 quân nhân Mỹ có mặt ở các căn cứ quân sự ngay bên ngoài thủ đô Washington D.C. khi Tổng thống Trump cân nhắc liệu có kích hoạt Đạo luật Khởi nghĩa hay không; đồng thời cử binh lính tại ngũ vào trong hẳn thành phố. Tuy nhiên, sau một đêm bạo lực không bùng phát nhờ vào sự triển khai quy mô lớn quân Vệ binh Quốc gia và lực lượng hành pháp có trang bị vũ khí, giới chức quốc phòng Mỹ nói, quân đội sẽ quay trở lại các căn cứ ban đầu của mình.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ran McCarrthy chia sẻ với AP, quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Esper tới Nhà Trắng. Còn Nhà Trắng từ chối xác nhận đó có phải là chỉ thị từ ông Trump hay không.

Hé lộ hố sâu mâu thuẫn giữa Tổng thống Trump và Lầu Năm góc: Tương lai nào chờ đợi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ? - Ảnh 3.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (trái) và Tổng thống Donald Trump (ảnh: getty)

Sự thay đổi khiến đe dọa kích hoạt Đạo luật Khởi nghĩa của ông Trump càng trở nên mơ hồ. Nhà Trắng xác định, ngay cả trước những phát biểu của Bộ trưởng Esper, ông Trump dường như đã muốn rút lại ý định sử dụng đạo luật; tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ vẫn coi những lời nói của ông Esper là chứa đựng "sự yếu ớt".

Còn thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho hay, tổng thống vẫn sẵn sàng triển khai quân đội liên bang bất chấp tuyên bố từ bộ trưởng quốc phòng.

"Nếu cần thiết, ông ấy sẽ làm vậy", bà McEnnany nói. "Nhưng lần này ông ấy dựa vào Vệ binh Quốc gia. Họ mang lại hiệu quả tuyệt vời".

Theo ông Trump, sự xuất hiện quy mô lớn của Vệ binh và các lực lượng hành pháp đã giúp các thành phố yên tĩnh hơn trong những ngày gần đây. Ông cũng tiếp tục chỉ trích những thống đốc từ chối triển khai Vệ binh Quốc gia.

"Anh cần phải có một sức mạnh vượt trội", ông Trump nói trên Fox News. "Chúng ta cần luật pháp và trật tự".

Khi được hỏi về quan hệ hiện tại giữa tổng thống và bộ trưởng quốc phòng, thư ký báo chí McEnany trả lời, "hiện tại, Bộ trưởng Esper vẫn là Bộ trưởng Esper và nếu tổng thống mất đi niềm tin [vào ông Esper], chúng ta đều sẽ biết trong tương lai".

Trong những phát biểu của mình, ông Esper thể hiện sự không hài lòng với cảnh sát Minneapolis, đồng thời gọi cái chết của Floyd là "giết người" và "một tội ác kinh hoàng".

Bản thân người đứng đầu Lầu Năm góc cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ, từ cả những cựu quân nhân vì đã tham gia chụp ảnh vào tối ngày 1/6 cùng Tổng thống Trump và một số người khác trước cửa Nhà thờ St. John (còn được gọi là Nhà thờ của các tổng thống).

"Tôi có thông tin trước về vụ chụp ảnh", ông Esper phân trần đồng thời khẳng định mình cũng không biết rằng cảnh sát đang dùng vũ lực để đàn áp những người biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Lafayette nhằm "mở đường" cho ông Trump và đoàn tùy tùng.

Cựu Bộ trưởng Mattis gọi sự kiện trên là "lạm dụng quyền điều hành". Vị tướng nghỉ hưu từ chức vào tháng 12/2018 sau nhiều tháng mâu thuẫn với tổng thống liên quan tới quyết định của ông Trump đơn phương rút quân Mỹ khỏi Syria.

Mặc dù phản ứng của chính quyền trước các cuộc biểu tình tại Washington nhận được lời ngợi khen của một số người ủng hộ Tổng thống Trump, nhưng một nhóm các đảng viên Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại, các nhân viên hành pháp có nguy cơ vi phạm quyền của những người biểu tình, được quy định trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Về phần mình, ông Trump tuyên bố, "các anh hãy lưu ý là tất cả những địa điểm có vấn đề đều không được điều hành bởi người Cộng hòa mà bởi những người Dân chủ tự do".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại