Tại bang Wyoming (Hoa Kỳ) ở độ sâu dưới lòng đất vài feet (1 feet tương đương 0,305m) có một căn hầm boong-ke. Bên trong boong-ke đó luôn có hai chuyên gia không quân túc trực, và số phận thế giới nằm trong tay hai người này.
“Khi trực chiến, tôi phải chịu trách nhiệm từ 10 đến 15 tên lửa đạn đạo liên lục địa” – nữ quân nhân thuộc căn cứ không quân Hoa Kỳ tại thành phố Cheyenne, bang Wyoming, Đại úy Victoria Fort cho biết khi trả lời phỏng vấn Tờ “Scout Warrior”. Các đầu đạn hạt nhân này có thể biến toàn bộ các thành phố thành tro bụi.
Nhấn nút phóng – nhiệm vụ của nữ quân nhân
Nếu một lúc nào đó Tổng thống Hoa Kỳ ra lệnh tấn công hạt nhân, và nếu Đại úy Victoria Fort đang có mặt trong boong-ke, thì nữ quân nhân này phải nhấn nút phóng tên lửa. Bởi đây là nhiệm vụ của cô.
“Hàng tháng chúng tôi tiến hành các cuộc diễn tập liên quan. Mỗi khi chúng tôi thực hiện tấn công giả định, chúng tôi phải hoàn thành môt lần phóng.
Nếu chúng tôi không phóng đúng thời điểm, có nghĩa là, chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu lựa chọn giữa việc để cho kẻ thù tấn công và mệnh lệnh thực hiện phóng tên lửa, thì tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ đất nước mình” – Đại úy Victoria Fort nói.
Căn hầm boong-ke này, được Victoria Fort gọi là “pháo đài”, là Trung tâm thực hiện chiến lược quân sự, vốn được biết đến như là sự kiềm chế hạt nhân. Vừa qua tại căn cứ không quân Minot ở Bắc Dakota, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có đề cập đến ý nghĩa và sự cần thiết của chiến lược này.
Ông cam kết trong vòng 5 năm tới sẽ chi ngân sách 108 tỷ USD cho việc kiềm chế hạt nhân. “Chiến lược kiềm chế hạt nhân của Hoa Kỳ là cơ sở đảm bảo an ninh của chúng ta và là nhiệm vụ hàng đầu của Bộ quốc phòng”, – ông nói.
24 giờ không được chợp mắt
Những tuyên bố của Bộ trưởng Ashton Carter được đưa ra sau khi Tạp chí “Wall Street Journal” mới đây đăng bài cho rằng, Tổng thống Barack Obama đang xem xét chính sách không sử dụng trước vũ khí hạt nhân.
Chính sách này có thể sẽ đặt ra nghi vấn cho những lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng và cũng có thể sẽ làm thay đổi căn bản về mặt địa chính trị. Theo Tờ “New York Times”, các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc khuyến nghị Tổng thống Mỹ nên từ bỏ những bước đi tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn này.
Họ khẳng định rằng, kho vũ khí hạt nhân là cần thiết để kiềm chế các lực lượng của đối phương hòng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Hoa Kỳ.
Từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay, Lực lượng vũ trang chiến lược Hoa Kỳ được biết đến là “bộ ba hạt nhân”, bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược tầm xa.
Các chuyên gia không quân nói trên kiểm soát các phương tiện lực lượng chiến lược mặt đất từ Trạm điều khiển phóng. Từ vị trí dưới mặt đất này, họ điều khiển các tên lửa đạn đạo liên lục địa LGM-30G Minuteman III (hiện nay đây là lực lượng chiến lược mặt đất duy nhất dùng trong quân đội Mỹ).
Nhiệm vụ kiểm soát 450 phương tiện lực lượng chiến lược mặt đất Minuteman được phân bổ cho ba căn cứ không quân khác nhau, bao gồm căn cứ tại thành phố Cheyenne, Minot và bang Montana. Mỗi căn cứ có 15 bệ phóng. Mỗi trạm kiểm soát phóng đều có bộ phận trực chiến với hai chuyên gia không quân có nhiệm vụ theo dõi các kho hạt nhân bí mật được giao cho họ.
Đương nhiên, các khẩu đội đổi ca luân phiên cho nhau và bên trong boong-ke luôn có người túc trực. Mỗi ca trực kéo dài 24 giờ. “Trong lúc trực chiến, tôi hoàn toàn không được phép chợp mắt”, – Đại úy Victoria Fort nói.
Căn buồng bí mật
Những ngày đến phiên trực của mình, nữ quân nhân 26 tuổi này đi trên chiếc xe riêng Ford Explorer tới căn cứ lúc 7h30 sáng theo chỉ thị. Từ đó cô và đồng nghiệp cùng ca trực được đưa đến một điểm bí mật thuộc căn cứ có diện tích 24.864 km2.
Sau khi đến vị trí, họ bước xuống lòng đất, mở cửa chống nổ, bước qua một bậc đài và vào bên trong buồng điều khiển bệ phóng. Victoria Fort cho biết, căn buồng này có thể chứa “một chiếc xe tải có kích thước bình thường”.
Căn buồng được kết cấu gồm có một giường xếp (hay còn gọi là “khoang ngủ”), một khoang vệ sinh (không có vòi tắm) và một tivi. “Tất cả đều được gia cố bằng bu-lông, ngoại trừ hai chiếc ghế đặt trước bàn điều khiển”, – cô Fort kể lại.
Chúng được dịch chuyển theo các hướng, nhưng cũng có thể cố định vị trí. “Chúng tôi có thể cài người vào ghế trong trường hợp bắt đầu xảy ra chiến sự. Nếu xảy ra một cuộc tấn công, thì các bộ giảm chấn đặt trong boong-ke sẽ hấp thụ sóng nổ và bảo vệ Fort cùng đồng nghiệp tránh bị chấn thương”, – nữ quân nhân cho biết thêm.
Mặc dù boong-ke không thể so sánh với nhà riêng của Đại úy Fort ở thành phố Cheyenne, nhưng nữ quân nhân này thích làm việc với tư cách là lính tên lửa, chỉ huy ca trực. “Thời gian trôi qua thật kỳ lạ, bởi vì chẳng thể nhìn thấy ngày, cũng chẳng nhìn thấy đêm”, – cô nói.
Huy chương “Vì sự nghiệp kiềm chế hạt nhân”
Fort đã có 10 năm phục vụ trước khi thăng chức sỹ quan cấp cao ở cánh tên lửa số 90 (Đơn vị phòng không số 20 thuộc Bộ tư lệnh tấn công toàn cầu Không quân Hoa Kỳ).
Khi còn học phổ thông, cô tham gia các khóa huấn luyện ngoài quân đội cho lực lượng không quân dự bị và có ý định vào phục vụ quân ngũ, nhưng thầy giáo của cô đã khuyên cô nên trở thành sỹ quan. Do vậy, cô đã vào học tại Đại học bang Florida, nơi cô trải qua khóa huấn luyện sỹ quan dự bị, sau đó được phong hàm sỹ quan và đến năm 2012 thì gia nhập quân đội.
Phục vụ không lâu tại căn cứ không quân Vandenberg ở thành phố Lompoc, bang California, Victoria Fort ba năm rưỡi sau đó đã nắm được những nguyên tắc cơ bản trong công việc của mình tại căn cứ Minot ở Bắc Dakota.
Những kết quả đạt được của cô đã gây ấn tượng đối với cấp chỉ huy, do đó năm 2014 Bộ trưởng Không quân Hoa Kỳ Deborah Lee James đã tặng thưởng cô Huy chương “Vì sự nghiệp kiềm chế hạt nhân”.
Fort tiếp tục gặt hái những thành tích tuyệt vời ngay cả sau khi cô chuyển sang căn cứ Frances Warren hồi tháng Tư vừa qua. Hàng năm Bộ chỉ huy Không quân Mỹ tổ chức phong trào thi đua nhằm chọn ra khẩu đội giỏi nhất. Năm nay Fort và một đồng nghiệp của cô nữa đã chiến thắng cuộc thi và được tôn vinh là khẩu đội xuất sắc nhất của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ.
Nhiệm vụ nhiều áp lực
Sự thực, cô gái đến từ bang Florida này không phải lúc nào cũng tự tin vào chính mình. Từ đầu cô được giao kiểm soát đến 150 tên lửa hạt nhân và chính điều này đã làm cho cô bị trầm cảm. Cô kể lại: “Tôi đã bị căng thẳng tột độ. Khi đến ca trực, có thể nói là công việc chỉ có vũ khí và vượt qua được tất cả điều đó thật khó khăn”.
Tuy nhiên, Fort cho biết, cô đã không bị trở nên cáu gắt. Đó là điều quan trọng, vì để cho hệ thống hoạt động hiệu quả và nhiệm vụ được thực hiện nhanh chóng, tất cả đều phụ thuộc vào những chuyên gia như Fort. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, “dù nguyên tắc kiềm chế hạt nhân có thể không phức tạp, thậm chí là rất đơn giản, nhưng việc kiềm chế lại dựa trên các hệ thống phức tạp công nghệ cao”.
Để giải bài toán phức tạp này, căn cứ không quân Frances Warren thực hiện một sứ mệnh đơn giản – hoạt động đúng lúc, thường xuyên và bất kỳ thời điểm nào. Nguyên tắc này được tất cả các chuyên gia tuân thủ khi đảm nhận nhiệm vụ tại đây. Và Victoria Fort cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
“Chúng tôi là chiếc dùi cui lớn đứng ra bảo vệ đất nước, như lời Tổng thống Roosevelt từng nói. Hiện tại chúng tôi không phải lực lượng tiền tiêu, các quốc gia khác không giao thiệp với chúng tôi, bởi vì chúng tôi đang kiểm soát những vũ khí này… Nói cách khác, đó là sự kiềm chế. Chúng tôi đang kiềm chế họ”, – nữ quân nhân này nói.