Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ, ngày 9/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Tuyên bố chung do Anh -một trong 5 nước Ủy viên thường trực HĐBA- dự thảo và đã nhận được sự ủng hộ của 15 nước thành viên HĐBA, theo đó các nước hối thúc đối thoại và hòa giải theo ý nguyện và lợi ích của người dân Myanmar.
HĐBA cũng kêu gọi cho phép tiếp cận nhân đạo đầy đủ, an toàn và không bị ngăn cản đối với tất cả người dân có nhu cầu, cùng sự bảo vệ và đảm bảo an ninh đối với các nhân viên y tế và cứu trợ.
Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến tại Myanmar sau khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 1/2, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang cùng các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) với cáo buộc có hành vi gian lận bầu cử.
Sau khi tạm nắm quyền điều hành đất nước, quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, đồng thời cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực. Ngày 26/7, chính quyền quân sự đã hủy kết quả cuộc bầu cử năm 2020 mà trong đó đảng NLD giành chiến thắng.