Grab bị khách tố tăng giá, tài xế Uber rủ nhau sang VATO, T.NET

Hoàng Linh |

Những ngày gần đây, nhiều khách hàng của Grab lên tiếng nghi ngại hãng đang âm thầm tăng giá cước, tại hầu hết thời điểm trong ngày.

Trước ngày sát nhập Uber về Grab, đối tác của Grab và khách hàng lo lắng về việc "một mình một chợ" có thể khiến Grab tăng giá, độc quyền thao túng thị trường.

Tại Hà Nội, trong nhiều ngày gần đây, khách hàng bày tỏ nghi ngại hãng Grab tăng cước phí gọi xe tại hầu hết thời điểm trong ngày. Chị Lan Hương (Hà Nội) thắc mắc, cùng chặng đường từ Thụy Khuê về Đê La Thành, chị gọi GrabCar và được báo cước phí là 48.000 đồng. Trong khi đó, nếu đi taxi truyền thống mức phí chỉ đến 30.000 đồng.

Đây không phải lần đầu khách hàng này nhận thấy có sự không rõ ràng và chênh lệch trong cước phí của hãng Grab. Tuy không phải giờ cao điểm, nhưng mức phí chặng đường từ Quán Thánh về nhà riêng của khách hàng này tăng gần gấp 2 lần.

Grab bị khách tố tăng giá, tài xế Uber rủ nhau sang VATO, T.NET - Ảnh 1.

Khách hàng liên tục phàn nàn về việc Grab không rõ ràng trong cách tính phí cuốc xe.

Không thể chấp nhận nổi cách tính giá cước của Grab những ngày này là cảm giác chung của nhiều người. Trên mạng xã hội, các tài khoản than trời về cước phí Grab không hiếm, không ít ý kiến chọn "cạch mặt" Grab, quay về taxi và xe ôm truyền thống.

"Cách tính phí của Grab khá mập mờ, chủ yếu khách khi so sánh giá các chặng đường quen thuộc mới bất chợt nhận ra có sự thay đổi lớn về mức phí", anh Nguyễn Thành Nam (một vị khách Grab) cho biết.

Grab bị khách tố tăng giá, tài xế Uber rủ nhau sang VATO, T.NET - Ảnh 2.

Nhiều khách hàng khẳng định các hãng taxi và xe ôm truyền thống đang tính phí rẻ hơn so với Grab.

Mặc dù được nhận định là có cước phí rẻ, thường xuyên ưu đãi, song gần đây, nhiều khách hàng phân tích và cho rằng Grab thực sự không mất gì khi khuyến mại cho khách hàng.

"Ví dụ đoạn đường cùng đoạn đường gần 8km, khách phải trả 43.000 đồng hoặc có thể áp dụng khuyến mãi rẻ hơn. Trong khi cũng đoạn đường này nhưng vào một thời điểm khác, mức chi phí có thể tăng rất cao do nhu cầu đi lại vào thời điểm này tăng vọt.

Theo cách này, khách hàng thực sự không được hưởng khuyến mại gì, cước phí cho chuyến đi cao điểm được cho là đã bù cho phần khuyến mại của chính khách hàng đó hoặc là sự tráo đổi giữa nhiều vị khách khác nhau", anh Nguyễn Thế Tài (một khách hàng Grab) nhận định.

Hiện tại, câu chuyện định giá các cuốc xe không theo nguyên tắc nào của Grab vẫn đang là dấu hỏi lớn, với nhiều ý kiến trái chiều của khách hàng.

Liên quan đến cước phí, nhân viên tư vấn của Grab khẳng định, hiện tại, khi Uber về chung một nhà với Grab, hãng không tăng giá cước vận chuyển.

"Mọi thay đổi về cước phí của hãng nếu có đều sẽ phải được truyền thông, thông báo đến khách hàng và đối tác", nhân viên Grab trấn an.

Lý giải cho việc có sự chênh lệch về cước phí của khách hàng, Grab cho hay, đó là do hãng áp dụng biểu giá linh động trong từng trường hợp. Hệ thống của Grab sẽ căn cứ vào điểm đón và điểm trả khách vào từng thời điểm cụ thể để tính toán mức cước phí hợp lý nhất để hiển thị trên ứng dụng với dịch vụ GrabCar, GrabBike.

Và mức cước phí linh động được áp dụng ở mọi khung giờ trong ngày thay vì chỉ buổi tối, mức phí linh động này có thể cao hơn mức phụ phí trước đây.

Theo đó, khi tài xế Grab nhận cuốc xe đến điểm có nhu cầu đi lại thấp hơn ở các điểm khác – thì có thể phải chờ lâu hơn để có cuốc xe tiếp theo. Do đó, Grab sẽ áp dụng biểu giá linh động với mức phụ phí là 25.000 đồng để đảm bảo thời gian và mức thu nhập tốt hơn cho tài xế.

Khi đặt xe khách hàng cần kiểm tra phần cước phí và chú ý các dấu hiệu cảnh báo thời điểm "nóng" đặt xe. Nếu ứng dụng xuất hiện thanh màu hồng điều này đồng nghĩa với thông điệp "Giá cước tăng cao do nhu cầu tăng cao". 

Theo lý giải của nhân viên Grab, giá cước sẽ quay trở lại mức thông thường sau thời điểm "nóng", khi đặt xe khách hàng sẽ nhận thấy ứng dụng xuất hiện thanh màu trắng hoặc màu xanh thường thấy.

Một tài xế Grab cũng cho biết, hiện tại, Grabbike không tăng giá, vẫn áp dụng giá 12.000 đồng/km (đối với 2km đầu tiên) và 3.800 đồng/km cho các km tiếp theo. Tuy nhiên, số lượng các cuốc xe có sự thay đổi khi càng có nhiều thêm tài xế Uber gia nhập Grab.

Tài xế Uber rủ nhau sang VATO, T.NET

Ở diễn biến khác, chiều ngày 3/4 khi Grab bị lỗi kỹ thuật khiến việc định vị đón trả khách không thể thực hiện, tài xế Uber bất ngờ "vợt" được nhiều cuốc xe và được cho là có khoản thu "khủng" trong những ngày cuối trước khi Uber chính thức rời Việt Nam vào ngày 8/4.

Nhiều tài xế Uber không muốn "chuyển khẩu" sang Grab. Thay vì đầu quân cho Grab, cánh lái xe bắt đầu ngó nghiêng sang các ứng dụng gọi xe công nghệ như VATO và T.NET.

Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều tài xế, trong những ngày này việc cài đặt ứng dụng VATO vẫn chưa được thuận lợi, có lúc ứng dụng này không xác định được vị trí, điểm đón khách.

Trong khi đó, cách hoạt động của T.NET cũng khiến người mới cảm thấy lúng túng. Nhiều người cho biết sẽ nghe ngóng tình hình trước khi quyết định "chọn mặt gửi vàng", chuyển sang ứng dụng phù hợp.

Ứng dụng VATO (cung cấp các dịch vụ như: Vato Car, Vato Bike, Vato Taxi) ban đầu được phát triển dưới tên gọi FaceCar, sang đó đổi tên thành VIVU. Mới đây, ứng dụng được phát triển độc lập từ cự nhân viên FPT được công ty Phương Trang đầu tư hơn 100 triệu USD đổi sang tên VATO. Cụm từ VATO được biết là viết tắt của cum từ VẬN TẢI THÔNG SUỐT.

Ứng dụng có tên T.NET do nhóm giảng viên và sinh viên Trường ĐH FPT phát triển nhắm đến phục vụ tại cả các tỉnh thành nhỏ lẻ. T.NET hiện đang có 8 hạng xe dịch vụ, từ bình dân đến cao cấp gồm xe mô tô (xe ôm), xe hơi và taxi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại