Hậu quả khủng khiếp từ việc người Anh ăn thịt đối với một nơi ở bên kia bờ đại dương

Hữu Hiển |

Hãng tin Sky News (Anh) mới đây đưa tin, nhu cầu ăn thịt của người Anh đã dẫn đến nhu cầu lớn về thức ăn chăn nuôi làm từ đậu nành trong ngành nông nghiệp. Điều này đã gây ra thiệt hại cho rừng nhiệt đới Amazon ở bên kia bờ đại dương, khi ngành công nghiệp chăn nuôi của Anh và các siêu thị mà nó cung cấp thịt đang góp phần thúc đẩy việc khai thác rừng Amazon trái phép để chuyển đổi đất rừng thành đất nông nghiệp.

Hậu quả khủng khiếp từ việc người Anh ăn thịt đối với một nơi ở bên kia bờ đại dương - Ảnh 1.

Diện tích rừng nhiệt đới Amazon bị phá hủy trong năm ngoái là gần 12.000 km2, tương đương với việc mỗi phút mất đi 1 khu rừng có diện tích bằng 4 sân bóng đá. Ảnh: ivint.org

Phá rừng làm rẫy trồng đậu nành

Theo Sky News, một số tổ chức bảo vệ môi trường phi chính phủ như Mighty Earth, Reporter Brazil và Ecostorm gần đây đã tiến hành một cuộc điều tra chung. Từ việc phân tích dữ liệu vệ tinh và quan sát trên mặt đất, họ phát hiện ra rằng, ngành chăn nuôi của Anh đã nhập khẩu một lượng đậu nành làm thức ăn chăn nuôi, dẫn đến nạn phá rừng nhiệt đới Amazon nghiêm trọng.

Chăn nuôi gia súc và phát quang đất trồng đậu nành là những nguyên nhân chính đằng sau nạn phá rừng bất hợp pháp ồ ạt ở khu vực rừng Amazon. Vào năm 2022, gần 12.000 km2 rừng nhiệt đới Amazon đã bị phá hủy, tương đương với việc mỗi phút mất đi 1 khu rừng có diện tích bằng 4 sân bóng đá.

Các cuộc điều tra đã phát hiện ra mối liên hệ trực tiếp giữa hoạt động phá rừng Amazon bất hợp pháp và các lô hàng đậu nành từ Brazil đến Anh của tập đoàn kinh doanh hàng hóa khổng lồ Cargill của Mỹ.

Khoảng 70% đậu nành của ngành chăn nuôi Anh được mua từ Brazil thông qua Cargill và 75% đậu nành của Cargill được xuất khẩu từ cảng Santarem ở Brazil đến phần còn lại của thế giới. Để đáp ứng nhu cầu này, các nhà cung cấp đậu nành của Cargill đã chặt phá rừng nhiệt đới Amazon, đồng thời tiếp tục xây dựng và mở rộng các trang trại trồng đậu nành.

Theo Sky News, trang trại Santa Ana (ở bang Mato Grosso, Brazil) là một trong những nhà cung cấp đậu nành của Cargill, nhưng 4 km2 rừng đã bị đốt cháy tại đây vào năm ngoái. Các nhà nghiên cứu ước tính, diện tích rừng bị cháy này có khoảng 220.000 cây. Sau cuộc điều tra của chính quyền ở Brazil về hoạt động khai thác gỗ trái phép trước đó tại trang trại, Cargill từng loại trang trại này khỏi danh sách các nhà cung cấp đậu nành được phê duyệt, trước khi lại đưa trang trại này vào danh sách vào năm 2022.

Glenn Hurowitz - Giám đốc điều hành của tổ chức môi trường Mighty Earth - cho biết: "Nếu Cargill - công ty tư nhân lớn nhất tại Mỹ - muốn trở thành một phần của giải pháp cho biến đổi khí hậu và khủng hoảng tự nhiên, thì công ty nên bắt đầu từ việc tìm nguồn cung ứng đậu nành từ các nhà cung cấp đang canh tác trên vùng đất rộng khoảng 6,5 triệu km2 chỉ riêng ở Mỹ Latinh, chứ không phải từ những người vẫn đang đốt rừng".

Doanh nghiệp hợp tác với "những kẻ phá rừng"

Mặt khác, Avara - nhà sản xuất gia cầm lớn nhất tại Anh, thuộc sở hữu một phần của Cargill và được Cargill cung cấp thức ăn chăn nuôi trực tiếp - tuyên bố rằng, kể từ năm 2019, họ chỉ lấy nguồn đậu nành từ "các trang trại được chứng nhận không phá rừng".

Nhưng sau khi kết quả của cuộc điều tra chung được công bố, Avala đã phải ra thông cáo, đổ lỗi cho "những trang trại không được chứng nhận" khi thừa nhận rằng: "Rõ ràng, thách thức là vẫn còn đối với những trang trại không được chứng nhận trồng đậu nành ở những khu vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, và chúng tôi vẫn có nhu cầu đối với sản phẩm của họ".

Hậu quả khủng khiếp từ việc người Anh ăn thịt đối với một nơi ở bên kia bờ đại dương - Ảnh 2.

Theo Sky News, Avala sản xuất 4,5 triệu con gà và sản phẩm gà tây mỗi tuần ở Anh, cung cấp cho các trung tâm mua sắm lớn và các công ty kinh doanh ăn uống bao gồm Tesco, McDonald's và KFC. Ảnh: Sky News

Gemma Hoskins - Giám đốc chi nhánh tại Anh của Mighty Earth - đã chỉ trích Tesco - nhà bán lẻ lớn nhất tại Anh – rằng, việc hợp tác kinh doanh với Cargill đang thúc đẩy việc phá rừng Amazon trái phép và gây hại cho sức khỏe của cộng đồng địa phương, gây hại cho động vật hoang dã và hủy diệt sinh cảnh có giá trị.

Sky News đề cập rằng, Tesco, cũng giống như Avala, đã ký một thỏa thuận ngành, đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ đã đoạn tuyệt hoàn toàn với hiện tượng "phá rừng" hay "lấy đất rừng làm trang trại" vào năm 2020.

Trong một tuyên bố gửi tới Sky News, Tesco cho biết: "Chúng tôi rất coi trọng mọi cáo buộc về phá rừng và chuyển đổi rừng bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng của mình và chúng tôi đã ngay lập tức yêu cầu Cargill làm rõ vấn đề này. Các trang trại được coi là có vấn đề đã bị loại khỏi chuỗi cung ứng của họ cho đến khi một cuộc điều tra đầy đủ được thực hiện xong".

Trước những cáo buộc mới nhất, Cargill trả lời rằng, công ty đã tiến hành một cuộc điều tra bổ sung về hoạt động vào năm 2022 của các trang trại có liên quan theo quy trình khiếu nại. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm chính sách hay cam kết nào, nhà cung cấp sẽ bị cho vào "danh sách đen" ngay lập tức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại