Nhiều người có quan điểm rằng việc ăn chay là tốt nhất đối với động vật và hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, nghiên cứu mới từ Đại học Georgia cho thấy điều đó có thể không thực sự chính xác.
Bài nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn chủ yếu là thực vật với thịt được nuôi công nghiệp có thể là cách ăn uống tốt nhất nếu chúng ta muốn bảo vệ môi trường và bảo vệ quyền con người.
Amy Trauger, tác giả của nghiên cứu và là giáo sư tại Đại học Khoa học và Nghệ thuật Franklin, cho biết: "Mô hình ăn chay thực ra không thực sự bền vững như vậy. Chúng ta thực sự không cần phải nhìn đâu xa để thấy câu chuyện này có vấn đề như thế nào."
Nghiên cứu cho thấy hầu hết các sản phẩm từ đậu nành (như đậu phụ và món chay tempeh) ở Mỹ không được trồng tại đây. Cho đến gần đây, chúng chủ yếu được nhập khẩu từ Ấn Độ, nơi sản xuất đậu tương là nguyên nhân gây ra nạn phá rừng và mất môi trường sống của động vật trên diện rộng. Các đồn điền đậu tương cũng chiếm diện tích đất quý giá có thể được sử dụng để giảm bớt tình trạng mất an ninh lương thực trong nước.
Ô nhiễm và tác động môi trường từ việc vận chuyển đậu nành trên quãng đường hàng nghìn km đến Mỹ cũng là thảm họa đối với môi trường.
Tương tự, dầu cọ, thường được sử dụng như một chất thay thế thuần chay cho bơ hoặc mỡ lợn, chủ yếu được nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Nigeria. Các hệ sinh thái địa phương đã bị tàn phá bởi nạn phá rừng và mất đa dạng sinh học khi hàng triệu ha rừng bị san bằng để sản xuất dầu cọ.
Ngoài tác động đến môi trường, ngành công nghiệp dầu cọ còn có nhiều vấn đề liên quan đến an toàn lao động, lạm dụng nhân công, các trường hợp tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại mà không có thiết bị bảo vệ thích hợp không còn là chuyện hiếm.
Tác giả Trauger nói: "Mọi người thường ưu tiên quan tâm gia súc và các động vật tại trang trại hơn cuộc sống của những người trồng dầu cọ hoặc đậu nành. Các công ty thích tiếp thị với mọi người rằng ăn uống theo cách này sẽ tạo ra sự khác biệt trên thế giới, nhưng thực tế sẽ không được như vậy."
Động vật trang trại có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu
Một lập luận phổ biến là giảm tiêu thụ thịt sẽ giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhưng điều đó ít liên quan đến các loài động vật mà vấn đề nằm ở chỗ ngành công nghiệp thịt hiện đang hoạt động như thế nào.
Trauger cho biết: "Chăn nuôi có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cả tính bền vững của hệ thống trang trại và giảm thiểu biến đổi khí hậu".
Ví dụ, một con lợn có thể được chế biến thành hơn 70kg thịt và 9kg thịt xông khói. Được nuôi trên đồng cỏ, bên ngoài rừng với chế độ ăn gồm các loại hạt cây, sữa thừa và chất thải thực vật từ các trang trại gần đó, lợn đó cũng có thể đóng góp cho độ bền vững của đất, rừng và hệ sinh thái.
Đến thời điểm xuất chuồng các loại động vật, một nhà máy chế biến quy mô nhỏ sử dụng nhân viên được trả lương cao có thể giúp cho chuỗi cung ứng ngắn gọn và minh bạch.
Trauger lập luận rằng một con lợn cũng có thể nuôi một gia đình trong nhiều tháng.
Bà nói: "Bên cạnh việc xuất chuồng và trở thành đồ ăn, con lợn còn có thể giúp phục hồi đất đai, hỗ trợ cho doanh nghiệp, mang lại sức khỏe con người và đảm bảo chuỗi cung ứng ngắn hạn có thể truy xuất nguồn gốc".
"Chắc chắn có một cuộc tranh cãi về việc giảm lượng thịt mà chúng ta ăn, nhưng chúng ta có thể đáp ứng đủ nhu cầu protein của mình bằng một lượng nhỏ sản phẩm từ động vật như thịt hoặc trứng. Trong khi đó, những thứ như bơ, dừa, ca cao và cà phê lại có thể thu hoạch từ thực vật, nhưng chúng đang hủy hoại môi trường và sinh kế".
Được biết, nghiên cứu trên được công bố trên Tạp chí Sinh thái Chính trị và là một phần của dự án sách được ký hợp đồng với Nhà xuất bản Đại học Washington.