Tại sao một loại bánh được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là tại Mỹ, lại có thể gây hại cho Trái đất?

Hữu Hiển |

Hãng tin CNN trích dẫn một báo cáo mới đây cho biết, người Mỹ sẽ cần cắt giảm mức tiêu thụ thịt bò trung bình khoảng 40% và người châu Âu là 22%, để thế giới tiếp tục có thể nuôi sống 10 tỷ người dự kiến sẽ sống trên hành tinh này vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là mỗi người chỉ nên ăn khoảng 1,5 chiếc bánh hamburger (bánh mì kẹp thịt) mỗi tuần.

Tại sao một loại bánh được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là tại Mỹ, lại có thể gây hại cho Trái đất? - Ảnh 1.

Mỗi người Mỹ chỉ nên ăn khoảng 1,5 chiếc bánh hamburger mỗi tuần. Ảnh: Chron

Tính toán này đến từ Viện Tài nguyên Thế giới. Các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu phi lợi nhuận trên toàn cầu nhằm hỗ trợ việc sử dụng tốt hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên để duy trì dân số ngày càng tăng. Nghiên cứu xem xét các khía cạnh như nông nghiệp, khủng hoảng khí hậu, nạn đói và giới tính.

Báo cáo với chủ đề "Tạo ra một tương lai lương thực bền vững" đã xem xét kỹ hơn những lỗ hổng trong sản xuất lương thực và nhu cầu toàn cầu, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị cụ thể về cách ngăn chặn thảm họa. Và ăn ít thịt bò hơn là một gợi ý nằm trong bản báo cáo dài 568 trang.

Dân số tăng khiến nhu cầu lương thực lớn hơn

Khoảng 9,8 tỷ người sẽ sống trên hành tinh vào năm 2050, tăng từ 7 tỷ người so với năm 2010. Theo báo cáo, nhu cầu về thực phẩm được dự đoán sẽ tăng nhanh hơn mức tăng dân số, tăng hơn 50% do thu nhập của người dân ở các nước đang phát triển dự kiến sẽ tăng.

Nhu cầu về thịt và sữa dự kiến sẽ còn tăng nhanh hơn, gần 70%. Nhu cầu toàn cầu đối với thịt động vật nhai lại, bao gồm thịt bò, cừu và dê, dự kiến sẽ còn cao hơn, ở mức 88%.

Để đáp ứng nhu cầu lương thực nói chung, báo cáo dự đoán nông dân sẽ phải sản xuất nhiều hơn 56% lượng calo từ cây trồng so với năm 2010 – và điều đó có nghĩa là sẽ cần đến diện tích đất gần gấp đôi diện tích của Ấn Độ.

Theo báo cáo, việc thu hẹp những khoảng cách này là "khó hơn so với những gì thường được ghi nhận".

Các tác giả của bản báo cáo cũng đề xuất một số cách để giúp nhân loại tránh khỏi nạn đói và ngăn chặn khủng hoảng khí hậu, và cách hiệu quả nhất có thể là cắt giảm lượng tiêu thụ thịt động vật nhai lại.

Hoạt động sản xuất thịt bò, dê và cừu cần sử dụng nhiều đất đai và tài nguyên. Theo báo cáo, hoạt động này đòi hỏi diện tích đất nhiều hơn 20 lần và tạo ra lượng khí thải nhà kính nhiều hơn 20 lần so với trồng đậu trên mỗi gram protein.

Bò phát triển và sinh sản chậm hơn lợn và gia cầm. Điều này có nghĩa là chúng cần ăn nhiều hơn, cần nhiều đất và nước hơn.

Theo Liên hợp quốc, chỉ riêng thịt bò đã tạo ra 41% lượng khí thải nhà kính trong chăn nuôi, và chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng khí thải toàn cầu, nhiều hơn lượng khí thải trực tiếp từ lĩnh vực giao thông vận tải.

Theo báo cáo, tại Mỹ, thịt bò chỉ chiếm khoảng 3% lượng calo trong chế độ ăn uống trung bình của người dân nước này, nhưng nó đã chiếm 43% phần đất đai được sử dụng cho nông nghiệp.

Báo cáo cho thấy, những người sống ở các quốc gia như Mỹ ăn nhiều thịt bò hơn so với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên họ không cần phải từ bỏ bánh hamburger, mà chỉ cần cắt giảm khẩu phần.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong năm 2010, người Mỹ đã ăn 26,8 kg thịt bò. Để giảm được 40% lượng tiêu thụ nghĩa là chỉ được ăn 10,7 kg/năm. Trung bình mỗi chiếc bánh hamburger chứa khoảng 114 g thịt bò, nên bạn có thể ăn 1 chiếc bánh hamburger mỗi tuần.

Báo cáo cho thấy, điều này là khả thi và cần thiết, mặc dù cũng là một thách thức khó khăn. Lấy ví dụ về xu hướng ăn uống ở Mỹ: vào cuối những năm 1970, người Mỹ ăn nhiều thịt bò hơn hiện nay, năm 1976, người Mỹ ăn hơn 42,6 kg thịt bò; nhưng đến năm 2018, con số này chỉ còn là 25,9 kg.

Tại sao một loại bánh được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là tại Mỹ, lại có thể gây hại cho Trái đất? - Ảnh 2.

Tại Mỹ, thịt bò chỉ chiếm khoảng 3% lượng calo trong chế độ ăn uống trung bình của người dân nước này, nhưng nó đã chiếm 43% phần đất đai được sử dụng cho nông nghiệp. Ảnh: WSJ

Chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật

Báo cáo cho thấy, việc chuyển sang sử dụng thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ giúp ích nhiều nhất cho môi trường, nhưng hầu hết các lợi ích về khí hậu và sử dụng đất vẫn sẽ không mất đi ngay cả khi mọi người chuyển từ ăn thịt bò sang thịt gà và thịt lợn.

Tuy nhiên, bản báo cáo này đã vấp phải phản ứng của Hiệp hội thịt bò quốc gia Mỹ.

Theo bà Hillary Makens - Giám đốc quan hệ truyền thông của hiệp hội - trong một tuyên bố gửi qua email cho CNN cho biết: "Thịt bò vừa bền vững vừa bổ dưỡng. Về mặt môi trường, gia súc đóng một vai trò độc nhất trong hệ thống thực phẩm của chúng ta vì chúng nâng cấp các loại thực vật không ăn được thành protein chất lượng cao. Qua nhiều thập kỷ nghiên cứu cho thấy, protein giúp tăng cường sức khỏe và giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng của con người."

"Hầu hết mọi người đã ăn thịt bò theo hướng dẫn chế độ ăn kiêng toàn cầu, vì vậy chúng tôi khẳng định cơ hội lớn nhất cho chế độ ăn uống lành mạnh bền vững sẽ đến từ việc giảm lãng phí thực phẩm, ăn ít calo rỗng hơn và thưởng thức các bữa ăn cân bằng hơn. Lịch sử và nghiên cứu có uy tín đã liên tục chỉ ra rằng, những tiến bộ dựa trên khoa học và chế độ ăn uống cân bằng, thiết thực sẽ tăng cường sức khỏe và tính bền vững, chứ không phải loại bỏ các loại thực phẩm đơn lẻ, như thịt bò", bà Makens khẳng định.

Báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc công bố năm 2018 cho thấy, việc thay đổi chế độ ăn uống trên toàn cầu có thể đóng góp đáng kể để giữ cho nhiệt độ toàn cầu không tăng 2°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo này lưu ý rằng, ngày càng có nhiều công ty đầu tư vào các sản phẩm thay thế thịt bò và nhu cầu về các sản phẩm thay thế thịt làm từ protein thực vật đang tăng mạnh.

Các chuỗi cửa hàng bán hamburger đang thử nghiệm bánh làm từ thịt giả hoặc cố gắng giảm hàm lượng thịt bò, bổ sung thêm các loại protein khác như nấm. Một số công ty thậm chí đang phát triển thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm.

Theo báo cáo, trong khi thị trường có thể giảm nhu cầu về thịt bò, các chính phủ cũng có thể thực hiện các bước đi để làm cho các món ăn khác trong thực đơn trở nên hấp dẫn hơn. Ví dụ, các chính phủ có thể loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho hoạt động sản xuất thịt và sữa, hoặc bắt đầu đánh thuế thịt bò, khiến nó trở nên đắt đỏ hơn.

Ăn ít thịt đỏ hơn có thể tốt cho hành tinh, nhưng nó cũng có thể giúp ích cho sức khỏe của bạn. Nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra rằng, ăn thịt đỏ có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và một số bệnh ung thư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại