Tỷ lệ sinh giảm mạnh ở Nhật Bản là 'hồi chuông báo tử' cho các trường học nông thôn truyền thống

Hữu Hiển |

Tỷ lệ sinh giảm là một vấn đề của châu Á, trong đó, chi phí lớn cho việc nuôi dạy con cái có liên quan trực tiếp đến tỷ lệ sinh giảm.

Tỷ lệ sinh giảm mạnh ở Nhật Bản là hồi chuông báo tử cho các trường học nông thôn truyền thống - Ảnh 1.

Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, có khoảng 450 trường học đóng cửa mỗi năm. Từ năm 2002 đến 2020, gần 9.000 trường học đã đóng cửa vĩnh viễn tại Nhật Bản. Ảnh: Firstpost

Trang tin Firstpost (Ấn Độ) ngày 31/3 đưa tin, với tỷ lệ sinh giảm nhanh hơn dự kiến, việc đóng cửa trường học tại Nhật Bản đã bắt đầu gia tăng trong năm nay. Từng rất đông đúc và ầm ỹ tiếng học sinh, các trường học tại Nhật Bản giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình trước đây. Điều này đặc biệt đúng với các trường học ở vùng nông thôn của đất nước này.

Số ca sinh giảm xuống dưới mốc 800.000 vào năm 2022, mức thấp kỷ lục mới, theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản và sớm hơn 8 năm so với dự kiến. Điều này đã giáng một đòn mạnh vào các trường công lập có quy mô nhỏ và thường nằm ở trung tâm của các thị trấn và làng mạc ở nông thôn.

Trường trung học cơ sở Yumoto nằm ở vùng núi phía bắc Nhật Bản đã đóng cửa vĩnh viễn khi năm học kết thúc vào ngày thứ Sáu (31/3) vừa rồi. Ngôi trường 76 tuổi đã phải đóng cửa vì không có người học và học sinh mới ngừng đăng ký.

"Chúng em đã nghe tin đồn về việc đóng cửa trường học vào năm học thứ hai, nhưng em không tưởng tượng được điều đó lại thực sự xảy ra. Em đã bị sốc", Eita - một học sinh 15 tuổi, và có thể là một trong số ít những học sinh cuối cùng tốt nghiệp tại một ngôi trường nhỏ ở nông thôn ở Nhật Bản - cho biết.

Theo trang tin Firstpost, khi tỷ lệ sinh của quốc gia châu Á này thấp kỷ lục trong hai năm qua, việc đóng cửa trường học đã trở thành một hiện tượng phổ biến, đặc biệt là ở các vùng nông thôn như quận Ten-ei - một khu vực trượt tuyết trên núi và suối nước nóng ở tỉnh Fukushima.

Những khu vực này tại Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng suy giảm dân số, và hiện nay cơ hội giáo dục cho người dân nông thôn nước này cũng ngày càng trở nên khan hiếm.

Hiện tượng châu Á

Theo trang tin Firstpost, Trung Quốc cũng đang đi trên con đường tương tự khi ghi nhận số liệu dân số thấp nhất trong sáu thập kỷ qua. Tỷ lệ sinh giảm là một vấn đề của khu vực châu Á; trong đó, chi phí lớn cho việc nuôi dạy con cái có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sinh đang giảm.

Ở Hàn Quốc cũng là một câu chuyện tương tự, nhưng tình hình của Nhật Bản đặc biệt nghiêm trọng.

Mới đây, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết thực hiện "các biện pháp chưa từng có" để thúc đẩy tỷ lệ sinh thấp đáng báo động của đất nước này, bao gồm tăng gấp đôi ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em. Ông Kishida cũng nhấn mạnh rằng, việc duy trì môi trường giáo dục của đất nước là rất quan trọng.

Nhưng trang tin Firstpost nhận định, vẫn không có nhiều thay đổi trên thực tế.

Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, khoảng 450 trường học đóng cửa mỗi năm tại nước này. Từ năm 2002 đến năm 2020, gần 9.000 trường học đóng cửa vĩnh viễn, khiến các vùng nông thôn xa xôi khó thu hút cư dân mới và người trẻ đến các khu vực đó.

"Tôi lo lắng rằng mọi người sẽ không coi khu vực này là nơi để tái định cư nếu không có trường trung học cơ sở", bà Masumi - mẹ của Eita - học sinh vừa tốt nghiệp tại trường trung học cơ sở Yumoto - cho biết.

Tỷ lệ sinh giảm mạnh ở Nhật Bản là hồi chuông báo tử cho các trường học nông thôn truyền thống - Ảnh 2.

Dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, khoảng 450 trường học đóng cửa mỗi năm tại nước này. Ảnh: WP

Tình trạng suy giảm dân số ở Nhật Bản

Theo trang tin Firstpost, tại quận Ten-ei – khu vực bị nhiễm phóng xạ sau thảm họa rò rỉ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi cách đó chưa đầy 100 km vào ngày 11/3/2011, dân số đã giảm nhanh, bất chấp thực tế là phóng xạ đã được làm sạch.

Trường Yumoto - một tòa nhà hai tầng nằm ở trung tâm quận Ten-ei, từng có khoảng 50 học sinh tốt nghiệp mỗi năm vào những năm 1960.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, việc đóng cửa trường học ở nông thôn sẽ làm gia tăng sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, cũng như khiến các vùng sâu vùng xa chịu nhiều áp lực hơn.

Touko Shirakawa - giảng viên xã hội học tại Đại học nữ Sagami cho biết: "Việc đóng cửa trường học có nghĩa là khu vực đó cuối cùng sẽ trở nên không bền vững."

Chính quyền Ten-ei sẽ thảo luận về việc tái sử dụng cơ sở hạ tầng của trường học. Ở các vùng khác của Nhật Bản, các trường học bị đóng cửa đã trở thành nhà máy rượu hoặc bảo tàng nghệ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại