Hậu quả khi tịch thu 300 tỷ đô của Nga để viện trợ Ukraine: Phương Tây sợ lọt bẫy "gậy ông đập lưng ông"

Hữu Hiển |

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét sử dụng nguồn tài sản bị đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine.Tuy nhiên, kế hoạch này cũng có những cạm bẫy.

Tờ Business Insider (Mỹ) mới đây đưa tin, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch tịch thu 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Ngân hàng Trung ương Nga để viện trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.

Các quan chức Mỹ nói với The New York Times rằng, các cuộc đàm phán đã được tổ chức trong những tuần gần đây giữa các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao và các bộ trưởng tài chính để sử dụng nguồn tài sản của Nga đã bị đóng băng vào năm 2022 như một phần của lệnh trừng phạt đối với nước này vì cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo Business Insider, động thái này diễn ra trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine tại một số nước phương Tây có thể đang suy yếu, cũng như hàng tỷ USD viện trợ cho Ukraine bị phe Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ chặn lại.

Các kế hoạch đang được xây dựng để công bố vào dịp kỷ niệm hai năm bùng nổ xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2024 và các quan chức Mỹ đang thảo luận với các đồng minh, bao gồm cả Pháp và Anh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng kế hoạch này có những cạm bẫy, và lo ngại rằng động thái này có thể làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu.

Tờ Financial Times trong một bài xã luận nhận định rằng: "Có một mối lo ngại mạnh mẽ là làm như vậy có thể gây tổn hại đến sự ổn định tài chính quốc tế - cũng như vị thế của đồng đô la và đồng euro là tiền tệ dự trữ - bằng cách làm suy yếu niềm tin cơ sở về việc gửi tiền dự trữ của các quốc gia khác."

Các nhà phân tích nói rằng, các quốc gia trên thế giới có thể ngần ngại giữ tiền bằng đô la Mỹ nếu họ tin rằng chúng có thể bị tịch thu, điều này thúc đẩy kế hoạch của một số quốc gia nhằm loại bỏ loại tiền tệ này.

Agedit Demarais - một thành viên về địa kinh tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu - đã viết trên tạp chí Foreign Policy vào tháng 11 rằng, động thái này có thể gây ra những hậu quả không lường trước được.

Demarais viết: "Nếu các nền dân chủ phương Tây trước đây đã tạo tiền lệ bằng cách tịch thu tài sản của Nga, thì làm thế nào các quốc gia này có thể thuyết phục được mọi người rằng Trung Quốc hoặc Ấn Độ không có quyền tịch thu tài sản của phương Tây nếu họ muốn?"

Theo Business Insider, cũng có những tranh luận về tính hợp pháp của động thái này, với các tài sản được bảo vệ theo các quy tắc miễn trừ chủ quyền. Hầu hết số tiền này đang được giữ ở các ngân hàng châu Âu và quyết định cuối cùng về việc liệu có thực hiện kế hoạch này hay không vẫn chưa được đưa ra.

Trận chiến khốc liệt nhất tại 'cối xay thịt' Bakhmut giống cảnh trong Thế chiến I: Lý do đến từ một thứ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại