Nhưng mới đây, ban đầu là Hải quân Mỹ và sau đó là Không quân đã gây ra sự ngạc nhiên lớn khi liên tục phát đi những thông báo về việc đầu tư cho công tác nghiên cứu chế tạo các phương tiện tiếp nhiên liệu-tàng hình. Tuy nhiên, máy bay tiếp nhiên liệu trên không cần tàng hình để làm gì?
Hãy thử cùng nhau làm rõ qua bài viết mang tựa đề "Зачем заправщику быть невидимым? - Tại sao máy bay tiếp nhiên liệu cần phải tàng hình?" của tác giả Yuri Kuzhelev người Nga.
"Cánh tay nối dài" của Mỹ gặp vấn đề lớn
Nói chung phương tiện tiếp nhiên liệu vô cùng có ích, điều mà người Mỹ biết rất rõ. Không phải tự dưng mà từ thập niên 1960-1970 tất cả những gì hoạt động trên không của họ đều được lắp đặt hệ thống tiếp nhiên liệu trên không. Nó mở ra hàng loạt những khả năng:
Di chuyển lực lượng không quân chiến thuật xuyên lục địa? Quá dễ!
Gia tăng thời gian bay của các máy bay chiến đấu, ném bom và do thám trong chế độ chờ phát hiện mục tiêu hoặc yêu cầu yểm trợ hỏa lực từ các lực lượng mặt đất? Không vấn đề!
Tiếp nhiên liệu có thể được thực hiện trong thời gian bay tiếp nối dài thậm chí ngay gần với khu vực chiến sự. Tuy nhiên, hiện nay phương thức này đã bắt đầu xuất hiện những khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm, kể cả đối với các loại máy bay tàng hình.
Bởi lẽ khi tiến hành bổ sung nhiên liệu từ các máy bay tiếp dầu "không tàng hình", vị trí của các máy bay chiến đấu tàng hình có thể vô tình bị lộ và đối phương có thể tiến hành đánh úp khiến cả 2 đều rơi vào vùng nguy hiểm.
Tất nhiên khoảng cách gần với địch chỉ mang tính tương đối. Thông thường thì khoảng cách này không dưới 150km, còn tốt hơn là 299km. Tuy nhiên sự phát triển của những đối thủ tiềm tàng không giậm chân tại chỗ.
Boeing KS-46 – máy bay tiếp nhiên liệu hiện đại nhất của Mỹ vào thời điểm hiện tại
Cùng với các máy bay chiến đấu, vũ khí trang bị của chúng cũng phát triển. Các tên lửa chính xác hơn và thông minh hơn, có thể bắn hạ các mục tiêu ở khoảng cách xa.
Tầm bắn của một quả tên lửa hiện đại có thể lên tới 300km, một số loại thử nghiệm đã có thể bắn xa tới 400km. Những gì trước đây là hậu phương an toàn trên không, đột ngột trở thành khu vực nguy hiểm.
Vũ khí này cho phép bắn hạ các trạm chỉ huy và radar bay, và điều quan trọng là các máy bay tiếp nhiên liệu. Thật lý tưởng nếu đúng vào lúc đang tiếp nhiên liệu.
Điều này khiến Quân đội Mỹ hết sức lo lắng, bởi biết đâu vào một ngày "đen đủi" nào đó, máy bay chiến đấu hoặc tên lửa phòng không tầm xa của đối phương đánh úp, diệt mất cả các chiến đấu cơ tàng hình F-35, F-22 cũng như máy bay tiếp nhiên liệu thì sao?
Và chính thời điểm này công nghệ tàng hình mới cần được áp dụng. Tất nhiên, để biến một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu cỡ lớn trở thành tàng hình, thậm chí ở mức độ máy bay ném bom B-2, sẽ tốn một khoản tiền không tưởng. Nhưng điều này cũng không cần thiết.
Thậm chí kể cả khả năng tàng hình có ở mức tối thiểu cũng không giảm được tầm phát hiện, có nghĩa là tránh được khả năng bị bắn hạ.
Lợi ích nào từ quả tên lửa tầm bắn 300km nếu nó chỉ phát hiện được mục tiêu từ 150km?
Thiết kế dự kiến của chiếc máy bay tiếp nhiên liệu tàng hình của «Lockheed Martin» từ năm 2005.
Giải pháp trước nhất
Lịch sử phần lớn các dự án máy bay tiếp nhiên liệu tàng hình dành cho Không quân được bắt đầu vào giữa những năm 2000 ở Mỹ. Khi đó người ta nhận ra: Lực lượng không vận hiện tại không còn đáp ứng tốt được những yêu cầu của thời gian. Cần phải thay những "ông già" C-130, và C-17 cũng vậy.
Ban đầu, mọi cái nhìn đổ về phía máy bay cất và hạ thẳng đứng, cỗ máy giống như loại C-130 được giới quân sự mong muốn đã 40 năm. Nhưng người ta cũng nhanh chóng nhận ra rằng với trình độ công nghệ hiện tại không đủ để chế tạo một chiếc máy bay vận tải hạng nặng cất cánh thẳng đứng. Vậy xu hướng cần phải được xem xét lại.
Chiếc máy bay vận tải mới phải tiêu hao ít nhiên liệu, có khả năng cất cánh từ các đường băng bằng đất ngắn và hẹp, cũng như phải ứng dụng công nghệ "Stealth".
Chiếc máy bay đa năng tương lai B-MACK của Lockheed Martin có khả năng thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ từ vận chuyển hàng hoá và tiếp nhiên liệu trên không cho tới thực hiện vai trò của kho vũ khí và hỗ trợ hoả lực.
Ý tưởng trông có vẻ mang lại lợi nhuận tốt. Không có gì ngạc nhiên khi tất cả các ông lớn trong lĩnh vực này bắt đầu nghiên cứu các dự án của mình mà thậm chí không cần các khoản đầu tư chính thức.
Khả năng chuyển đổi các cỗ máy đa năng thành máy bay tiếp nhiên liệu cũng được nghiên cứu. Nhưng giới quân sự tạm thời chưa quan tâm. Chương trình máy bay tiếp nhiên liệu mới KC-X và những cuộc tranh cãi xung quanh chương trình này đã tốn nhiều thời gian của họ.
Đến đầu thập niên 2010, người ta đã lựa chọn chiếc máy bay tiếp dầu KC-46 Pegas của Boeing thay thế cho chiếc KC-135 Stratotanker vốn bắt đầu được đưa vào biên chế từ cuối thập niên 50.
Trong tương lai, Mỹ dự kiến sẽ chuyển sang chương trình KC-Y để thay thế cho KC-10. Kỳ vọng rằng đó sẽ là cỗ máy hiệu quả cao với khả năng tiêu thụ nhiên liệu thấp và từ đó có thời gian bay dài.
Máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-Y được thiết kế bởi «Lockheed Martin» trong khuôn khổ chương trình máy bay vận tải tương lai HWB (Hybrid Wing-Body).
Vào năm 2016 người ta bất ngờ từ bỏ dự án KC-Y và thông báo về sự cần thiết chế tạo chiếc máy bay tiếp nhiên liệu tàng hình theo chương trình mới KC-Z. Không thể nói rằng thông tin này khiến các doanh nghiệp lớn khó chịu.
Các dự án máy bay vận tải tàng hình nhanh chóng được hoàn thiện thành các máy bay tiếp nhiên liệu, làm mới một chút thiết kế - và các đề xuất mới được gửi cho giới quân sự. Nhưng số phận chương trình KC-Z tạm thời vẫn chưa rõ.
Nhiều người đã công khai chỉ trích nó như một chương trình tốn kém không cần thiết và đề xuất quay trở lại KC-X.
Mô hình máy bay tiếp nhiên liệu của «Lockheed Martin» theo chương trình KC-Z.
Mô hình máy bay tiếp nhiên liệu AAR (Advanced Aerial Refueling) do Phòng nghiên cứu Không quân Mỹ đề xuất.
Từ những chiến binh trở thành không vận
Câu chuyện không kém phần thú vị liên quan tới các phương tiện tiếp nhiên liệu tàng hình của hạm đội hải quân. Tất cả bắt đầu tư chương trình đẹp đẽ UCLASS (Unmanned Carrier-Launched Airborne Surveillance and Strike — máy bay do thám và cường kích không người lái cất cánh từ tàu sân bay).
Nó sẽ phải là chiếc máy bay không người lái đúng nghĩa đa năng đầu tiên của hạm đội hải quân. Có khả năng thực hiện cả nhiệm vụ do thám, và triển khai tấn công và thậm chí trong một vài trường hợp giới hạn có thể phóng tên lửa. Trong tương lai, trên nền tảng của nó có thể xuất hiện cả phiên bản không người lái thay thế F/A-18.
Người ta tập trung vào chương trình này nhiều thời gian và tích cực. Các tranh cãi về việc lựa chọn đúng loại máy bay nổ ra cả ở phòng làm việc của lãnh đạo, cả trên những trang báo chuyên ngành.
Cuối cùng người ta quyết định lựa chọn X-47B của Northrop-Grumman. Trong quá trình thử nghiệm, cỗ máy này bay ổn định, kể cả cất cánh từ tàu sân bay, thực hiện tiếp nhiên liệu trên không và chứng tỏ được những ưu thế của mình.
Máy bay tiếp nhiên liệu không người lái MQ-25 của «Lockheed-Martin»
Nhưng vào thời điểm đó, Hải quân Mỹ bắt đầu đầu tư cho cả việc nghiên cứu chế tạo máy bay thế hệ thứ 6 F/A-XX, và cần phải lựa chọn dồn tiền vào đâu. Sự phân vân kéo dài không lâu, năm 2016 chương trình UCLASS chính thức bị đóng lại.
Thực ra, lực lượng hải quân không muốn đánh mất những kết quả thu được từ chương trình, và vì thế họ quyết định biến chiếc máy bay không người lái thành phương tiện tiếp nhiên liệu.
Chương trình CBARS (Carrier-Based Aerial-Refueling System — "máy bay tiếp nhiên liệu cất cánh từ tàu sân bay") được bắt đầu như thế. Cũng giống như đối với dự án của Không quân, một trong những yêu cầu đối với máy bay tiếp nhiên liệu đó là giảm khả năng bị phát hiện trước các radar.
Để đạt được điều này thì cách dễ nhất là giảm kích thước của máy bay tiếp nhiên liệu. Chiếc máy bay tương lai được đặt tên là MQ-25 Stringrey sẽ phải trở thành người bạn đáng tin cậy của các tiêm kích tàng hình F-35 của hải quân, tiếp nhiên liệu cho các máy bay này sau khi cất cánh và ở gần khu vực xảy ra chiến sự.
Trong tương lai MQ-25 cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám hoặc không kích trong trường hợp cần thiết.
Máy bay tiếp nhiên liệu không người lái MQ-25 của «Northrop Grumman»
Máy bay tiếp nhiên liệu không người lái MQ-25 của Boeing – kẻ chiến thắng trong cuộc thi.
Vì công tác nghiên cứu chế tạo bắt đầu từ con số 0 nên Northrop Grumman lại vấp phải những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ và có vị thế mạnh hơn trong lần này. Máy bay không người lái X-47B quá đắt đỏ và thừa công nghệ đối với một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu.
Và thậm chí những nỗ lực nhằm đơn giản hoá nó cũng không mang lại kết quả cần thiết. Cuối cùng Boeing được xướng danh là kẻ chiến thắng chương trình CBARS. Công tác sản xuất hàng loạt chiếc máy bay này dự kiến sẽ được triển khai vào năm 2024.
Các máy bay tiếp nhiên liệu đã và sẽ là một trong những thành phần quan trọng của sức mạnh không quân Mỹ. Bởi thế chúng rất được quan tâm.
Và bởi thế Nga sẽ cảm thấy buồn khi nhìn vào lực lượng không quân của mình nơi mà không phải tất cả các máy bay có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, trong khi số lượng máy bay tiếp nhiên liệu thì rất ít. Chỉ còn lại hi vọng tình hình sẽ được cải thiện mà thôi!