Hầu hết các CEO đều đọc từ 4 đến 6 cuốn sách mỗi tháng, nhờ 7 nguyên tắc "ham đọc" này

Như Quỳnh |

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người đọc sách nhiều hơn sẽ có vốn từ vựng rộng hơn, mức độ thông minh cao hơn và thế giới quan cũng rộng mở hơn so với những người đọc ít hơn.

Có một sự thật đáng kinh ngạc mà bạn có thể chưa từng nhận ra: Nhiều giám đốc điều hành và tổng giám đốc hàng đầu của các thương hiệu và công ty nổi tiếng ngày nay đều đọc trung bình từ 4 đến 6 cuốn sách mỗi tháng. Đó là một con số ấn tượng so với con số 1 cuốn sách mỗi năm mà một người bình thường đọc. Hầu hết mọi người thường không quá quan tâm tới việc đọc sách vì chúng ta hiện đang sống trong một xã hội công nghệ cao, nơi phần lớn các thế hệ đều có tâm lý "dài quá, không đọc".

Việc rất nhiều doanh nhân thành đạt, dù là nam hay nữ ở khắp trên thế giới đều đọc một lượng sách đáng kinh ngạc trong một năm là điều hoàn toàn đáng để suy nghĩ. Bạn đã bao giờ dừng lại để nghĩ rằng một phần lớn thành công của họ có thể là do thói quen đọc của họ hay không? Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người đọc nhiều hơn sẽ có vốn từ vựng rộng hơn, mức độ thông minh cao hơn và thế giới quan cũng rộng mở hơn so với những người đọc ít hơn.

Không thể phủ nhận mối tương quan giữa việc đọc sách với thành công của một người, và nếu bạn là một người tham vọng muốn vươn lên hàng đầu, bạn cần biến việc đọc sách trở thành một khía cạnh thiết yếu của cuộc sống. Xét cho cùng, đọc sách là điều cơ bản và con người ta không nên ngừng đọc sách ngay cả khi đã kết thúc tất cả các chương trình học tập của mình. Nhưng chính xác thì làm thế nào để bạn có thể đọc nhiều sách hơn giống như một CEO hoặc các nhà lãnh đạo?

1. Mang theo sách ở mọi nơi

Một trong những cách hiệu quả nhất để đảm bảo rằng bạn sẽ sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình tại nơi làm việc, hoặc bất cứ nơi nào khác để đọc sách là hãy luôn mang theo một cuốn sách bên mình. Trọng lượng vật lý của một cuốn sách sẽ nhắc bạn nhớ về sự hiện diện của nó trong túi đi làm, và vì vậy rõ ràng bạn sẽ bị bắt buộc phải đọc nó khi bạn có một khoảng thời gian khá lớn để đọc hết một hoặc hai chương.

Ngoài việc đọc sách tại văn phòng trong giờ nghỉ giải lao, bạn có thể mang theo sách khi đi các phương tiện giao thông công cộng hoặc dành thời gian ở những nơi công cộng như quán cà phê, nhà hàng hoặc công viên. Đừng bao giờ bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để đọc sách. Chẳng hạn: nếu bạn định giặt quần áo ở nhà, bạn có thể cho quần áo vào máy giặt và sau đó hoàn thành một vài chương trong khi đợi chu trình giặt hoàn tất.

2. Lên cho mình một danh sách các cuốn sách phải đọc

Nếu bạn muốn tăng số lượng sách mình định đọc, hãy duy trì một danh sách đọc trong đó ghi lại một số lượng sách mà bạn dự định sẽ hoàn thành. Hơn nữa, danh sách này phải luôn được cập nhật để bạn luôn có những đầu sách mới để "mong ngóng" sau khi đọc xong những đầu sách trước đó.

Nếu bạn vốn là một người thích đọc sách, có một cách tốt để bạn duy trì danh sách đọc của mình là lướt qua các đầu sách được giới thiệu trên các trang web thương mại điện tử. Một ưu điểm khác của việc có một danh sách đọc là nó sẽ liên tục thúc đẩy bạn duy trì thói quen đọc của mình và mang lại cho bạn nhiều cơ hội để khám phá các loại sách khác nhau có sẵn hơn.

3. Đa dạng hóa thể loại sách

Mọi người đều có dòng sách mà mình yêu thích, và đây là một thực tế dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu bạn thực sự muốn trở thành một người có thế giới quan cởi mở, bạn cần phải bước ra ngoài vùng an toàn của mình và đọc những thứ mà bạn có thể không có ý định đọc. Ngay cả những CEO hàng đầu trên thế giới cũng không chỉ đọc những cuốn sách triết lý hay kinh doanh nhàm chán, vì vậy đừng bó buộc mình trong một chiếc hộp, hãy cố gắng khám phá những thể loại khác bên ngoài chiếc hộp đó.

Ví dụ: nếu bạn thường xuyên đọc các tác phẩm phi hư cấu như sách self-help và tiểu sử của những cá nhân thành công và nổi tiếng, giờ đây, bạn có thể thêm vào danh sách đọc của mình những tác phẩm viễn tưởng hiện đại hoặc cũng có thể đọc lại tất cả các tác phẩm văn học cổ điển mà bạn từng được học phân tích hồi còn đi học. Bạn cũng có thể thử đọc tuyển tập các tập thơ nếu bạn thuộc tuýp người thích những câu trích dẫn truyền động lực. Hãy đa dạng hóa nguồn tài liệu đọc của bạn nhất có thể để mở rộng cơ sở kiến thức của mình và học thêm được những điều mới.

4. Hỏi người khác giới thiệu

Nếu bạn lúng túng không biết đọc gì, đặc biệt nếu bạn không phải là tuýp đọc nhiều, thì giải pháp tốt nhất cho bạn trong trường hợp này là hỏi xin lời khuyên, hay review từ những người mê đọc sách mà bạn quen biết. Những người yêu sách thường sẽ rất cởi mở khi được chia sẻ thư viện của họ cho những người khác, điều đó giúp họ có cơ hội giới thiệu những người mới đến với những tựa sách mà cá nhân họ rất thích. Hơn nữa, việc hỏi ý kiến người khác về cuốn sách của họ sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về cá nhân đó.

Bất cứ khi nào muốn ai đó giới thiệu sách cho mình, điều quan trọng là phải giữ tâm trí cởi mở. Nếu chẳng quen ai có đam mê đọc sách, bạn cũng có thể vào các hội nhóm dành cho những người yêu sách trên mạng xã hội hay những tranh review sách. Đánh giá trực tuyến là một lựa chọn thay thế tốt để bạn sử dụng nếu bạn cần những lời khuyên đáng tin cậy.

5. Nghe là một giải pháp thay thế tuyệt vời

Khi bạn là kiểu người thực sự rất muốn đọc sách nhưng lại dễ cảm thấy mệt mỏi khi đọc sách giấy trong một thời gian dài, có một giải pháp thực sự gọn gàng và thú vị dành cho bạn trong tình huống này. Sách nói là một dạng ghi âm của một tác phẩm được người kể chuyện hoặc diễn viên lồng tiếng đọc to. Đây là những lựa chọn thay thế tuyệt vời cho những người muốn đọc nhưng không đủ kiên nhẫn để đọc. Sự phát triển của Internet ngày nay giúp mọi người tải xuống hoặc phát trực tuyến sách nói dễ dàng hơn.

Điểm hay nhất ở sách nói là bạn có thể nghe chúng ngay cả khi đang làm việc khác. Nhiều người nghe sách nói trên đường đi làm hoặc thậm chí nghe qua tai nghe khi làm việc tại văn phòng. Những người khác có thể chọn nghe sách nói trong thời gian rảnh rỗi ở nhà để họ có thể thực sự tập trung vào nó.

6. Sắp xếp một khoảng thời gian dành riêng cho việc đọc

Nếu bạn thực sự nghiêm túc về việc muốn đọc nhiều sách hơn trong một tháng, hãy tự cam kết dành một phần trong thời gian biểu của mình chỉ dành riêng cho việc đọc sách và không làm gì khác. Việc này sẽ giúp bạn phát triển ý thức mạnh mẽ hơn về việc đọc sách. Khi bạn quyết tâm đọc, hãy đảm bảo rằng bạn làm điều đó vì mình chứ không phải vì bạn muốn gây ấn tượng với người khác rằng bạn là một người tri thức.

Tùy thuộc vào mức độ bận rộn, bạn có thể điều chỉnh khung thời gian phù hợp với mình nhất để tránh tạo ra xung đột với các công việc khác. Chẳng hạn: bạn có thể dành ít nhất hai giờ mỗi ngày ngay sau khi đi làm về để đọc một cuốn sách mới hay kết thúc cuốn sách bạn đã đọc trong vài ngày qua. Vào cuối tuần, bạn có thể tăng thời gian lên ba hoặc bốn giờ, đặc biệt là nếu bạn không có kế hoạch gì trong ngày với bạn bè hay gia đình của mình.

7. Chia sẻ kiến thức của bạn với người khác

Nếu bạn có khuynh hướng muốn thảo luận về những cuốn sách mà mình đã đọc gần đây, hãy chia sẻ suy nghĩ và ý kiến của mình với những người mê đọc sách khác mà bạn biết. Cảm giác được tôn trọng khi thực sự hiểu về một cuốn sách nào đó không phải một cảm giác tồi.

Một trong những cách tốt nhất để chia sẻ kiến thức mới của bạn với người khác thường xuyên là tham gia câu lạc bộ sách. Câu lạc bộ sách nơi tập hợp của những người yêu sách, nơi họ thảo luận về một hoặc những cuốn sách mà mình đã đọc, đồng thời sử dụng nó như một diễn đàn để bày tỏ quan điểm, ý tưởng hoặc phản biện của họ về nguồn tài liệu đang được phân tích. Hoạt động xã hội này cũng rất tốt trong việc hình thành mối quan hệ có thể có ích với bạn trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại