Hành tung bí ẩn của tàu khảo sát Trung Quốc ở Biển Đông và Ấn Độ Dương

Anh Minh |

Một tàu khảo sát của Chính phủ Trung Quốc đã bị chặn khi "đang âm thầm di chuyển" mà không thông báo vị trí của nó qua AIS (Hệ thống thông tin tự động) của giới chức Indonesia.

Vụ việc là bước ngoặt mới nhất được cho là có liên quan đến việc một số phương tiện lặn không người lái được tìm thấy trong vùng biển Indonesia.

Theo tin của USNI, trong vụ việc mới nhất, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng (Xiang Yang Hong) 03 rời căn cứ tại Tam Á trên đảo Hải Nam, Trung Quốc vào sáng 6/1, bị Cảnh sát biển Indonesia đuổi chặn gần eo biển Sunda trong ngày 11/1.

Tất cả các tàu quá cảnh qua eo biển có tầm quan trọng chiến lược bắt buộc phải bật hệ thống AIS và khi đối đầu với tàu Indonesia, thủy thủ đoàn Xiang Yang Hong 03 tuyên bố rằng AIS của tàu đã bị hư hại.

“Indonesia yêu cầu tất cả các tàu đi qua 'tuyến đường biển quần đảo' duy nhất trên thế giới phải có AIS hoạt động và nghiêm cấm thực hiện nghiên cứu hải dương học,” theo Asia Times. “Cơ quan An ninh Hàng hải cho biết tàu Xiang Yang Hong 03 đã tắt thiết bị phát sóng hai lần khi đi qua quần đảo Natuna ở cực nam Biển Đông và sau đó là ở eo biển Karimata, phía đông bắc đảo Belitung”.

Vụ chặn tàu diễn ra sau khi một thiết bị lặn không người lái (UUV) Sea Wing do Trung Quốc sản xuất được phát hiện ở vùng biển Indonesia vào cuối tháng 12/2020. Đây là thiết bị mới nhất trong số ít nhất bốn UUV phiên bản Sea Wing cũ hơn được phát hiện trong khu vực.

Những thiết bị này thường được sử dụng để thu thập dữ liệu về dòng chảy, âm học và môi trường hàng hải. Chúng sử dụng động lượng đểt tiến về phía trước được tạo ra bằng cách liên tục chìm xuống và sau đó nổi lên theo một phương pháp gọi là lực đẩy nổi biến thiên. Nhiều quốc gia vận hành tàu lượn dưới nước.

Loại tương đương của Mỹ là Slocum G3, mà Hải quân Mỹ đã triển khai với tên gọi LBS-G (Littoral Battlespace Sensing-Glider). Dữ liệu do tàu lượn thu thập có thể được sử dụng cho nghiên cứu khoa học hợp pháp. Nhưng nó cũng có thể được sử dụng cho tình báo hải quân bao gồm cả việc lập kế hoạch hoạt động của tàu ngầm.

Điều này cũng đúng với dữ liệu được thu thập bởi các cảm biến riêng của tàu như sonar quét bên và các phương tiện điều khiển từ xa (ROV).

Các tàu khảo sát thường được sử dụng để thu thập thông tin tình báo hải quân tùy thuộc vào địa điểm và dữ liệu chúng thu thập. Phát hiện này khiến một số người nghĩ rằng Trung Quốc đang thu thập thông tin tình báo ở vùng biển Indonesia.

Điều này có thể liên quan đến các hoạt động của Hải quân Trung Quốc (PLAN). Eo biển Sunda, eo biển Lombok và eo biển Malacca là những nút cổ chai chiến lược nối giữa Biển Đông và Ấn Độ Dương. Tất cả đều liên quan đến việc quá cảnh vùng biển Indonesia.

Nếu PLAN muốn hoạt động nhiều hơn ở Ấn Độ Dương, họ sẽ cần phải xem xét các tuyến đường an toàn nhất đi qua các khu vực này, đòi hỏi khảo sát sâu rộng. Tổ chức The Intel Lab, sử dụng dữ liệu AIS do MarineTraffic.com cung cấp, cho thấy tàu Xiang Yang Hong 03 thường xuyên đến Indonesia và thực hiện một số chuyến đi đến Ấn Độ Dương trong hai năm qua.

Vào tháng 11 năm 2019, tàu đi qua eo biển Sunda vào Ấn Độ Dương, nơi nó khảo sát vùng nước sâu từ phía tây Indonesia lên đến Vịnh Bengal.

Khu vực này được coi là quan trọng đối với hoạt động tàu ngầm của cả Ấn Độ và Australia. Sau đó một năm, vào tháng 11 năm 2020, Xiang Yang Hong 03 lại ở Ấn Độ Dương, thực hiện một cuộc khảo sát sâu rộng ở Biển Ả Rập.

Rất khó để chứng minh các hoạt động của Xiang Yang Hong 03 có liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu ngầm, các tình báo hải quân khác hay nghiên cứu khoa học hợp pháp hay không nhưng việc này đặt ra câu hỏi về ý định của Trung Quốc trong khu vực.

Nhà phân tích Malcom Davis của Học viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) nói với Asia Times: “Những phát hiện ở vùng biển Indonesia cho thấy chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến những gì Trung Quốc đang làm và tại sao”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại