Hành trình tìm về nguồn cội của thiền sư Thích Nhất Hạnh

THÁI BÌNH |

Lần thứ 5 trở về Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Đà Nẵng 2 ngày trước khi trở về Tổ đình Từ Hiếu - nơi ngài xuất gia tu hành thuở thiếu thời và tịnh dưỡng đến cuối đời.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai phương Tây vừa trở về Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều người không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Đây là lần thứ 5 thiền sư về Việt Nam tính từ năm 1973.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Việt Nam ngày 26/10, trên chuyến bay từ thủ đô Bangkok (Thái Lan).

Tới cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi trên xe lăn với bộ áo nâu sòng chấp tay lên ngực theo nghi lễ con nhà Phật chào đón các tăng ni, phật tử ra đón.

Có mặt tại sân bay Đà Nẵng từ rất sớm, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, ông đợi từ 13h30 đến hơn 15h với tâm trạng khấp khởi. Đến 15h30, thấy thiền sư Thích Nhất Hạnh trên xe lăn ra cửa, ông và nhiều người vỡ oà niềm vui.

"Ngài đưa tay lên ngực chào mọi người, ánh mắt giao tiếp tinh anh”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết.

"Một hạnh phúc tràn đầy, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Khi biết tin ngày 26/10 Thầy về, đó là sự kiện mầu nhiệm ngược với những lo nghĩ của tôi. Tôi giữ kín không chia sẻ với ai hết", nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết.

Những ngày ở Đà Nẵng, thiền sư Thích Nhất Hạnh tịnh dưỡng tại khu resort Fusion Maia trên đường Võ Nguyên Giáp.

Hai ngày sau, tức ngày 28/10, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại chùa Từ Hiếu (Thừa - Thiên Huế), nơi ông xuất gia năm 16 tuổi. Biết tin thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại, nhiều phật tử đã đến chùa đón.

Ngồi trên xe lăn, thiền sư chấp tay trước ngực theo nghi thức Phật giáo để chào các phật tử. Ngài ra hiệu các đệ tử đẩy xe từ từ để ngắm khuôn viên chùa Từ Hiếu, hồ cá trước cổng chùa.

Đến chùa, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã vào lễ Phật ở chánh điện. Sau đó, ngài được đệ tử đưa về căn phòng từng ở lúc mới xuất gia vào tu tại chùa. Căn phòng nằm bên phải chùa, xung quanh có nhiều cây xanh.

Khác với 4 lần trước, lần này thiền sư Thích Nhất Hạnh đã về Tổ đình Từ Hiếu và xin lưu trú tại đây để tịnh dưỡng đến cuối đời.

Nói như sư thầy Thích Từ Đạo - Giám tự Tổ đình Từ Hiếu thì chuyến đi lần này của thiền sư Thích Nhất Hạnh là "lá rụng về cội". Bởi đây là quê hương, cũng là nơi ngài xuất gia thọ giáo với thiền sư Thanh Quý - Chân Thật từ năm 16 tuổi.

Hiện sức khoẻ của thiền sư Thích Nhất Hạnh khá tốt, các bữa ăn, ngài vẫn ăn chay thanh đạm. Một Ban Thị Giả được thành lập để chăm lo việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của ngài.

Theo sư thầy Thích Từ Đạo, Giám tự Tổ đình Từ Hiếu, khi trở về chùa, thiền sư Thích Nhất Hạnh tuy không nói được nhưng sắc diện của thiền sư khá tốt. Ngài có thể giao tiếp được với mọi người thông qua cử chỉ và ánh mắt.

Hành trình tìm về nguồn cội của thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 2.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh về đến chùa Từ Hiếu những năm tháng cuối đời.

Trước khi về Tổ đình Từ Hiếu với tâm nguyện ở lại để tịnh dưỡng đến cuối đời, ngày 11/11/2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh trải qua một cơn xuất huyết não nghiêm trọng và được các bác sỹ chuyên khoa tại bệnh viện ở Bordeaux (Pháp) chăm sóc đặc biệt 24/24.

Trước đó 2 tháng, sức khoẻ của thiền sư Thích Nhất Hạnh suy yếu do tác động của tuổi tác và phải nhập viện.

Sáng 15/11/2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh mở mắt lần đầu tiên kể từ khi xuất huyết não. Thiền sư có thể nhận thức những gì xảy ra xung quanh, nâng tay trái chạm vào người bên cạnh. Ông cũng có thể trả lời các câu hỏi bằng cách gật hoặc lắc đầu.

Tuy nhiên, thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn chưa phục hồi được khả năng nói. Theo các bác sĩ, đây là dấu hiệu của hội chứng bất lực ngôn ngữ (aphasia).

Tháng 7/2015, thiền sư đến Mỹ để tham gia chương trình trị liệu và hồi phục chức năng của trung tâm y tế UCSF tại San Francisco.

Chương trình hồi phục do các chuyên gia cao cấp về thần kinh học và hồi phục chức năng sau đột quỵ thiết kế. Tại đây, thiền sư được tập luyện theo một chương trình vật lý trị liệu cường độ cao trong vòng 5 - 6 tháng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (SN 1926, tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo tại Thừa Thiên - Huế), năm 16 tuổi ngài xuất gia ở chùa Từ Hiếu (nay thuộc TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nơi ông thọ giáo với Thiền sư Thanh Quý - Chân Thật và được ban pháp danh Trừng Quang, tự Nhất Hạnh.

Ngày 1/5/1966 tại chùa Từ Hiếu, thiền sư Chân Thật trao ấn khả cho Thích Nhất Hạnh để từ đây ngài trở thành một thiền sư (thầy dạy về thiền).

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã phối hợp kiến thức của ngài về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ Phật giáo Đại thừa, và các phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận hiện đại của ngài đối với thiền.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma.

Bốn lần về Việt Nam của thiền sư Thích Nhất Hạnh trước đó vào các năm 2005; 2007; 2008 và 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại