Nga đã ủng hộ, vì sao Trung Quốc chống đến cùng "ông lớn" châu Á này làm uỷ viên thường trực HĐBA?

Hữu Hiển |

Với sự hậu thuẫn của Nga, nỗ lực của Ấn Độ hiện vấp phải sự phản đối duy nhất đến từ Trung Quốc trong nhóm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo trang tin Newsweek (Mỹ), lập trường của Trung Quốc về việc là đại diện châu Á duy nhất trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã trở nên rõ ràng hơn sau sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với nỗ lực trở thành ủy viên thường trực của Ấn Độ hồi đầu tháng này.

Hành trình gian nan của Ấn Độ giành ghế Hội đồng Bảo an: Vấp trở ngại lớn từ Trung Quốc- Ảnh 1.

5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bao gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ. Ảnh: World Policy

Nga ủng hộ Ấn Độ

Denis Alipov - Đại sứ Nga tại Ấn Độ - đã thế hiện sự ủng hộ đối với tham vọng của New Delhi về việc giành ghế ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Ông Alipov cho biết hôm 10/2 trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RT (Nga) rằng: "Chúng tôi cho rằng Ấn Độ với tư cách là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an có thể đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy sự cân bằng cũng như một chương trình nghị sự tập trung vào lợi ích của phần đông thế giới, chủ yếu là các quốc gia ở Nam bán cầu."

Theo Newsweek, với sự hậu thuẫn của Nga, nỗ lực của Ấn Độ hiện vấp phải sự phản đối duy nhất đến từ Trung Quốc trong nhóm 5 ủy viên thường trực, cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh nhằm duy trì là cường quốc châu Á duy nhất trong nhóm này.

Nhưng việc Ấn Độ ứng cử cũng có thể gặp phải sự phản đối từ các ủy viên không thường trực khác của Hội đồng Bảo an.

Theo Newsweek, diễn biến này xảy ra trong bối cảnh căng thẳng và cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai đều đang tranh giành vị thế lãnh đạo trong cộng đồng các nước đang phát triển.

New Delhi ngày càng coi Bắc Kinh là thách thức đối với lợi ích địa chính trị của mình, trong khi lại phát triển mối quan hệ chặt chẽ với Washington.

Trung Quốc và Ấn Độ đã gia tăng căng thẳng trong tranh chấp biên giới ở khu vực Đông Ladakh kể từ tháng 6/2020. Căng thẳng biên giới đang diễn ra, hiện đã ở năm thứ tư, tiếp tục ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa hai nước.

Tờ The Press Trust of India hôm 10/2 đưa tin, Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar phát biểu tại Perth (Australia) rằng, Ấn Độ chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu gia nhập Hội đồng Bảo an với tư cách ủy viên thường trực.

"Chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu. Tôi chắc chắn 100% rằng chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu. Nhưng tôi cũng sẽ nói với bạn rằng thành thật mà nói, chúng tôi sẽ không đạt được điều đó một cách dễ dàng vì thế giới đầy rẫy sự cạnh tranh", ông Jaishankar nói.

Hành trình gian nan của Ấn Độ giành ghế Hội đồng Bảo an: Vấp trở ngại lớn từ Trung Quốc- Ảnh 2.

Các ủy viên Hội đồng Bảo an ngồi họp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trung Quốc muốn là đại diện châu Á duy nhất

Theo Newsweek, quá trình cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rất nghiêm ngặt, cần có sự ủng hộ của ít nhất 9 trong 15 ủy viên và sự đồng ý của cả 5 ủy viên thường trực: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, sự phản đối của Trung Quốc bắt nguồn từ tham vọng là đại diện châu Á duy nhất trong số các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Ashok Kantha - cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc từ năm 2014 đến 2016 - nói với Newsweek rằng, Bắc Kinh đã nỗ lực ngăn cản New Delhi ứng cử vào Hội đồng Bảo an khi đưa ra những rào cản thụ động.

"Trên thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng Trung Quốc đã ra sức cản trở bất kỳ hoạt động tái cơ cấu nào của Hội đồng Bảo an và những nỗ lực của chúng tôi đã vấp phải 'Vạn Lý Trường Thành' Trung Quốc. Chúng tôi giải thích hành vi của Trung Quốc là thiếu sự hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Ấn Độ và khát vọng của nước tôi, bất chấp những đảm bảo chính thức ngược lại", ông Kantha nói.

"Trung Quốc không có ý định chia sẻ không gian với một quốc gia đang phát triển khác và muốn duy trì vị thế là quốc gia duy nhất ngoài phương Tây là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an", ông Kantha nói.

Kanti Bajpai - giáo sư về nghiên cứu châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore - nói với Newsweek rằng, Trung Quốc có thể cố gắng tạo dựng sự đồng thuận giữa các cường quốc tầm trung khác để ngăn cản nỗ lực giành ghế tại Hội đồng Bảo an của Ấn Độ.

"Trung Quốc chắc chắn sẽ viện dẫn lập luận về các cường quốc tầm trung. Cụ thể là có một loạt cường quốc tầm trung sẽ không ủng hộ Ấn Độ, Nhật Bản và Đức, và cho đến khi có nhiều sự đồng thuận hơn, sẽ không phù hợp nếu chấp nhận ba cường quốc này làm ủy viên thường trực", ông Bajpai nói.

Hành trình gian nan của Ấn Độ giành ghế Hội đồng Bảo an: Vấp trở ngại lớn từ Trung Quốc- Ảnh 3.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu, Trung Quốc, vào ngày 4/9/2016. Ảnh: Getty

Thách thức đối với việc cải tổ Hội đồng Bảo an rất đa dạng

Một xã luận trên tờ China Daily vào năm ngoái nhận định, những đề xuất cải tổ của Mỹ đối với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bao gồm cả ghế ủy viên thường trực của Ấn Độ, được thúc đẩy bởi các lợi ích địa chính trị hơn là những lời kêu gọi thực sự cải tổ cơ quan này.

"Nhật Bản và Ấn Độ là hai cực trong chiến lược 'Ấn Độ - Thái Bình Dương' nhắm vào Trung Quốc của Washington, Đức là trung tâm của châu Âu để đối phó với Nga, còn Brazil là quốc gia số 1 ở sân sau Mỹ La-tinh của Mỹ. Có thể nói, đây phần lớn là một chiến dịch nhằm chống lại Trung Quốc và Nga", China Daily viết.

Theo China Daily, những thách thức đối với việc cải tổ Hội đồng Bảo an rất đa dạng, bao gồm cả nhiệm vụ nặng nề là sửa đổi Hiến chương Liên hợp quốc mà các chuyên gia tin rằng sẽ khó đạt được.

Trong cuộc tranh luận rộng hơn về cải tổ Hội đồng Bảo an, nhiều quốc gia và tổ chức khu vực đã đề xuất sửa đổi để cơ quan này mang tính đại diện hơn và cân bằng hơn về khu vực.

Theo China Daily, các quốc gia như Ý, Argentina, Hàn Quốc, Mexico và Pakistan cùng với Liên minh châu Phi (AU) cũng bày tỏ sự quan tâm đến các kế hoạch cải tổ Hội đồng Bảo an hoặc tìm cách trở thành ủy viên thường trực. Tuy nhiên, những đề xuất này đã không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ các bên tham gia chủ chốt, bao gồm cả Mỹ.

"Trung Quốc chắc chắn sẽ thúc giục các nước này phản đối tư cách ủy viên của Ấn Độ hoặc ít nhất, họ sẽ lập luận rằng các nước này không thoải mái với tư cách ủy viên của Ấn Độ và do đó, Ấn Độ không xứng đáng có một ghế", ông Bajpai nói với Newsweek trong khi bình luận về các quốc gia khác đang tham vọng đảm nhận ghế ủy viên thường trực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại