Màn đấu khẩu kịch tính tại cuộc họp Hội đồng Bảo an về vấn đề Triều Tiên

Trần Nga |

Hôm qua (19/12), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức phiên họp về Triều Tiên sau khi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của nước này rơi xuống phía Tây đảo Hokkaido của Nhật Bản. Phiên họp đã biến thành màn đấu khẩu đầy kịch tính giữa Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên.

Giới phân tích an ninh dự đoán Triều Tiên sẽ triển khai nhiều vụ thử vũ khí quân sự hơn nữa trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới.

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood nhấn mạnh: “Chúng tôi đã dùng mọi ngôn từ để mô tả những mối đe dọa liên tục của Triều Tiên đối với hòa bình và an ninh quốc tế: không thể chấp nhận được, liều lĩnh, nghiêm trọng. Nhưng hôm nay, hãy để tôi nêu rõ: Mỹ và các đồng minh đang nỗ lực bảo vệ mình trước các hệ thống vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đang thử nghiệm và đã nhiều lần tuyên bố là được sản xuất để tấn công chúng tôi”.

Màn đấu khẩu kịch tính tại cuộc họp Hội đồng Bảo an về vấn đề Triều Tiên- Ảnh 1.

Triều Tiên phóng vệ tinh do thám Malligyong-1 vào quỹ đạo. Ảnh: KCNA

Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song đáp trả: “Mỹ và các thế lực thù địch khác đã liên tục thực hiện các hành động đe dọa quân sự chống lại Triều Tiên trong suốt năm nay. Họ đang trở nên cực kỳ nguy hiểm và không chịu lắng nghe cho đến thời điểm này, thời điểm sắp kết thúc một năm.

Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa do Triều Tiên thực hiện lần này là một biện pháp mang tính cảnh báo trước tình hình thực tế.

Mỹ và một số quốc gia đã bất chấp triệu tập cuộc họp để đưa ra vấn đề một cách bất hợp pháp và phi lý với Triều Tiên, khi chúng tôi thực hiện quyền công bằng và chính đáng của một quốc gia có chủ quyền để tự vệ, được luật pháp quốc tế công nhận, bao gồm cả Hiến chương Liên Hợp Quốc vốn trao quyền bình đẳng cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc”.

Đại sứ Triều Tiên cũng lưu ý rằng, một số quốc gia chỉ lắng nghe lập luận của một bên và áp dụng tiêu chuẩn kép. Cộng đồng quốc tế ít nhất một lần cần phải suy xét đến mối quan ngại an ninh của Triều Tiên.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện của Nga cho rằng, cả Mỹ và Triều Tiên đều đang biện minh cho các động thái thù địch lẫn nhau. Nga cũng chỉ trích cho rằng các cuộc tập trận như Lá chắn tự do (Freedom Shield) và Song Long (Ssang Yong) do Mỹ dẫn đầu không gì khác một màn phô trương sức mạnh, tác động tiêu cực đến tình hình”.

Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Cảnh Sảng cũng cho rằng Bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng, mang tính đối đầu và đây không phải là lợi ích của bất kỳ bên nào. Ông cảnh báo, Bán đảo Triều Tiên có thể chứng kiến sự leo thang hơn nữa, nếu không phá vỡ “vòng luẩn quẩn của việc khẳng định quyền lực một cách gây hấn như hiện nay”.

Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố vụ phóng tên lửa Hwasong-18 mới nhất thể hiện quyết tâm của Triều Tiên muốn chứng minh rằng, sức mạnh hạt nhân đang lên của nước này có thể chống chọi được áp lực trừng phạt quốc tế.

Vụ phóng diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc thông báo kích hoạt hệ thống chia sẻ dữ liệu tên lửa thời gian thực, nhằm tăng cường hợp tác an ninh 3 bên ứng phó với chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Triều Tiên cáo buộc dự án chia sẻ dữ liệu tên lửa theo thời gian thực của Mỹ là một sự đối đầu công khai với Bình Nhưỡng.

Giới phân tích cho rằng Triều Tiên sẽ tăng cường phô trương sức mạnh nhằm vào Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống. Triều Tiên sẽ tiếp tục đặt cược vào năm tới để giành được ưu thế trong các cuộc đàm phán có khả năng được nối lại sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại