Wang Wenwen - biên tập viên tờ Global Times (Trung Quốc) - viết trong một bài xã luận rằng: "Ông Trump vừa lột trần nước Mỹ và đặt nước này lên bàn đàm phán… Mỹ thà hi sinh lợi ích của các đồng minh châu Âu để phục vụ lợi ích của mình. Ngay cả một số người châu Âu cũng nhận thức rõ điều này."
Theo Global Times, cần xem xét kỹ lưỡng các bình luận của ông Donald Trump về an ninh châu Âu khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới có thể thay đổi mối quan hệ giữa Washington và Brussels.
Sự chia rẽ chính trị trên Đồi Capitol về chiến lược dài hạn của Mỹ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine đang được Trung Quốc theo dõi chặt chẽ, trong đó một chuyên gia Trung Quốc khác cho rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho châu Âu có thể trở nên vô giá trị nếu ông Trump tái đắc cử.
Song Zhongping - một chuyên gia quân sự Trung Quốc - nói với Global Times rằng: "Châu Âu vừa ghét vừa sợ ông Trump vì nếu ông ấy tái đắc cử, sự bảo vệ của Mỹ, vốn rất mong manh, sẽ trở thành một lời hứa suông."
Ông Trump: "NATO đã bị phá sản cho đến khi tôi xuất hiện"
Theo Global Times, ông Trump nói hôm 10/2 tại buổi vận động tranh cử ở Conway, bang South Carolina, Mỹ, rằng ông sẽ không bảo vệ các quốc gia châu Âu không đóng góp phần phải đóng góp của họ cho NATO.
Vào năm 2014, nguyên thủ các nước thành viên NATO đã đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhưng nhiều nước không thực hiện mục tiêu này.
"Không, tôi sẽ không bảo vệ bạn. Trên thực tế, tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Bạn phải trả tiền. Bạn phải thanh toán các hóa đơn của mình", ông Trump nói trong buổi vận động tranh cử.
"NATO đã bị phá sản cho đến khi tôi xuất hiện", ông Trump nói.
Global Times cũng chỉ ra rằng, việc ông Trump tái đắc cử có thể đồng nghĩa với việc vai trò của châu Âu trong nền chính trị toàn cầu có thể sắp thay đổi.
Wang viết: "Khả năng các chính sách của ông Trump quay trở lại cho thấy một thách thức đa chiều đối với châu Âu. Nó không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh của châu Âu mà còn đặt ra những câu hỏi mới về vai trò và chiến lược của châu Âu trong nền chính trị toàn cầu."
Trang Newsweek (Mỹ) đưa tin, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đáp lại bình luận của ông Trump, nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo phòng thủ tập thể.
"Bất kỳ ý kiến nào cho rằng các đồng minh sẽ không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ thống an ninh của chúng ta, bao gồm cả an ninh của Mỹ, và khiến binh lính Mỹ và châu Âu gặp nguy hiểm cao hơn", ông Stoltenberg nói hôm 11/2.
Theo Newsweek, hôm 14/2, ông Stoltenberg cũng ca ngợi các nước thành viên NATO đã tăng chi tiêu quốc phòng, một số trong đó đang trên đường đạt được mục tiêu 2%.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng: "Đó là một con số kỷ lục khác và tăng gấp 6 lần so với năm 2014 khi chỉ có ba đồng minh đạt được mục tiêu."
Cử tri Mỹ nhìn nhận về hai ứng cử viên tổng thống hàng đầu
Hãng thông tấn RT (Nga) đưa tin, theo cuộc khảo sát được ABC News và công ty nghiên cứu thị trường Ipsos tiến hành vào tuần trước và có sự tham gia của 528 cử tri Mỹ đại diện, 86% số người được hỏi cho rằng, đương kim Tổng thống Joe Biden không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vì tuổi tác của ông.
Trong số đó, 27% tin rằng, chỉ có ông Biden - người đã là Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất trong lịch sử - là quá già; trong khi 59% nhận định cả ông Biden và cựu Tổng thống Trump đều quá già.
62% số người được hỏi cho rằng, ông Trump - ứng cử viên dẫn đầu của Đảng Cộng hòa - đã quá cao tuổi để có thể điều hành nước Mỹ.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy “sự khác biệt lớn” về cách cử tri Mỹ nhìn nhận những ứng cử viên trong đảng của họ. Có tới 74% cử tri Dân chủ cho rằng, ông Biden đã quá già; trong khi chỉ có 35% cử tri Cộng hòa chia sẻ quan điểm đó về ông Trump.
Về phía những cử tri độc lập, 91% cho rằng ông Biden đã quá già, và 71% có cùng quan điểm về ông Trump.