Hà Nội những ngày mưa dông thất thường, nhịp sống bỗng trở nên hối hả. Người ta đi đâu làm gì cũng vội vã, kể cả trời hửng nắng cũng thấy nơm nớp, vì 1 phút sau đấy cũng có thể mưa ào ào ngay được.
Hôm nay cũng thế. Ngoài bốt Hàng Đậu mưa lây rây, nhưng chỉ đi bộ một xíu cỡ vài mét, đến đoạn Gầm Cầu giao với Hàng Giấy là trên đầu lại khô cong. Tạnh ráo nên lại bắt gặp thúng nộm quen thuộc của u già bên hiên căn nhà đầu phố, ngay dưới gầm cầu Long Biên.
Đối với nhiều người Hà Nội, kể cả những thế hệ đã rất già rồi, suốt 30 năm qua, một buổi vắng bóng u bán nộm là bụng dạ bứt rứt khó tả.
Dù chẳng trưng biển hay thuê tiệm gì, chỉ vỏn vẹn quán cóc nho nhỏ, vài cái ghế để quanh cái thúng đầy rau thơm thịt bò, nhưng ngày nào cũng đông nghịt khách ghé ăn.
Hàng nộm bò khô không tên nổi tiếng đầu phố Gầm Cầu.
Ngồi xuống chiếc ghế con, gọi một bát nộm thập cẩm, nhẩn nha vừa ăn vừa ngắm phố xá, nghe u già chuyện trò với khách, chỉ vài phút thôi là tôi hiểu vì sao mà hàng nộm không tên này lại được mọi người yêu quý đến vậy.
Ai cũng biết phố Hàng Giấy nổi tiếng với thịt bò khô gia truyền lâu đời, nhưng nếu tới đây mà chưa từng nếm thử nộm bò Gầm Cầu thì quả là thiếu sót.
Tôi bắt chuyện với u bán nộm rất tự nhiên, cười không ngớt miệng, nhưng ngặt mỗi cái khiến tôi tiếc đến tận lúc về nhà là u nhất quyết không chịu nói tên là gì, dù tôi năn nỉ ngọt nhạt đủ kiểu để lần sau ghé qua còn biết đường gọi u một tiếng.
"Chiều nào tao cũng ngồi đây, ai qua cũng thấy, trừ hôm mưa thì nghỉ bán cho khỏe, tên tuổi làm cái gì, thích nổi tiếng thì tao đã trưng cái biển lâu rồi".
"U mà thích nổi tiếng thì đã trưng biển từ lâu rồi!".
Thúng nộm bé xíu nhưng chứa đựng món ăn vặt ngon lành khiến bao thế hệ người Hà Nội say mê.
Tay vừa cầm kéo vừa khoát một đường như múa võ, nói xong câu ấy, u già khiến bao nhiêu khách ngồi trước mặt đều phá lên cười.
Trông bà chủ thúng nộm nhanh nhẹn thế mà cũng đã ngoài 60, vui tính vô cùng. Tôi cứ tưởng nhà bà ở gần đây, nhưng hóa ra bà ở mạn dốc Bách Thảo, làng hoa Ngọc Hà.
"U làm dâu làng Ngọc Hà cũng ngót 40 năm rồi, đủ gái trai dâu rể, cháu nội cháu ngoại đầy nhà. Hồi xưa u cũng làm công chức, xong chán quá nên đi học mót nghề gia truyền làm nộm của ông hàng xóm.
Ông ấy chuyên làm nộm bán cho nhà giàu có từ thời Pháp thuộc đấy, ngon lắm. U cũng tâm huyết, đam mê với món này nên cứ cắp thúng đi bán vậy thôi, dù bây giờ nghỉ ở nhà con cháu chăm lo cũng được.
Không bán nữa thì buồn lắm. Nộm này là món ăn cổ truyền đấy con ạ, khách du lịch Trung Quốc, Nhật, Hàn đi qua đây cũng xúm xít vào ăn, họ thích lắm".
Đều đặn mỗi ngày, sáng ra u đi chợ mua nguyên liệu về chế biến cẩn thận, chiều tầm 3 rưỡi xách túi to túi nhỏ, đi xe ôm từ nhà ra phố Gầm Cầu bán, hết hàng hay không cứ 6 giờ tối là u đi về. Mà nói thế, chứ u toàn về sớm là nhiều, chứ mấy khi tầm đấy mà còn hàng đâu.
Cái thúng tí hon mà đủ sắc màu của những món đồ ăn hấp dẫn, nào là thịt bò khô, cuống họng xào, nộm đu đủ cà rốt, hoa chuối, bánh bột lọc nhân tôm thịt... Ai muốn ăn gì, yêu cầu thế nào u cũng chiều tất, thích "mix" kiểu gì u cũng phục vụ vô tư.
Ở đây có 2 món chính là bánh bột lọc và nộm thập cẩm theo nhu cầu của khách.
Ai ăn gì, không thích ăn gì, chỉ cần nói là u nhớ hết.
Chỉ 2 phút là có ngay bát nộm thơm phức quyến rũ vị giác thế này bưng trên tay.
Chị Diệu, một bà mẹ trẻ nhà ngay trong phố Gầm Cầu, chiều nào cũng ra hàng nộm u già ăn 2 bát mới chịu được.
"Mình ăn ở đây từ hồi bé tí xíu, lúc bà còn ngồi ở đầu ngã tư Hàng Giấy kia cơ, sau bà mới chuyển vào ngồi chỗ này. Ăn nộm bò khô nhiều chỗ rồi, cả những chỗ nổi tiếng cơ, nhưng mà ăn ở đây vẫn thích nhất".
Nghe khách khen mỗi câu vậy thôi, mà u già cười tít mắt. Nói đoạn, u lấy kéo xắt thêm vài miếng gan cho vào bát chị khách quen. Hồi nãy tôi đang ăn, xin thêm mấy miếng cuống họng dai dai, u cũng cho bốc vô tư.
Thì ra, bà chủ hàng này còn có "chiêu" độc khiến người ta nghiện ăn món nộm ở đây, ấy là bà rất thích... "bo" thêm đồ ăn cho khách. Nguyên văn lời u nói, là "'sẵn sàng bo cho chúng mày các thứ theo yêu cầu, không tính thêm tiền".
Tuyệt vời quá chứ gì nữa! Đang ăn dở miệng, còn dư chút nước dùng chua ngọt thơm thơm mà nhân thì hết sạch, cứ mạnh dạn kêu u cho vài miếng thịt bò, lá lách, cuống họng để ăn nốt, u chẳng bao giờ phàn nàn khó chịu đâu.
Bánh bột lọc nhân tôm dành cho khách ăn cay, ai không ăn được cay thì có nhân thịt riêng.
Cuống họng, gan... được chế biến theo bí quyết riêng lâu đời, mang hương vị rất đặc trưng, ấn tượng.
Một bát nộm thập cẩm Gầm Cầu rất đầy đặn, có đu đủ bào sợi, hoa chuối, giá đỗ rau thơm, nước dùng chan. Phần nhân chính hấp dẫn ngon lành nhất là thịt bò khô và nội tạng heo. Gọi là bò khô, nhưng thực ra là bò xào săn được u chế biến theo cách riêng không đâu giống.
"Ăn thấy ngon không con? U không bán mấy loại bò khô làm sẵn rẻ tiền chất lượng kém đâu. Thịt bò này gọi là bò lá me, chỉ có một miếng bé bé ở đoạn mông con bò ý, dặn người ta để riêng bán cho mình. Thế nên một buổi bán cho khách ăn chỗ thịt bò không có nhiều, chỉ tầm 2kg thôi.
Còn túi kia là cuống họng, lá lách, gan u thái ra, xào với bột điều, thảo quả, ngũ vị hương, đường, gia vị... U nêm vừa miệng thôi, ớt để riêng, vì nhiều người không ăn được cay với mặn". Ăn một bát nộm bò Gầm Cầu, nhớ cả đời không quên.
Vì cầu kỳ nhiều thành phần như vậy nên giá một bát nộm ở đây khá cao, khoảng 30 ngàn đến 50 ngàn, tùy theo yêu cầu của khách.
Tuy nhiên, chẳng có ai phàn nàn chê bôi gì, vì tiền nào thì của nấy, ăn xong no hơn cả cơm tối, mà muốn bốc thêm bao nhiêu cũng được, bà chủ lại xởi lởi xì tin, khách ăn xong còn để ý đưa tăm cho họ xỉa, ai mà không thích cơ chứ!
Chỉ bán 2 tiếng rưỡi buổi chiều nhưng lúc nào hàng nộm cũng đông khách, không nhanh chân là chẳng còn gì ăn, cũng không có chỗ để ngồi.
Nhiều người tới đây ăn 2 - 3 bát nộm đầy ú ụ chưa đã, còn gọi thêm mang về.
Ngồi trò chuyện thêm một lát thì cũng gần tối, đường phố tan tầm bắt đầu đông nghịt người, khách rôm rả kéo nhau đến hàng nộm, một loáng là bát bánh bột lọc, túi thịt bò chẳng còn miếng nào nữa. U già ngồi phe phẩy cái quạt giấy, hát mấy câu nhạc trẻ khiến tôi phải há mồm ngạc nhiên. Nhìn u cứ ung dung như trong phim kiếm hiệp vậy!
Còn ít nhân, bà bốc nốt cho bố con vị khách đến cuối. Đi một đoạn rồi vẫn nghe tiếng u quát ông bố: "Già rồi còn ôm cái điện thoại chơi game, có ăn nhanh không chả còn cái gì bây giờ".
Vậy đấy, cái hàng nộm bé tẹo không tên, vừa giản dị vừa dễ mến, chứa đựng biết bao đam mê của một người phụ nữ với món ăn vặt trứ danh Hà thành. Nếu chiều nào đó rảnh rỗi, không mưa, nhớ ghé qua phố Gầm Cầu, vừa được ăn ngon vừa được nghe u già hát, chọc cười thực khách, sẽ thấy yêu đời biết bao nhiêu!