Chiều 8/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Việt Nam nhằm chống hàng hóa "đội lốt" Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Việt Nam kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ trên thị trường Việt Nam cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam."
Người phát ngôn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, trong đó chỉ đạo các bộ ngành liên quan triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều biện pháp về nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, ngăn chặn, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Các bộ ngành liên quan của Việt Nam đang thực thi nghiêm túc bộ đề án này. Hiện Bộ công thương Việt Nam đang khẩn trương xây dựng các quy định, tiêu chí rõ ràng, cụ thể để làm cơ sở xác định hàng hóa xuất xứ tại Việt Nam với hàng hóa gian lận xuất xứ.
Các cơ quan hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng khác tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là đối với hàng hóa có rủi ro gian lận thương mại, điều tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi gian lận. Bên cạnh đó cơ quan chức năng của Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan chức năng của các nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong một thông cáo chính thức, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, gần đây phát hiện nhiều giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm giả mạo trên các hàng nông nghiệp, dệt may, sắt và nhôm.
Ông Đỗ Văn Sinh, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nói Việt Nam lo ngại có thể bị Mỹ trừng phạt khi cho phép hàng giả “Made in Vietnam” được xuất khẩu sang Mỹ, cũng theo thông cáo.
Các trường hợp gian lận nói trên bao gồm việc dán nhãn hàng hóa Trung Quốc thành “Made in Vietnam” trước khi hoàn thành giấy chứng nhận xuất xứ. Chẳng hạn, hải quan Mỹ phát hiện ván ép Trung Quốc được chuyển đến Mỹ thông qua một công ty Việt Nam.