Hàn Quốc và bài học của sự tự mãn: Sai lầm lớn nhất phá sập mọi thành quả họ làm được trước Covid-19

J.D |

Niềm tự hào mà Hàn Quốc gây dựng trước kia đã sụp đổ và nguyên nhân cũng chính bởi sự thành công ấy đến quá sớm.

Trên tầng 4 tòa thị chính thành phố Incheon, văn phòng của chuyên gia điều tra dịch tễ Jang Hanaram trông thật bừa bộn. 6 chiếc bàn ngập trong giấy tờ, 2 chiếc giường gấp cùng một chiếc bàn chất đầy mì gói, nước tăng lực và thuốc hỗ trợ tiêu hóa.

Jang nằm trong số 6 nhân viên phải làm việc liên tục theo ca 24h trong căn phòng chật chội ấy, điên cuồng theo vết các ca nhiễm Covid-19 tại thành phố lớn thứ 3 Hàn Quốc, nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay.

Hàn Quốc và bài học của sự tự mãn: Sai lầm lớn nhất phá sập mọi thành quả họ làm được trước Covid-19 - Ảnh 1.

Các nhân viên lần vết dịch bệnh trở nên quá tải vì khối lượng công việc quá lớn

Jang cho biết, anh biết làn sóng dịch này đang khác so với thời điểm đầu tháng 12. Những tin nhắn đỏ chót với ý nghĩa xác nhận ca nhiễm liên tục được báo về. "Tôi nghĩ mọi thứ dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát," - Jang chia sẻ với Reuters.

Tự mãn - sai lầm nghiêm trọng của Hàn Quốc

Hàn Quốc trước kia đã nhận được sự tán dương rất lớn của quốc tế, do đã nhanh chóng dập tắt các ổ dịch nhờ việc lần vết bằng hệ thống theo dõi công nghệ cao: vệ tinh, camera giám sát, dữ liệu thẻ và vô số các phương pháp khác. Họ thậm chí còn lập ra một bản hướng dẫn để các nước khác học tập theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết chính sự thành công này đã tạo ra tâm lý tự mãn của cả nhà chức trách lẫn cộng đồng, khiến họ trở nên thụ động hơn trước làn sóng dịch thứ 3, đồng thời khiến tình hình trở nên căng thẳng trong việc duy trì đúng thời hạn cung cấp vaccine.

Trong 8 cuộc phỏng vấn với Reuters, các công nhân viên tuyến đầu chống dịch đã chỉ ra một số thứ được cho là "sai lầm nghiêm trọng" mà chính phủ Hàn Quốc mắc phải. Chúng bao gồm việc không đầu tư đủ nhân lực cho hệ thống lần vết, không huy động đủ mạnh các bệnh viện tư để giải phóng giường bệnh, chính sách giãn cách thiếu quyết liệt, và chậm trễ trong việc tiếp cận nguồn vaccine.

Hàn Quốc và bài học của sự tự mãn: Sai lầm lớn nhất phá sập mọi thành quả họ làm được trước Covid-19 - Ảnh 2.

Để vận hành, Hàn Quốc dựa vào đội ngũ các nhân viên y tế công, hoặc các bác sĩ nghĩa vụ như Jang - người chỉ mới tốt nghiệp trường y, hiện đang làm công việc lần vết dịch bệnh thay thế cho nghĩa vụ quân sự.

Jag cho biết công việc rất quá tải và mức trả không tương xứng, còn việc luân chuyển giữa các bác sĩ là quá nhanh. Trong khi đó, nhiều người chỉ mới được tuyển, thậm chí còn chưa được tập huấn.

"Sự kiệt quệ đang là rất rõ ràng," - Jang chia sẻ.

So sánh với thảm họa đang xảy ra tại Mỹ, châu Âu và nhiều điểm nóng dịch bệnh khác, Hàn Quốc có khoảng hơn 57.000 ca nhiễm, 819 ca tử vong - con số vẫn đang khá thấp. Nhưng làn sóng dịch mới có vẻ đang có mức lây nhiễm cao nhất từ trước tới nay, dẫn đến chuyện số ca tử vong tăng lên.

Có những bệnh nhân đang chết dần trong khi giường bệnh vẫn còn đủ đáp ứng. Số ca nhiễm đang tồn tại hiện cao gấp đôi so với lúc cao điểm hồi tháng 3/2020.

"Bất chấp lời cảnh báo, sự tự mãn và lạc quan quá mức vẫn đang tồn tại trong tâm trí nhiều người," - Lee Jae-myung, Thống đốc tỉnh Gyeonggi, nơi có dân số đông nhất cả nước cho biết.

Yoon Tae-ho, Tổng giám đốc chính sách y tế khu vực thì nhận định nhà chức trách đáng lẽ cần phản ứng nhanh hơn. "Chúng tôi thực sự hối tiếc vì đã hành động quá chậm trễ so với sự tấn công của virus," - ông chia sẻ.

Hệ thống lần vết - niềm tự hào đang quá tải

Khác với các đợt dịch trước - chủ yếu tập trung vào các sự kiện và tổ chức nhỏ lẻ, đợt dịch mới lại đến từ các cụm nhỏ hơn như nhà hàng, văn phòng. Đây là những nơi rất khó để theo dõi. Hiện tại, gần 1/3 số ca nhiễm đang bị mất dấu.

Kể từ khi đại dịch xảy ra, Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi số điều tra viên - từ 130 lên 305. Chính phủ Hàn Quốc mới đây còn huy động cả cảnh sát và quân đội. Tuy nhiên, việc đào tạo họ sẽ mất thời gian hơn rất nhiều.

Hàn Quốc và bài học của sự tự mãn: Sai lầm lớn nhất phá sập mọi thành quả họ làm được trước Covid-19 - Ảnh 4.

Theo Lim Seung-kwan, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm ứng phó khẩn cấp với Covid-19 của tỉnh Gyeonggi, có lẽ đây là lúc cần cân nhắc từ bỏ hệ thống lần vết diện rộng, thay bằng các cuộc khảo sát dịch tễ để nắm được mô hình lây nhiễm tốt hơn. Điều này cũng sẽ giúp giảm tải cho các nhân viên y tế có trình độ, để họ tập trung vào chuyện chăm sóc người bệnh.

Cũng bởi khối lượng công việc lớn, Jang cho biết họ đang dần thu gọn quy mô lần vết - như việc sẽ không đề cập đến những nơi bệnh nhân có đeo khẩu trang và chỉ ở lại vài phút rồi rời đi.

Cơ hội tốt nhất đã mất

Thống đốc Lee đồng tình rằng đất nước hiện không còn khả năng lần vết từng ca nhiễm, và kêu gọi có các biện pháp linh hoạt hơn như xét nghiệm nhanh hàng loạt tại từng khu vực cụ thể.

Cũng theo Lee, thái độ tự mãn đã khiến việc cách ly xã hội trở nên khó khăn, và cần các giải pháp nghiêm khắc hơn, dù có thể gây mệt mỏi cho công chúng.

Trên thực tế, Hàn Quốc chưa từng thực sự tiến vào trạng thái phong tỏa hoàn toàn. Thủ tướng Hàn Quốc từng nói việc áp dụng lệnh cách ly cấp độ cao nhất chỉ là giải pháp cuối cùng, vì nó gây tổn thương nặng nề tới nền kinh tế.

Ma Sang-hyuk, phó Chủ tịch Hội Vaccine Hàn Quốc nhận định sự tự mãn cũng khiến chính sách vaccine của quốc gia trở nên chậm trễ. Bởi lẽ, nhà chức trách thấy chẳng có gì phải vội khi số ca lây nhiễm đang duy trì ở mức thấp hồi mùa hè vừa qua.

"Chính phủ Hàn Quốc đã xem thường đại dịch khi số ca lây nhiễm mỗi ngày trở nên ổn định, và cho rằng chúng ta có thể vượt qua mà không cần đến vaccine."

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trước sức ép từ công chúng, đã phải tuyên bố rằng sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng "không quá muộn", đồng thời nhấn mạnh sẽ mua đủ vaccine để đáp ứng ít nhất 85% quy mô dân số.

Lim nhận định, Hàn Quốc đã chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, nhưng lại thất bại trong việc gia tăng quy mô dịch bệnh. "Chúng ta đã tin rằng mọi thứ sẽ ổn nếu chịu đeo khẩu trang và làm đúng những gì đang làm. Nhưng chính niềm tin này đã khiến họ (nhà chức trách) phản ứng quá chậm."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại