Ngoài học sinh mâu thuẫn với nhau thì bạo lực học đường còn bao gồm luôn cả trường hợp giáo viên đánh học sinh.
Hầu hết các nước phương Tây đều đặt nặng vấn nạn này và có thể khép vào tội hình sự nhưng một số quốc gia khu vực châu Á vẫn thường xuyên xảy ra những vụ giáo viên bạo hành học sinh dù chính phủ những nước này đã và đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn.
Tại Hàn Quốc, việc giáo viên đánh học sinh trước đây còn được xem là phương pháp giáo dục hợp lý.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 10, những ngôi trường làng ở Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa Trung Quốc.
Khi đó, thầy giáo dùng roi đánh học sinh được xem là phương pháp dạy dỗ và răn đe thông thường.
Nhất là đối với những lớp có sỉ số đông thì phương pháp này phát huy hiệu quả cực kỳ cao, giúp giáo viên quản lý học sinh tốt hơn và góp phần tăng năng suất giảng dạy.
Tại Hàn Quốc, trừng phạt thể xác được chia làm 2 loại là trực tiếp và gián tiếp. Trực tiếp là việc giáo viên dùng roi đánh vào người học sinh và gián tiếp là áp dụng những hình phạt như hít đất, chạy vòng quanh sân trường…
Vậy nhưng, đa số giáo viên chọn áp dụng phương pháp trực tiếp. Năm 1999, giáo viên trường phổ thông Kukje đề xuất ý kiến nghiêm cấm hành vi trừng phạt thể xác tại học đường nhưng vấp phải nhiều sự phản đối.
Một trong những lý do được đưa ra là thông qua việc kỷ luật học sinh, giáo viên có thể giữ được uy quyền và danh dự của mình, từ đó dễ dàng hơn trong việc dạy dỗ.
Trừng phạt thể xác gián tiếp thường thấy trên phim học đường Hàn Quốc.
Năm 2011, kết quả cuộc khảo sát được đăng trên trang báo của Viện hình sự Hàn Quốc, cho thấy có đến 94,6% học sinh thừa nhận từng bị giáo viên đánh.
Mùa hè năm đó, vụ việc thầy giáo họ Oh đánh học sinh lớp 6 dữ dội ngay tại lớp học nổ ra và trở thành đòn giáng trực tiếp vào hệ thống giáo dục Hàn Quốc.
Đáng nói hơn là phản ứng của những đứa trẻ xung quanh vô cùng bình thản như thể là chuyện thường ngày ở huyện.
Khi đó, Hàn Quốc nổ ra tranh cãi dữ dội, rất nhiều người ủng hộ lệnh cấm thực hiện hành vi trừng phạt thể xác ở trường học.
Trong khi đó, Liên đoàn giáo viên nước này lại phản biện rằng giáo viên phải sử dụng phương pháp răn đe để kỷ luật học sinh.
Những người này còn đổ lỗi cho việc thiếu hụt nhân sự, giáo viên thông thường phải chủ nhiệm 1 lớp trên 60 học sinh nên rất khó kiểm soát nên như không trừng phạt thể xác.
Họ khẳng định công tác giảng dạy sẽ diễn ra hoàn toàn tốt đẹp nếu như chính phủ chịu chi tiền để thuê đủ giáo viên.
Tháng 11/2011, phòng giáo dục Seoul đã ban hành lệnh cấm hành vi trừng phạt thể xác, theo sau đó là các khu vực lân cận như tỉnh Bắc Seolla cũng nghiêm túc chấp hành.
Một trong những người đồng tình với chính sách này là thầy giáo Dong Hoon Chan, thành viên Hội liên hiệp giáo viên Hàn Quốc, cho biết việc kỷ luật học sinh bằng cách bắt chúng vào phòng tự vấn hoặc 1 buổi leo núi cùng giáo viên cũng có thể giúp cải thiện mối quan hệ thầy trò, đồng thời tăng khả năng tương tác giữa 2 bên.
Anh còn đề nghị Bộ giáo dục cần thảo luận đưa ra nhiều phương pháp quản lý học sinh dành cho giáo viên, thay vì sử dụng bạo lực như trước đây.
Một vài học sinh phản đối lệnh cấm và cho rằng nó không khác gì trò đùa. Em Park Bum Jun chia sẻ nhiều bạn học của mình đã lợi dụng điều luật này để đánh lại giáo viên.
"Sau khi điều luật được ban hành, nhiều học sinh vô tư thực hiện hành vi bạo lực với giáo viên vì tin rằng chúng sẽ không bao giờ bị khép tội.
Tôi biết điều luật được đưa ra là bảo vệ quyền con người của học sinh nhưng nhiều giáo viên giờ đây cũng chịu nhiều tổn thương" - Park nói.
Một học sinh khác là Lee Chun Joo cũng đồng tình và cho rằng đất nước mình luôn cần một biện pháp trừng trị để thay đổi cách hành xử của một vài học sinh khó dạy.
Người này cũng tin rằng giáo viên đánh học sinh là vì muốn tốt cho các em, tất cả đều vì tương lai của các em. Điều này đã tồn tại trong văn hóa Hàn Quốc từ rất lâu.
Năm 2015, một cuộc khảo sát được thực hiện trên 21 nghìn học sinh thành phố Seoul cho ra kết quả 20% đứa trẻ thừa nhận từng bị giáo viên bạo hành.
Đây là một con số đáng quan ngại, thôi thúc chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra nhiều biện pháp hơn để giải quyết vấn nạn, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của học sinh lẫn giáo viên.