Hàn Quốc tấn công thị trường vũ khí châu Âu, Đức đối mặt với áp lực cạnh tranh từ xe tăng K2

Thu Hằng (Theo Foreign Policy) |

Xe tăng chiến đấu chủ lực K2 của Hàn Quốc có khả năng tương đương với các xe tăng tốt nhất do châu Âu sản xuất. Một dây chuyển sản xuất xe tăng này sắp được triển khai ngay tại châu Âu.

Hàn Quốc tấn công thị trường vũ khí châu Âu, Đức đối mặt với áp lực cạnh tranh từ xe tăng K2 - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực K2 biệt danh "Báo đen" của Hàn Quốc.

Đức vẫn là nhà tài trợ lớn thứ tư cho nền quốc phòng của Ukraine, nhưng sự lưỡng lự của Thủ tướng Olaf Scholz về việc chuyển giao Leopard 2, loại xe tăng chiến đấu chủ lực tiêu chuẩn cho phần lớn châu Âu, vẫn đang là chủ đề chính của giới truyền thông ngay cả sau khi chính phủ của ông đã đồng ý gửi chúng cho Kiev.

Tâm lý chần chừ đó đã vấp phải những chỉ trích rằng chính phủ Đức tỏ ra thiếu quyết đoán và không sẵn sàng đi đầu ngay cả trong các vấn đề an ninh châu Âu. Mặc dù Đức từ lâu đã là đối tác mua sắm quốc phòng của các nước láng giềng châu Âu, nhưng sự chần chừ này đã làm lung lay niềm tin của khách hàng, tạo ra ấn tượng rằng chính sách quốc phòng Đức đang bối rối và khả năng lãnh đạo yếu kém của Berlin trong những trách nhiệm chiến lược. Điều đó khuyến khích các khách hàng châu Âu khám phá các lựa chọn khác cho phần cứng quốc phòng.

Những khách hàng đã mua xe tăng Leopard 2 của Đức, đặc biệt là những nước đang đối mặt với mối đe dọa từ xung đột ở Ukraine ngay trước cửa nhà họ, đang đặt câu hỏi liệu có khôn ngoan không khi phụ thuộc vào Berlin để có được một thành phần chủ chốt trong lực lượng mặt đất của mình.

Hiện không có bất kỳ dây chuyền sản xuất xe tăng nào khác của châu Âu ngay trên "sân nhà", khiến các biến thể xe tăng Leopard trở thành lựa chọn duy nhất.

Tuy nhiên, có một dây chuyền sản xuất xe tăng khác đã được lên kế hoạch triển khai ở châu Âu. Năm 2022, tập đoàn Hyundai Rotem và Hanwha Defense của Hàn Quốc đã giành được hợp đồng vũ khí khổng lồ với Ba Lan, trong đó bao gồm thỏa thuận mua 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 và 672 pháo tự hành K9. Trong tổng số xe tăng, 180 chiếc sẽ được chế tạo tại Hàn Quốc từ năm 2022 đến năm 2025, và 820 chiếc còn lại sẽ được sản xuất tại Ba Lan. Những chiếc này sẽ được chế tạo theo thông số kỹ thuật của Ba Lan dưới tên gọi K2PL.

Với Warsaw, thỏa thuận với Hàn Quốc có nghĩa là họ nhận được xe tăng nhanh hơn nhiều so với khả năng cung cấp của tập đoàn Rheinmetall - Đức và với mức giá cạnh tranh hơn. Bản hợp đồng cũng đáp ứng mong muốn của Ba Lan về chuyển giao công nghệ để tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của chính họ.

Hàn Quốc tấn công thị trường vũ khí châu Âu, Đức đối mặt với áp lực cạnh tranh từ xe tăng K2 - Ảnh 2.

Binh sĩ Hàn Quốc trên lựu pháo tự hành K9 ở Pyeongtaek ngày 25/9/2017. Ảnh: AFP/Getty Images


Hàn Quốc đã bắt đầu chương trình XK2 vào năm 1995 như một nỗ lực nhằm tách chương trình xe tăng của nước này khỏi các nền tảng phái sinh của Mỹ. Thiết kế XK2 đạt đến giai đoạn nguyên mẫu vào năm 2007, và sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm và đánh giá nghiêm ngặt, Hàn Quốc đã ký hợp đồng sản xuất xe tăng K2 đầu tiên của mình vào năm 2014.

Mặc dù một số người cho rằng K2 là "bản sao" kém tinh vi hơn của Leopard 2, nó vẫn là một sản phẩm được thế giới ưa chuộng. Loại xe tăng chiến đấu chủ lực này có khả năng tương đương với các xe tăng tốt nhất do châu Âu sản xuất. Trên thực tế, nó đã hoạt động tốt trong các thử nghiệm so sánh với Leopard 2.

K2 không chỉ được Ba Lan quan tâm. Xe tăng chiến đấu chủ lực Altay của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là sản phẩm phái sinh của K2, trong khi các quốc gia khác như Slovakia đã thảo luận với Hàn Quốc về các phương án thay thế xe tăng T-72 cổ điển của họ. Vì nhiều xe tăng từ thời Liên Xô của các nước Đông Âu đã được gửi đến Ukraine, các thiết kế dựa trên K2 có thể phù hợp với một số quốc gia mong muốn nâng cấp cũng như đa dạng hóa các mối quan hệ quốc phòng.

Na Uy cũng có xe tăng K2 trong danh sách quan tâm của mình, đánh giá nó so với Leopard 2A7. Na Uy đã cùng với Ba Lan đặt hàng 28 khẩu pháo tự hành K9 từ Hanwha Defense như một phần của hợp đồng trị giá 180 triệu USD, gia nhập hàng ngũ các quốc gia châu Âu khác như Phần Lan và Estonia sử dụng hệ thống pháo của Hàn Quốc.

Tất nhiên, toàn bộ châu Âu khó có thể ngay lập tức chuyển sang mua xe tăng từ Hàn Quốc, chưa kể có những trở ngại tiềm tàng. Một trong những điều quan trọng nhất là sự nhạy cảm của chính mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Nga. Seoul đã bị chỉ trích vì chính họ đã từ chối gửi hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, mặc dù cuối cùng đã linh hoạt bằng cách đồng ý xuất khẩu đạn dược sang Mỹ (và từ đó đạn dược sẽ lặng lẽ "tìm đường" đến Ukraine). Hơn nữa, Hàn Quốc cách xa châu Âu về mặt địa lý, điều này có thể là rào cản đối với các quốc gia thích mua sắm với các nước láng giềng.

Hàn Quốc tấn công thị trường vũ khí châu Âu, Đức đối mặt với áp lực cạnh tranh từ xe tăng K2 - Ảnh 4.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất. Ảnh: Getty Images


Tuy vậy, việc Hàn Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ và nội địa hóa sản xuất là một lợi thế đáng kể. Các thỏa thuận vũ khí của Ba Lan với Hyundai Rotem và Hanwa Defense bao gồm các dây chuyền sản xuất trong nước sẽ bắt đầu sản xuất xe tăng K2PL và pháo tự hành K9 của Ba Lan vào năm 2026, cũng như cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu K9 tiên tiến có khả năng bảo dưỡng thiết bị của Ba Lan cũng như của các lực lượng châu Âu khác. Với việc đảm bảo sản xuất và bảo trì trong nước, quốc gia đó sẽ ít bị tổn thương hơn trước những thay đổi chính sách tiềm năng trong tương lai đối với nguồn vốn nước ngoài và đảm bảo dòng phụ tùng sửa chữa.

Trong khi ngành công nghiệp quốc phòng của nhiều quốc gia tiên tiến, bao gồm cả Mỹ, đang phải đối mặt với tình trạng sản xuất thiếu hụt nghiêm trọng tại các cơ sở công nghiệp quốc phòng của họ, thì Hàn Quốc vẫn duy trì được năng lực mạnh mẽ và có khả năng mở rộng để sản xuất công nghiệp hàng loạt. Năng lực sản xuất này, kết hợp với việc Seoul sẵn sàng nội địa hóa sản xuất ở châu Âu, là một lợi thế bán hàng đáng kể so với sự phụ thuộc vào công ty Đức Rheinmetall, vốn đang khó duy trì đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu một cách kịp thời.

Các đơn đặt hàng lớn của Ba Lan cũng có thể có lợi cho Hàn Quốc. Với chương trình mở rộng và hiện đại hóa quốc phòng quan trọng, Ba Lan nhắm tới việc sở hữu một trong những quân đội đáng gờm nhất ở châu Âu, với nhiều xe tăng hiện đại hơn bất kỳ thành viên nào của NATO ngoại trừ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng xe tăng của Ba Lan sẽ đông hơn sức mạnh tổng hợp của Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Italy. Trong khi các ước tính cho rằng số lượng xe tăng Leopard 2 đang phục vụ ở châu Âu vào khoảng 2.000 chiếc, thì trong những năm tới sẽ có gần 1.000 chiếc K2 được đưa vào sử dụng chỉ riêng ở Ba Lan. Các quốc gia hiện đang gửi dự trữ xe Leopard 2 của họ tới Ukraine có thể coi việc mua K2 là một con đường nhanh chóng khôi phục và mở rộng năng lực quốc phòng.

Mỹ cũng có thể nhận thấy những lợi ích gián tiếp từ việc khuyến khích Hàn Quốc tích cực tăng thị phần quốc phòng ở châu Âu. Với tư cách là một đồng minh theo hiệp ước phòng thủ chung, Washington có lợi ích thực sự trong việc đảm bảo ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ và sôi động của Hàn Quốc có thể sản xuất các loại vũ khí hiện đại cần thiết để đối đầu Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại