Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 18.3 tuyên bố đã đến lúc hai miền Triều Tiên tổ chức thêm nhiều cuộc đối thoại.
Theo thông cáo từ phủ Tổng thống Hàn Quốc: “Chúng ta đang vật lộn tìm cách tận dụng những gì đang có. Chúng tôi đồng tình với quan điểm thà không thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi. Tuy nhiên trên thực tế thì rất khó để đạt phi hạt nhân hóa hoàn toàn chỉ trong một bước, do đó cần suy xét lại chiến lược “được ăn cả, ngã về không” này”.
Đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều dường như bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2.
Tại lần hội kiến trước, Tổng thống Donald Trump cho biết ông chẳng thể chấp nhận yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ trừng phạt của phía Triều Tiên. Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho lại khẳng định họ đưa ra đề xuất rất thực tế: dỡ bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon đổi lại bỏ một phần cấm vận. Mới đây quốc gia Đông Bắc Á bất ngờ đe dọa cân nhắc dừng đàm phán, khôi phục thử tên lửa.
Kể từ hội nghị thượng đỉnh tháng trước, đàm phán Mỹ- Triều dường như bị đình trệ - Ảnh: Reuters
Chính quyền Seoul muốn chấm dứt tình trạng bế tắc bằng cách thuyết phục Triều Tiên chấp thuận một lộ trình khái quát hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa, theo thông cáo từ phủ Tổng thống Hàn Quốc.
Thông cáo tuyên bố: “Chúng ta nên nỗ lực hơn để biến một thỏa thuận nhỏ thành một thỏa thuận đủ tốt. Nhằm đạt tiến bộ có ý nghĩa, ta cần một hoặc hai thành quả sớm góp phần xây dựng lòng tin”.
Giáo sư Yoon Sung-suk thuộc đại học Chonnam nhận định tại Hàn Quốc, nỗi lo đàm phán Mỹ- Triều đổ vỡ ảnh hưởng đến triển vọng hòa giải hai miền đang tăng cao.
Ông cho biết Tổng thống Moon Jae-in đang đặt một “canh bạc” lớn là thúc đẩy ngoại giao với chính quyền Bình Nhưỡng hòng cứu vãn tỷ lệ tín nhiệm thấp do nền kinh tế trong nước trì trệ.
Sau ba cuộc gặp năm 2018, Tổng thống Moon với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhất trí cùng mang lại tương lai thịnh vượng và thống nhất cũng như khuyến khích hợp tác, trao đổi các cấp. Giới chức hai bên thực hiện nhiều biện pháp giúp giải tỏa căng thẳng đúng như cam kết. Tuy vậy những dự án liên Triều sẽ chẳng đi đến đâu nếu đàm phán hạt nhân chẳng tiến bộ.
Giáo sư Koh yu-hwan đến từ đại học Dongguk cho rằng Hàn Quốc cố gắng duy trì hoạt động ngoại giao bất chấp triển vọng Mỹ- Triều thỏa hiệp không sáng sủa. Ý định của chính quyền Tổng thống Moon có thể là thuyết phục Washington, Bình Nhưỡng chịu giải trừ hạt nhân theo từng bước.